Nín Thở Trồng Khoai Lang Xuất Khẩu
Thời gian gần đây phong trào trồng khoai lang xuất khẩu phát triển rầm rộ ở các tỉnh ĐBSCL, giúp nhiều hộ làm giàu, nhưng cũng có hộ thua lỗ bởi giá cả bấp bênh. Vấn đề đặt ra là tìm mô hình phát triển bền vững nghề trồng khoai lang xuất khẩu…
Hiệu quả
Với 10.000ha khoai lang mỗi năm, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) là nơi có diện tích khoai lang lớn nhất vùng ĐBSCL. Những ngày này đi dọc các xã Tân Hưng, Tân Thành, Thành Đông, Thành Trung… đâu đâu cũng thấy cánh đồng khoai lang bạt ngàn ngút tầm mắt.
Ông Tư Bi (Khúc Văn Bi), ở ấp Hưng Thành, xã Tân Hưng khoe: “Mới tháng rồi tôi thu hoạch 15 công khoai lang tím Nhật, đạt năng suất tới 50 tạ/công, bán giá 860.000 đồng/tạ; trừ hết các khoản chi phí còn lời hơn 450 triệu đồng, mức lợi nhuận khá lớn đối với người dân nông thôn”.
Theo ông Tư Bi, nếu trồng lúa vụ đông xuân được mùa, được giá thì lợi nhuận cũng chỉ 2 - 3 triệu đồng/công; trong khi khoai lang đạt lợi nhuận tới 30 triệu đồng/công, cao gấp nhiều lần so với lúa. “Để đạt hiệu quả cao, tôi phải tìm hướng đi riêng bằng cách chăm sóc đúng tháng để khoai đạt củ lớn và chọn thời điểm thu hoạch lúc khan hàng nhằm bán được giá cao” - ông Tư Bi tiết lộ.
Ông Huỳnh Văn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân quả quyết: “Nhờ khoai lang xuất khẩu, nhiều hộ ở vùng nông thôn Bình Tân từ khó khăn đã vươn lên khá giả. Chỉ cần giá khoai lang xuất khẩu từ 800.000 đã đồng/tạ thì nông dân xứ này sống khỏe”.
Nỗi lo thị trường
Có thể nói, nghề trồng khoai lang xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nơi ở ĐBSCL đua nhau mở rộng diện tích. Song, vấn đề lo ngại là chi phí đầu tư cho khoai lang rất cao, từ 6 - 8 triệu đồng/công; trong khi giá cả lên xuống thất thường nên vừa làm vừa “nín thở”, bởi không có doanh nghiệp nào bao tiêu sản phẩm lâu dài. Cái khó hiện nay là đầu ra của khoai lang xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Những lúc thị trường này hút hàng thì giá tăng cao, ngược lại giá lập tức giảm. “Vấn đề là việc mua bán giữa thương lái Việt Nam với thương lái Trung Quốc chủ yếu là “buôn chuyến” ngắn hạn, chứ chưa có sự ký kết hay hợp đồng dài hạn.
Vì vậy, việc xuất khẩu khoai lang vào thị trường này luôn bị đọng” - ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, cho biết.
Theo ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân (Vĩnh Long), phát triển khoai lang xuất khẩu là thế mạnh và chiến lược của huyện. Thời gian qua huyện đã đầu tư lớn về đê bao, thủy lợi, hạ tầng giao thông… cho vùng trồng khoai lang, đồng thời xây dựng xong thương hiệu “Khoai lang Bình Tân” vào năm 2013.
Cái khó lúc này là vẫn chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh để đứng ra hợp tác với nông dân xây dựng vùng trồng khoai thành “cánh đồng liên kết”, đưa nghề trồng khoai lang xuất khẩu vào hoạt động bài bản, có sự quản lý chặt về diện tích, sản lượng, chất lượng, thời vụ thu hoạch…
Nếu doanh nghiệp ký kết được hợp đồng xuất khẩu với đối tác Trung Quốc và các nước khác, thì sẽ giải quyết được nỗi lo bấp bênh đầu ra hiện nay và nông dân cũng không bị thương lái ép giá.
Có thể bạn quan tâm
Đến thời điểm này, ngành mía đường đã cơ bản kết thúc vụ ép 2013-2014 với sản lượng cao. Lượng đường tồn kho hiện vẫn còn rất lớn, nhưng với dự báo nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng khá, cộng với nhu cầu tiêu thụ những tháng hè tăng cao, đang giúp cho ngành mía đường giảm được lượng đường tồn kho và cải thiện giá bán ra.
UBND tỉnh Bình Định vừa trao 5 hệ thống thiết bị, công nghệ câu cá ngừ đại dương cho 5 tàu cá huyện Hoài Nhơn. Thiết bị này giúp chất lượng cá câu được tăng cao gấp nhiều lần so với trước.
Cơ sở để Vasep đưa ra dự báo trên là căn cứ trên tình hình xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay, đạt 2,86 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm tăng ở tất cả các thị trường, còn xuất khẩu cá tra, bạch tuộc đã có dấu hiệu phục hồi.
Mấy tuần gần đây, nông dân nuôi cá điêu hồng làng bè tỉnh Tiền Giang phấn khởi do giá cá liên tục tăng cao, sức tiêu thụ của thị trường mạnh. Hiện nay, giá cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 39.000 - 40.000 đồng/kg cao hơn 6.000 - 7.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất.
Những năm 80 của thế kỷ 20, chính quyền và nông dân huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) đã bắt đầu hình thành những vùng chuyên canh, xen canh giữa cây lúa và ngô (bắp) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đến nay, cây ngô đã trở thành cây trồng chủ lực tại đây, với năng suất lên đến 13, 14 tấn/ha, mở hướng phát triển bền vững cho việc tái cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.