Hoạt Động Hiệu Quả, Thành Viên Được Hưởng Lợi
Trong năm qua, nhờ tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nên HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thắng 2 (HTX Hòa Thắng 2) đã mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên của mình.
NHIỀU DỊCH VỤ MANG LẠI LỢI NHUẬN
Trong khi nhiều HTX gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động các dịch vụ thì HTX Hòa Thắng 2 lại tạo ra được nhiều lợi nhuận từ các dịch vụ của HTX. Trong năm qua, tất cả các dịch vụ tại HTX Hòa Thắng 2 đều mang lại lợi nhuận.
Trong đó, lợi nhuận từ dịch vụ thủy lợi nội đồng hơn 19 triệu đồng, giao thông nội đồng hơn 100 triệu đồng, cày đất gần 8,6 triệu đồng, vật tư nông nghiệp hơn 52 triệu đồng, thu gom rác thải hơn 1,2 triệu đồng, tín dụng nội bộ cho lãi hơn 238 triệu đồng, kinh doanh xăng dầu lãi hơn 194 triệu đồng... Ngoài ra, HTX còn có nguồn thu từ cho thuê mặt bằng, đất sản xuất… với hơn 116 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc HTX Hòa Thắng 2, cho biết: Năm 2013, tổng doanh thu của HTX hơn 21 tỉ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hơn 600 triệu đồng. Hội đồng quản trị HTX đã phân bổ vốn cho Quỹ Phát triển sản xuất gần 131 triệu đồng, Quỹ Dự phòng rủi ro kinh doanh gần 36 triệu đồng, Quỹ Phúc lợi hơn 107 triệu đồng. Đặc biệt, HTX dành hơn 193 triệu đồng trong tổng số lợi nhuận để chia lãi vốn góp cho thành viên HTX.
Kinh doanh có lãi nên cán bộ, nhân viên, lao động làm việc tại HTX được trả lương cao hơn mức lương cơ bản theo quy định của Nhà nước, với mức từ 500.000 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hội đồng quản trị HTX còn chủ động cân đối vốn quỹ giúp đỡ thành viên gặp khó khăn… với số tiền 36 triệu đồng; mua bảo hiểm tai nạn lao động cho 400 thành viên HTX.
Đối với những hộ thành viên có khả năng kinh doanh thì HTX cho vay vốn để làm nghề bó chổi đót, chăn nuôi, sản xuất gạch ngói, mua sắm phương tiện vận chuyển… Nhờ vậy mà trong HTX không còn thành viên là hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm, đời sống thành viên được nâng lên.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ
“Kinh tế của các hộ thành viên HTX Hòa Thắng 2 vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Muốn hoạt động sản xuất của thành viên đạt hiệu quả cao, chi phí thấp, HTX đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, như: phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng phương pháp sản xuất mới vào thâm canh cây lúa”, ông Nguyễn Văn Chín cho biết thêm.
Để xóa bỏ thói quen sử dụng lúa thịt làm giống cho vụ sau, Hội đồng quản trị HTX đầu tư vào sản xuất lúa giống cấp xác nhận trên diện tích 17ha. Trong vụ đông xuân 2013-2014, HTX triển khai trên diện tích 7,6ha, thu được 24,5 tấn lúa giống ML213, PY2, OM2695-2, đáp ứng lúa giống để gieo sạ khoảng 70% diện tích vụ hè thu năm 2014.
Đặc biệt, HTX còn thành công với mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, cho năng suất cao và phẩm chất gạo tốt, tạo động lực để HTX duy trì mô hình này trong 3 vụ liên tiếp, với 39 hộ tham gia. Ngoài ra, HTX còn triển khai mô hình cánh đồng mẫu trên diện tích 10ha, cho năng suất cao hơn ruộng đối chứng 3,5 tạ/ha/vụ.
Bà Nguyễn Thị Thanh, thành viên HTX, cho biết: Được HTX hướng dẫn tham gia mô hình VietGAP từ năm 2012, đến nay tôi đã biết sạ hàng, sạ thưa, biết bón lượng phân vừa đủ cho cây lúa phát triển tốt. Việc ghi chép các thông số từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa đã giúp gia đình tôi triển khai vụ hè thu tốt hơn.
Thông qua trình diễn mô hình, HTX Hòa Thắng đã giúp thành viên áp dụng phương pháp canh tác mới, giúp tăng năng suất, giảm chi phí. Đến nay, 75% diện tích sản xuất của HTX được các thành viên áp dụng kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa hợp lý. Cùng với cây lúa, HTX còn hướng dẫn các hộ thành viên chuyển đổi cây trồng ở những diện tích lúa bấp bênh sang trồng cỏ để chăn nuôi bò, trồng các loại cây họ đậu, rau màu, mang lại lợi nhuận từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX Hòa Thắng 2 đã triển khai nhiều mô hình nhằm tăng thu nhập. HTX xứng đáng được UBND tỉnh tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc.
Có thể bạn quan tâm
Nghề nuôi chim yến trong nhà đã hình thành và đang phát triển với nhiều triển vọng, được cộng đồng rất quan tâm.
Hơn 40 năm "bén duyên" trên vùng đất phù sa màu mỡ của cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), cây sầu riêng đã giúp nhiều nông dân trở thành triệu phú nhờ chuyên canh loại cây trồng đặc sản này, điển hình như ông Dương Văn Đây (sinh năm 1955), ngụ ấp Long Quới, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Đến thời điểm này, ở các xã Thanh Mai, Thanh Vận, Mai Lạp và Hòa Mục huyện Chợ Mới, sâu ong gây hại cây mỡ đã lan trên diện rộng, địa phương đang thực hiện các biện pháp diệt trừ.
Đó là anh Trương Văn Thắng ở thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn). Khởi nghiệp với nhiều khó khăn vất vả, nhưng với quyết tâm và sự nỗ lực vươn lên, anh đã thành công với việc phát triển mô hình chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ, đem lại thu nhập cao.
Hiện nay, khi nghề chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp khó khăn về thị trường, giá cả không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi lợn không cao. Tuy nhiên, tại Hợp tác xã Đức Mai, xã Quân Bình (Bạch Thông) đang phát triển mô hình chăn nuôi lợn cho năng suất và hiệu quả kinh tế ổn định...