Vựa Cá Giống Sông Mây

Tận dụng nguồn nước dồi dào từ hồ Sông Mây xả ra, một số người dân ở ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) đã lập trại nuôi cá giống. Mỗi năm các trại cá giống ở đây cung cấp cho thị trường khoảng 400 tấn cá giống các loại.
Bình quân 1 hécta nuôi cá thịt chỉ cần 40-50 kg cá giống. Với sản lượng cá giống như trên, các trại cá giống ở Sông Mây cung cấp cho khoảng 8 ngàn hécta ao nuôi. Cá giống ở Sông Mây không chỉ cung cấp cho người nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh khác, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Bình, Đà Nẵng...
* Đa dạng nguồn giống
Khu vực ấp Sông Mây có khoảng 6 trại lớn nuôi cá giống để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi trại đều có diện tích nuôi từ 8-20 hécta.
Sở dĩ khách trong và ngoài tỉnh về đây mua sỉ, lẻ các loại cá giống nhiều là vì mỗi trại đều có từ 12-15 loại cá giống, như: chép, trôi trắng, trôi đen, mè trắng, mè bông, mè vinh, rô phi đơn tính, trê, tra, trắm cỏ, hường, tai tượng, chim trắng... để người mua lựa chọn.
Ông Trần Văn Can, chủ trại cá giống Trường Can ở ấp Sông Mây, cho biết: “Trại của tôi cung cấp cho thị trường khoảng 20-25 tấn cá giống/tháng. Vào tháng cao điểm đầu mùa mưa, có ngày tôi bán 2-3 tấn cá giống cho khách trong và ngoài tỉnh”. Tuy nhiên, khách mua cá giống trong tỉnh chỉ chiếm số lượng 20-30%, còn lại đa số cung cấp cho người nuôi ở các tỉnh khác.
Nghề làm cá giống vất vả do đòi hỏi nhiều công lao động, phải nắm chắc kỹ thuật. Nếu không chỉ vài lần cá giống không đạt là người nuôi hết vốn. Mấy năm gần đây, các trại cá giống ở Đồng Nai cũng như Sông Mây còn chịu sự cạnh tranh gay gắt với cá giống giá rẻ từ miền Tây tràn về. Một số trại cá giống ở trong tỉnh phải đóng cửa chuyển nghề, nhưng riêng các trại cá Sông Mây vẫn phát triển tốt.
Chị Lê Thị Mai, chủ trại cá giống Quang Minh ở ấp Sông Mây, kể: “Cá giống Sông Mây có ưu điểm là quá trình gột giống người nuôi đều cho cá con qua những môi trường nước, nhiệt độ khác nhau. Do vậy, khi đem ra thả nuôi cá không bị sốc, tỷ lệ hao hụt thấp.
Những người nuôi cá thịt lâu năm ở Đồng Nai cũng như các tỉnh khác sau 1-2 vụ nuôi thử bằng nguồn giống lấy từ miền Tây, thấy hiệu quả kém đều quay lại mua giống ở đây”. Cũng chính vì thế mà các trại cá giống Sông Mây trở thành điểm cung cấp có tiếng ở Đông Nam bộ ra đến Đà Nẵng.
* Vận chuyển tận nơi
Để tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường, hầu hết các trại cá giống Sông Mây đều có xe ô tô chuyên dụng để chở cá giao tận nơi cho những khách hàng có nhu cầu. Ngoài bán trực tiếp cho người nuôi, các trại cá giống ở đây còn cung cấp cá giống cho hàng loạt các đại lý ở nhiều tỉnh.
Giá bán các loại cá giống ở Sông Mây từ 35-60 ngàn đồng/kg, tùy vào loại giống. Trung bình 1 kg cá giống từ 200-300 con, khách hàng có nhu cầu mua cá lớn hoặc nhỏ hơn các trại đều cung cấp.
Ông Vũ Hồng Phong, chủ trại cá giống Sông Mây ở ấp Sông Mây, cho hay: “Những nơi đặt hàng nhiều, trại của tôi thường vận chuyển cá giống giao tận nơi cho đảm bảo. Cá giống muốn vận chuyển xa phải cho vào bao ny-lông, bơm oxy vào rồi buộc chặt. Ngoài bán giống, trại của tôi còn tư vấn kỹ thuật thả nuôi để tỷ lệ cá sống và năng suất cao.
Những hộ có diện tích ao nuôi lớn thường lấy cá giống trực tiếp ở đây vì tỷ lệ sống trên 95% và cá nhanh lớn”. Theo các chủ trại cá giống ở ấp Sông Mây, mỗi trại đều có thuê 1-2 kỹ sư thủy sản phụ trách về kỹ thuật chăm sóc cá giống nên về quy trình chăm sóc, nuôi thả cá từ khâu giống đến khi bán thịt đều được chủ trại cá nắm kỹ. Do đó, ngoài cung cấp giống, các chủ trại cá Sông Mây còn tư vấn kỹ thuật cho người nuôi từ khâu chuẩn bị xử lý ao nuôi đến quá trình chăm sóc để đẩy cao năng suất.
Ông Hoàng Viết Toan, Trưởng ấp Sông Mây, cho biết: “Các trại cá giống Sông Mây cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh khoảng 400 tấn cá/năm, tương đương diện tích 80 ngàn hécta. Các trại cá giống ở đây đều có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt, nếu mở thêm được thị trường khả năng nguồn cung có thể tăng gấp 1,5-2 lần”.
Có thể bạn quan tâm

Mùa ruốc bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Khi những con ruốc theo con sóng ngoài khơi trôi vào bờ, cũng là lúc bà con ngư dân vùng biển bắt đầu một mùa ruốc. Người khiến ruốc vào bờ, người cân ruốc, người phơi ruốc tạo nên không khí đông vui tấp nập tại vùng biển Mỹ Á trong những ngày qua. Theo các ngư dân, địa điểm đánh bắt là vùng bãi ngang cách bờ 100m, kéo dài 2km.

Nhựa cánh kiến đỏ (CKĐ) là sản phẩm được tiết ra từ một loại côn trùng sống tập trung ký sinh trên một số loài cây chủ ngắn ngày và dài ngày. Ngày nay, nhựa CKĐ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và đặc biệt là làm chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy – một loại sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho bao bì bằng polyetylen.

Theo chân cán bộ xã đến thăm mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình anh Cầm Tổng Đồng, ở thôn 7, được biết: Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã. Năm 2007, gia đình anh đã mạnh dạn nhận 2 ha đồi rừng, trong đó đầu tư trồng 1,5 ha cây keo, diện tích còn lại trồng cây nghệ, chanh, đồng thời chăn nuôi thêm lợn, gà, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng.

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, vùng rau an toàn của thị trấn Vạn Hà chuyên canh với nhiều lứa cây trồng quanh năm. Những cây trồng chủ yếu là các loại rau màu như: cà chua, cải bắp, đậu cô ve, đậu đũa, mướp đắng, các loại rau cải. Nhiều loại rau, củ được trồng trái vụ nên cho giá trị kinh tế khá cao.

Ông Nguyễn Văn Châu, hộ chuyên nuôi bò ở xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu, An Giang) cho biết, giá bê cái trên thị trường liên tục tăng cao.