Xuất khẩu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng, ngay cả trong những thời kỳ kinh tế cực kỳ khó khăn, hiện tượng giảm sút trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản của VN trong những tháng đầu năm nay là một dấu hiệu rất đáng lo ngại.
Ngoài các nguyên nhân bên ngoài như giá các mặt hàng nông sản nói chung trên toàn cầu đều giảm, đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền của các nước khác... sự manh mún từ khâu sản xuất đến liên kết tiêu thụ nông sản, xuất hàng thô qua các công ty trung gian cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản VN.
Chẳng hạn trong khi xuất khẩu gạo VN giảm mạnh, các nước khác đều tăng cả về sản lượng và giá bán cao hơn giá gạo VN. VN có hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng ngoài các hợp đồng cấp chính phủ, đa số còn lại đều xuất qua các công ty trung gian của châu Âu và Mỹ, gạo VN hoàn toàn nằm trong sự chi phối của các công ty thương mại.
Ngoài ra, một yêu cầu quan trọng là sản xuất theo nhu cầu thị trường chúng ta chưa làm được. Lẽ ra các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải tìm hiểu thị trường nào cần cái gì, số lượng, chất lượng và giá cả ra sao để quay lại trong nước xem VN có thể sản xuất loại nào hiệu quả nhất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ liên kết với nông dân các địa phương để triển khai các vùng sản xuất đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn.
Tình trạng nông sản thu hoạch không biết bán đi đâu hay giá rớt thê thảm thời gian qua là hậu quả của việc không có liên kết, mạnh ai nấy làm. Nông dân sản xuất manh mún theo phong trào, còn doanh nghiệp chọn khâu dễ nhất để làm, kinh doanh theo kiểu thương lái, con buôn thì không bao giờ ngóc đầu lên được.
Nhiều chiến lược và chính sách không phù hợp trong ngành nông nghiệp cũng không được sửa đổi kịp thời. Chẳng hạn, hầu hết chính sách phát triển nông nghiệp của VN vẫn chỉ tập trung vào cây lúa, dù nhiều năm qua Nhà nước phải bỏ tiền mua tạm trữ do lúa gạo dư thừa.
Tư duy làm lúa bằng mọi cách dù đã bắt đầu thay đổi nhưng với cơ sở hạ tầng hiện tại, rất khó để người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng nếu không có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ kèm theo.
Vấn đề hạn điền là một trong những nút thắt trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp VN. Có một nghịch lý là Nhà nước luôn hô hào sản xuất lớn nhưng lại giới hạn bởi hạn điền, doanh nghiệp muốn đầu tư lớn vào nông nghiệp sẽ chọn cách dễ hơn là đầu tư sang các quốc gia có chính sách thoáng hơn về đất đai như Lào và Campuchia...
Khi các hiệp định thương mại này được mở ra, thị trường cho nông sản của VN sẽ được rộng mở hơn, nhưng ngược lại hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào. Với quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không cao, mẫu mã và bao bì kém lại ít đầu tư vào khâu nghiên cứu phát triển, các mặt hàng nông sản chế biến của VN không thể cạnh tranh với hàng cùng loại của nước ngoài.
Do đó, trong khi chờ sự chuyển biến từ các chính sách dành cho nông nghiệp, Nhà nước cần có các cơ chế bảo vệ doanh nghiệp làm ăn bài bản như chỉ cho phép doanh nghiệp có vùng nguyên liệu được xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với nông dân hình thành các cánh đồng lớn, các cơ quan làm đầu mối liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm vừa đảm bảo đầu ra, vừa tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp…
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm này, nông dân Bắc Hà (Lào Cai) đang vào cuối vụ thu hoạch quả lê.
Nằm trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc (thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) thường xuyên tìm những loại cây trồng mới, ứng dụng kỹ thuật mới để cho ra sản phẩm chất lượng. Mãng cầu đang là sản phẩm nổi bật của tổ hợp tác này.
Ông Trương Văn Đôn là người đã biết cách làm giàu từ 3 ha trồng cây na cho thu nhập gần 700 triệu đồng mỗi năm.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Hà Tĩnh, những ngày tới, trên địa bàn chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp bị nén bởi lưỡi áp cao lạnh lục địa và đới gió Đông trên cao có xu thế hoạt động mạnh lên, nên từ ngày 15-19/9, sẽ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng toàn tỉnh.
Ngày 9/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả kiểm tra, giám sát đối với 6 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố Biên Hòa.