Xuất khẩu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng, ngay cả trong những thời kỳ kinh tế cực kỳ khó khăn, hiện tượng giảm sút trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản của VN trong những tháng đầu năm nay là một dấu hiệu rất đáng lo ngại.
Ngoài các nguyên nhân bên ngoài như giá các mặt hàng nông sản nói chung trên toàn cầu đều giảm, đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền của các nước khác... sự manh mún từ khâu sản xuất đến liên kết tiêu thụ nông sản, xuất hàng thô qua các công ty trung gian cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản VN.
Chẳng hạn trong khi xuất khẩu gạo VN giảm mạnh, các nước khác đều tăng cả về sản lượng và giá bán cao hơn giá gạo VN. VN có hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng ngoài các hợp đồng cấp chính phủ, đa số còn lại đều xuất qua các công ty trung gian của châu Âu và Mỹ, gạo VN hoàn toàn nằm trong sự chi phối của các công ty thương mại.
Ngoài ra, một yêu cầu quan trọng là sản xuất theo nhu cầu thị trường chúng ta chưa làm được. Lẽ ra các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải tìm hiểu thị trường nào cần cái gì, số lượng, chất lượng và giá cả ra sao để quay lại trong nước xem VN có thể sản xuất loại nào hiệu quả nhất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ liên kết với nông dân các địa phương để triển khai các vùng sản xuất đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn.
Tình trạng nông sản thu hoạch không biết bán đi đâu hay giá rớt thê thảm thời gian qua là hậu quả của việc không có liên kết, mạnh ai nấy làm. Nông dân sản xuất manh mún theo phong trào, còn doanh nghiệp chọn khâu dễ nhất để làm, kinh doanh theo kiểu thương lái, con buôn thì không bao giờ ngóc đầu lên được.
Nhiều chiến lược và chính sách không phù hợp trong ngành nông nghiệp cũng không được sửa đổi kịp thời. Chẳng hạn, hầu hết chính sách phát triển nông nghiệp của VN vẫn chỉ tập trung vào cây lúa, dù nhiều năm qua Nhà nước phải bỏ tiền mua tạm trữ do lúa gạo dư thừa.
Tư duy làm lúa bằng mọi cách dù đã bắt đầu thay đổi nhưng với cơ sở hạ tầng hiện tại, rất khó để người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng nếu không có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ kèm theo.
Vấn đề hạn điền là một trong những nút thắt trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp VN. Có một nghịch lý là Nhà nước luôn hô hào sản xuất lớn nhưng lại giới hạn bởi hạn điền, doanh nghiệp muốn đầu tư lớn vào nông nghiệp sẽ chọn cách dễ hơn là đầu tư sang các quốc gia có chính sách thoáng hơn về đất đai như Lào và Campuchia...
Khi các hiệp định thương mại này được mở ra, thị trường cho nông sản của VN sẽ được rộng mở hơn, nhưng ngược lại hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào. Với quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không cao, mẫu mã và bao bì kém lại ít đầu tư vào khâu nghiên cứu phát triển, các mặt hàng nông sản chế biến của VN không thể cạnh tranh với hàng cùng loại của nước ngoài.
Do đó, trong khi chờ sự chuyển biến từ các chính sách dành cho nông nghiệp, Nhà nước cần có các cơ chế bảo vệ doanh nghiệp làm ăn bài bản như chỉ cho phép doanh nghiệp có vùng nguyên liệu được xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với nông dân hình thành các cánh đồng lớn, các cơ quan làm đầu mối liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm vừa đảm bảo đầu ra, vừa tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp…
Related news
Anh Công hiện có trong tay khoảng 20ha keo lai và một trang trại rộng 17ha, nuôi 40 con bò, 41 con dê. Trung bình, mỗi năm anh thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng
Hơn 13 năm khai khẩn, cải tạo đất đồi hoang, giờ đây gia đình ông Bùi Quốc Tam, ở Hà Tĩnh đã có hơn 3ha trồng cam, mỗi năm thu về hơn nửa tỷ đồng
Gác lại nghề IT với thu nhập khá, anh Trương Hữu Thuận ở TP.Cần Thơ đang từng ngày đưa sản phẩm khổ qua rừng sạch đến tay người tiêu dùng
Nhờ mạnh dạn đầu tư trồng cam sành, gia đình chị Hoàng Thị Duy ở thôn 8, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã thoát nghèo, trở thành triệu phú.
Mô hình luân canh tôm - lúa ở ĐBSCL được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp “thông minh” do có thể trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô