Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vựa Cá Giống Sông Mây

Vựa Cá Giống Sông Mây
Publish date: Friday. October 3rd, 2014

Tận dụng nguồn nước dồi dào từ hồ Sông Mây xả ra, một số người dân ở ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) đã lập trại nuôi cá giống. Mỗi năm các trại cá giống ở đây cung cấp cho thị trường khoảng 400 tấn cá giống các loại.

Bình quân 1 hécta nuôi cá thịt chỉ cần 40-50 kg cá giống. Với sản lượng cá giống như trên, các trại cá giống ở Sông Mây cung cấp cho khoảng 8 ngàn hécta ao nuôi. Cá giống ở Sông Mây không chỉ cung cấp cho người nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh khác, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Bình, Đà Nẵng...

* Đa dạng nguồn giống

Khu vực ấp Sông Mây có khoảng 6 trại lớn nuôi cá giống để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi trại đều có diện tích nuôi từ 8-20 hécta.

Sở dĩ khách trong và ngoài tỉnh về đây mua sỉ, lẻ các loại cá giống nhiều là vì mỗi trại đều có từ 12-15 loại cá giống, như: chép, trôi trắng, trôi đen, mè trắng, mè bông, mè vinh, rô phi đơn tính, trê, tra, trắm cỏ, hường, tai tượng, chim trắng... để người mua lựa chọn.

Ông Trần Văn Can, chủ trại cá giống Trường Can ở ấp Sông Mây, cho biết: “Trại của tôi cung cấp cho thị trường khoảng 20-25 tấn cá giống/tháng. Vào tháng cao điểm đầu mùa mưa, có ngày tôi bán 2-3 tấn cá giống cho khách trong và ngoài tỉnh”. Tuy nhiên, khách mua cá giống trong tỉnh chỉ chiếm số lượng 20-30%, còn lại đa số cung cấp cho người nuôi ở các tỉnh khác.

Nghề làm cá giống vất vả do đòi hỏi nhiều công lao động, phải nắm chắc kỹ thuật. Nếu không chỉ vài lần cá giống không đạt là người nuôi hết vốn. Mấy năm gần đây, các trại cá giống ở Đồng Nai cũng như Sông Mây còn chịu sự cạnh tranh gay gắt với cá giống giá rẻ từ miền Tây tràn về. Một số trại cá giống ở trong tỉnh phải đóng cửa chuyển nghề, nhưng riêng các trại cá Sông Mây vẫn phát triển tốt.

Chị Lê Thị Mai, chủ trại cá giống Quang Minh ở ấp Sông Mây, kể: “Cá giống Sông Mây có ưu điểm là quá trình gột giống người nuôi đều cho cá con qua những môi trường nước, nhiệt độ khác nhau. Do vậy, khi đem ra thả nuôi cá không bị sốc, tỷ lệ hao hụt thấp.

Những người nuôi cá thịt lâu năm ở Đồng Nai cũng như các tỉnh khác sau 1-2 vụ nuôi thử bằng nguồn giống lấy từ miền Tây, thấy hiệu quả kém đều quay lại mua giống ở đây”. Cũng chính vì thế mà các trại cá giống Sông Mây trở thành điểm cung cấp có tiếng ở Đông Nam bộ ra đến Đà Nẵng.

* Vận chuyển tận nơi

Để tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường, hầu hết các trại cá giống Sông Mây đều có xe ô tô chuyên dụng để chở cá giao tận nơi cho những khách hàng có nhu cầu. Ngoài bán trực tiếp cho người nuôi, các trại cá giống ở đây còn cung cấp cá giống cho hàng loạt các đại lý ở nhiều tỉnh.

Giá bán các loại cá giống ở Sông Mây từ 35-60 ngàn đồng/kg, tùy vào loại giống. Trung bình 1 kg cá giống từ 200-300 con, khách hàng có nhu cầu mua cá lớn hoặc nhỏ hơn các trại đều cung cấp.

Ông Vũ Hồng Phong, chủ trại cá giống Sông Mây ở ấp Sông Mây, cho hay: “Những nơi đặt hàng nhiều, trại của tôi thường vận chuyển cá giống giao tận nơi cho đảm bảo. Cá giống muốn vận chuyển xa phải cho vào bao ny-lông, bơm oxy vào rồi buộc chặt. Ngoài bán giống, trại của tôi còn tư vấn kỹ thuật thả nuôi để tỷ lệ cá sống và năng suất cao.

Những hộ có diện tích ao nuôi lớn thường lấy cá giống trực tiếp ở đây vì tỷ lệ sống trên 95% và cá nhanh lớn”. Theo các chủ trại cá giống ở ấp Sông Mây, mỗi trại đều có thuê 1-2 kỹ sư thủy sản phụ trách về kỹ thuật chăm sóc cá giống nên về quy trình chăm sóc, nuôi thả cá từ khâu giống đến khi bán thịt đều được chủ trại cá nắm kỹ. Do đó, ngoài cung cấp giống, các chủ trại cá Sông Mây còn tư vấn kỹ thuật cho người nuôi từ khâu chuẩn bị xử lý ao nuôi đến quá trình chăm sóc để đẩy cao năng suất.

Ông Hoàng Viết Toan, Trưởng ấp Sông Mây, cho biết: “Các trại cá giống Sông Mây cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh khoảng 400 tấn cá/năm, tương đương diện tích 80 ngàn hécta. Các trại cá giống ở đây đều có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt, nếu mở thêm được thị trường khả năng nguồn cung có thể tăng gấp 1,5-2 lần”.


Related news

Khá Lên Từ Mô Hình Nuôi Cá Tai Tượng Ở Tiền Giang Khá Lên Từ Mô Hình Nuôi Cá Tai Tượng Ở Tiền Giang

Ông bà ta thường có câu "muốn giàu thì nuôi cá" quả thật không sai. Chúng tôi tìm đến nhà chú Nguyễn Văn Dừa sau đoạn đường khoảng 4 km cách UBND xã Tân Lập I, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Sunday. September 9th, 2012
Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Ở Tiền Giang Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Ở Tiền Giang

Vài năm gần đây anh Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông (huyện Cai Lậy) đã thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo, góp phần nâng cao mức sống gia đình.

Tuesday. July 10th, 2012
Lúa Lai - Tôm Sú: Mô Hình Canh Tác Hiệu Quả Tại ĐBSCL Lúa Lai - Tôm Sú: Mô Hình Canh Tác Hiệu Quả Tại ĐBSCL

Lúa lai B-TE1 của Cty Bayer Việt Nam đã chứng minh được ưu thế của mình và đã được đại đa số nông dân vùng ĐBSCL chấp nhận vì những đặc tính vượt trội như cho năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20 – 50%, chất lượng gạo ngon, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt kháng được đạo ôn- một bệnh nguy hiểm trong vụ đông xuân… Tuy nhiên giống có thời gian sinh trưởng hơi dài, khoảng 100 – 107 ngày trong điều kiện lúa sạ nên bà con phải bố trí đồng loạt trong cơ cấu 2 vụ lúa/năm.

Thursday. July 12th, 2012
Nỗi Lo Cúm Gia Cầm Lan Rộng Nỗi Lo Cúm Gia Cầm Lan Rộng

Trang trại nuôi vịt của ông Nguyễn Ngọc Xuân nằm biệt lập giữa đồng, cách xa địa điểm các trang trại nuôi vịt khác khoảng 1km. Qua tiếp xúc, ông cho hay: đàn vịt ông mua giống từ một chủ giống tại chợ Hồ Xá (Vĩnh Linh- Quảng Trị) về chăn thả, đến nay đã được 50 ngày tuổi. Trung bình trọng lượng mỗi con đạt từ 1,5-1,7kg. Khoảng trước ngày 10/1, đàn vịt bắt đầu đổ bệnh và chết. Tại thời điểm này, do thời tiết lạnh và bà con nông dân vào kỳ gieo lúa nên ông cứ nghĩ là đàn vịt bị chết do ảnh hưởng thuốc trừ cỏ bà con phun khi gieo lúa.

Thursday. July 12th, 2012
Mô Hình Chăn Nuôi Bò Sữa Hoàn Chỉnh Đạt Hiệu Quả Cao Mô Hình Chăn Nuôi Bò Sữa Hoàn Chỉnh Đạt Hiệu Quả Cao

Gần đây do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cộng thêm những khoản trừ bị nhiễm vi sinh khiến không ít người nuôi bò lao đao, muốn chuyển đổi sang nghề khác. Riêng gia đình anh Trần Vĩnh Thọ Long ngụ tại 73/1 ấp Dân Thắng 1, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (TP. HCM) thì vẫn gắn bó với con bò sữa, bởi hộ gia đình anh đã tìm ra hướng đi mới: nuôi bò sữa + trồng cỏ VA06.

Sunday. September 16th, 2012