Phục Hồi Rừng Lòn Bon
Hàng chục năm qua, cây lòn bon đã đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho đồng bào huyện Đông Giang và các xã miền núi của huyện Đại Lộc. Để nâng cao chất lượng lòn bon, 2 địa phương đã có kế hoạch phục hồi, phát triển loại cây này.
Ở Quảng Nam, cùng với Tiên Phước, cây lòn bon đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào Đông Giang và một số xã miền núi của huyện Đại Lộc. Khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên trái lòn bon ở Đông Giang, Đại Lộc có nhiều múi nhỏ, vị ngọt thanh, màu vàng sẫm, chất lượng hơn hẳn các nơi khác. Vì vậy, lòn bon nơi đây được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh.
Đến mùa lòn bon, thương lái từ dưới xuôi, chủ yếu ở Đại Lộc thường tìm đến tận nơi thu mua toàn bộ sản phẩm. Nhờ được mùa lòn bon mà nhiều gia đình trang trải được cuộc sống, xây dựng cơ ngơi khang trang, sắm sửa được những vật dụng đắt tiền.
Anh Alăng Uông (xã Ca Dăng, Đông Giang) cho biết, những năm được mùa, mỗi cây lòn bon cho khoảng 100kg trái, 2 người gùi không hết. Như năm 2013, lòn bon trúng mùa, gia đình ông Hồ Quyết Tâm ở xã Ca Dăng thu nhập 30 - 40 triệu đồng; hộ có khoảng 30 - 40 cây mọc tự nhiên cũng thu hoạch vài chục triệu đồng.
Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên lòn bon ra trái ít, trừ những cây mọc dọc khe suối vẫn cho nhiều trái. Đang là đầu mùa nên lòn bon được giá (giá bán tại chỗ khá cao, khoảng 18 - 20 nghìn đồng/kg). Với mức giá này, cây lòn bon đã đem lại khoản thu nhập không nhỏ cho đồng bào.
Trước đây, lòn bon chủ yếu mọc tự nhiên với số lượng lớn. Ở Đông Giang nhiều nhất là các xã Za Hung, Jơ Ngây, Ca Dăng, Ma Cooih... và ở Đại Lộc là xã Đại Sơn. Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, cây lòn bon không những đem lại lợi ích kinh tế mà còn có giá trị về mặt văn hóa và lịch sử nên rất cần được đầu tư, phục hồi và mở rộng diện tích.
Thời gian qua, tình trạng phá rừng bừa bãi và trồng rừng không theo quy hoạch đã khiến cho diện tích lòn bon bị thu hẹp; số còn lại canh tác không đúng kỹ thuật nên ảnh hưởng chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tương tự, ở Đông Giang, việc thiếu đầu tư chăm sóc đã khiến cây lòn bon bị thoái hóa và chất lượng không được như trước.
Theo ông Phạm Cườm (Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang), huyện đã có kế hoạch phối hợp Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học - công nghệ Quảng Nam thực hiện dự án cải thiện chất lượng và tăng sản lượng lòn bon. Trước mắt, huyện tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho 40 hộ dân, xây dựng mô hình cải tạo cây lòn bon trên diện tích 1ha.
Từ năm 2013, thực hiện cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây trồng của UBND tỉnh, trong đó có lòn bon, một số hộ dân ở Đông Giang đã được cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật trồng. Trong khi đó, để phục hồi lại rừng lòn bon, Đại Lộc đã có dự án đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trồng mới 4ha, khoanh nuôi bảo vệ 4ha.
Theo dự án, diện tích mở rộng là 100ha nhưng đến nay chỉ thực hiện được 20ha. Ông Trung cho biết, mỗi hộ tham gia dự án sẽ được cấp 1ha đất với quy mô 330 cây con/ha.
Nếu các dự án nêu trên đạt hiệu quả, rồi đây những rừng lòn bon sẽ được phục hồi. Khi đó, loại trái cây đặc sản này sẽ có mặt nhiều hơn trên thị trường - không chỉ ở thị trường Quảng Nam mà còn có thể vươn ra thị trường các địa phương lân cận. Cơ hội được hưởng lợi từ loài cây vốn là “cây hoang” này của người dân cũng sẽ rõ ràng hơn...
Có thể bạn quan tâm
Nhu cầu thả nuôi tăng cao, trong khi đó nguồn con giống đang khan hiếm đã kéo giá tôm càng xanh giống liên tục tăng cao kể từ đầu vụ đến nay.
Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.
Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết đang triển khai thí điểm mô hình nuôi 2.000 con cá sấu nước ngọt chất lượng cao tại trại cá sấu Tồn Phát (huyện Củ Chi).
Với bản tính cần cù, chịu khó, sau khi phục viên về địa phương, anh Nguyễn Long Anh (SN 1959) ngụ ấp 2, xã Mỹ Thạnh Bắc (Đức Huệ, Long An), đã cố gắng tích góp đầu tư chăn nuôi với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình.
Nuôi cá kèo là mô hình kinh tế được người dân xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (Cà Mau) áp dụng từ vài năm trở lại đây. Theo ông Nguyễn Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã, đây là mô hình sản xuất hiệu quả, ít rủi ro, tăng thu nhập bền vững, địa phương đang khuyến khích bà con nhân rộng.