Mùa Hái Nấm Rừng
Những ngày này, khi thời tiết thuận lợi cho nấm chò, nấm lim xanh phát triển thì cũng là lúc nhiều người dân ở vùng núi cao vào rừng hái nấm.
Trước đây, tại các vùng núi cao ở Quảng Nam, nấm chò, nấm lim xanh tự nhiên mọc khá nhiều. Nhưng do người dân săn lùng nấm theo kiểu tận diệt nên món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho núi rừng xứ Quảng dần cạn kiệt. Do đó, người dân cũng không còn ồ ạt đi hái nấm như trước mà chỉ tranh thủ những lúc rảnh rỗi việc nương rẫy để vào rừng tìm nấm.
Và việc tìm thấy nấm cũng khó khăn hơn, lượng nấm kiếm được cũng ngày càng ít. Nhiều người đi ròng rã một ngày nhưng đành về không. Đặc biệt, từ khi có thông tin bò tót xuất hiện ở vùng núi Đông Giang cách đây 4 - 5 tháng, số người đi hái nấm giảm hẳn.
Chị Alăng Thị Bé ở thôn Nhiều 2 (xã Ca Dăng, Đông Giang) cho biết, trước đây mỗi ngày chị chỉ đi chưa tới 10km là đã có thể hái được 5 - 7 lạng nấm, nay phải đi vào rừng sâu nhưng lượng nấm hái được giảm hẳn. Cả đi và về có khi hơn 20km đường rừng, vừa đi vừa tìm nấm, vừa phải đề phòng thú rừng, rắn độc.
Như trường hợp của của anh Alăng Sinh ở thôn Nhiều 1 (xã Ca Dăng) năm ngoái, do không chú ý nên anh bị rắn cắn nhưng may mắn là được cứu kịp thời; có trường hợp vừa đi vừa mải mê tìm nấm nên bị sập hố. Để an toàn hơn, có người khi đi hái nấm còn mang theo cả chó săn, như trường hợp người săn nấm chuyên nghiệp Ta Cooi Tình ở thôn Bồn Gliêng (xã Ca Dăng).
Gian nan và không kém phần nguy hiểm nên lực lượng hái nấm chủ yếu là cánh đàn ông. Từ 5 giờ sáng, họ đã thức dậy, cơm đùm cơm gói vào rừng và trở về nhà lúc 5 - 6 giờ chiều. Gặp bữa “trúng mánh”, tìm được cây chò cho nấm nhiều, có người hái được 5 - 6 lạng/ngày.
Với giá nấm hiện tại khoảng 70 - 80 nghìn đồng/lạng (nấm chò) và 50 nghìn đồng/lạng (nấm lim) thì mỗi ngày, người hái nấm cũng thu được một số tiền kha khá. Thu nhập khá cao so với làm rẫy nhưng đâu phải ngày nào cũng gặp được nấm, có người đi ròng rã một ngày vẫn về tay không. Theo chị Alăng Thị Bé, chưa thấy người dân ở Đông Giang giàu nhờ hái nấm mà chỉ thấy đa số người nghèo mới vào rừng tìm nấm.
Cá biệt cũng có người hái được vài ký/ngày như anh Alăng Liếu ở xã Ca Dăng, nhưng đó là chuyện xảy ra cách đây 2 năm. Còn bây giờ, nhiều hôm ròng rã một ngày, vợ chồng anh Liếu cũng chỉ hái được vài lạng, mà cũng chỉ toàn nấm nhỏ vì nấm vừa nhú ra, chưa kịp lớn đã bị khai thác.
Không chỉ để “lấp khoảng trống” giữa hai mùa rẫy, việc vào rừng tìm nấm còn đem lại một khoản thu nhập đáng kể cho đồng bào vùng cao. Nấm hái về bao giờ cũng được các thương lái lên mua ngay, bất kể số lượng nhiều hay ít. Cứ như thế, mỗi khi vào mùa nấm, những bàn chân sơn cước vốn quen với khó nhọc gian lao lại hăm hở vào rừng...
Có thể bạn quan tâm
Tại các bến bãi của xã, một không khí nhộn nhịp và đông đúc chưa từng thấy. Những con đường dẫn vào bãi sò tắc nghẽn liên tục vì lượng sò ngư dân vận chuyển quá lớn. Trên bãi sò, hàng trăm lao động tất bật chen nhau vận chuyển, phân loại, cạy tách vỏ sò. Các bãi sò ở Chí Công liên tiếp, nối liền nhau như một đại công trường khai thác hải sản.
Vụ chiêm xuân 2013 – 2014, toàn tỉnh gieo cấy 8.273ha, đạt 98,25% kế hoạch. Để đảm bảo nước tưới cho lúa chiêm xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp cung cấp nguồn nước, kịp thời cho cây lúa.
Không chỉ có vậy, trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp tại miền Trung nói chung và Việt Nam nói riêng còn phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các thương lái nước ngoài, khi họ trực tiếp đến các cảng cá thu mua nguyên liệu mà hoàn toàn không chịu thuế.
Ngoài hàng loạt khó khăn như chi phí tăng cao, ngư trường không ổn định đã ảnh hưởng đến nghề khai thác, những chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa luôn canh cánh với nỗi lo bị ép giá. “Được mùa” nhưng lại mất giá và hiện nay là tình trạng ép giá; ngư dân đánh bắt cá ngừ đang còn gặp rất nhiều khó khăn đầu ra cho sản phẩm.
Từ đầu năm đến nay tỉnh Cà Mau đã phát hiện, tiêu hủy 756 con gia cầm bị bệnh. Trên thực tế, mặc dù đã được tuyên truyền nhiều về việc chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm, nhưng từ sự chủ quan dẫn đến ý thức của người chăn nuôi còn nhiều hạn chế.