Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tốn Công Vì Lúa Ngã Đổ

Tốn Công Vì Lúa Ngã Đổ
Ngày đăng: 26/08/2014

Hè thu 2014, vợ chồng anh Sáu Kế Xuyên ở xã Bình Trung (huyện Thăng Bình) gieo sạ 4 sào lúa. Nhờ sử dụng loại giống ngắn ngày nên đến gần giữa tháng 8 toàn bộ diện tích ấy đã kết thúc thời kỳ trổ đòng – ngậm sữa và bước vào giai đoạn chín.

Thấy ruộng lúa trĩu bông, lại không bị ngã đổ, họ phấn khởi vô cùng. Thế nhưng cách đây vài ngày, trời thình lình nổi dông sét ầm ầm, mưa như trút nước kèm theo những đợt gió mạnh khiến tất cả ruộng lúa của anh Sáu nằm bẹp đất.

Anh cho biết: “Nếu ông trời không hại thì cuối tuần này tui sẽ thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch 4 sào lúa ni. Với giá thuê mỗi sào 170 nghìn đồng thì tổng chi phí chưa tới 700 nghìn đồng. Có máy gặt thay, mình chỉ cần bỏ mấy chục cái bao trên ruộng, chờ một chút là chở lúa về nhà trút ra sân phơi.

Bây giờ, mưa gió quật lúa ngã tả tơi, muốn gặt hết chừng đó diện tích thì ngoài công nhà cần phải mướn thêm 10 công lao động trong làng, tốn không dưới 1,5 triệu đồng. Mà chú Tư mi biết rồi, mượn người ta làm giúp mình thì bên cạnh chuyện tiền nong còn phải lo chạy mua đồ ăn nước uống 3 bữa cho họ”. Theo anh Sáu, do khoản đầu tư cho khâu làm đất, mua hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu tương đối cao, nay lại mướn người thu hoạch bằng thủ công nên vụ lúa này họa may anh huề vốn.

Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó phòng NN&PTNT Thăng Bình cho biết, những đợt mưa dông và gió mạnh xảy ra hồi giữa tuần trước đã làm 50ha lúa đang chín trên địa bàn huyện bị ngã đổ. Theo ông Vũ, tình trạng này sẽ gây không ít khó khăn cho việc thu hoạch của nhà nông trong thời gian tới.

Hôm qua, lên vùng tây huyện Duy Xuyên, Tư Ruộng tôi tình cờ gặp lại chị Ba Duy Phú. Vừa nghe hỏi thăm chuyện đồng áng, chị Ba liền lắc đầu: “Vụ hè thu ni tui sản xuất 2 sào lúa. Do hồ chứa Thạch Bàn mở nước quá muộn khiến số diện tích ấy xuống giống trễ hơn 15 ngày so với những địa phương khác.

Vì gieo sạ trễ nên đến giữa tháng 8 ruộng lúa của tui mới bắt đầu trổ đòng rộ. Khổ thay, mấy ngày gần đây trời thường đổ mưa dông kèm theo sấm chớp và gió giật mạnh vào buổi chiều làm lúa ngã từng vạt to như 2 cái nong ghép lại. Bông lúa ngâm dưới nước, chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng lem lép – thối hạt”.

Chị Ba Duy Phú cho biết, hè thu năm ngoái bình quân 1 sào chị thu được 290kg lúa khô, còn nay nhiều khả năng sản lượng sẽ giảm 20 - 30%.

Khi tối, nghe kể, chú Hai Trồng Trọt chậc lưỡi: “Chẳng riêng gì những vùng Tư Ruộng lội qua ấy đâu. Cuối tuần rồi, khảo sát tại nhiều cánh đồng ở các huyện, thành phố khác tui cũng thấy hàng loạt ruộng lúa hè thu chính vụ bị ngã đổ. Tình trạng trên không chỉ khiến năng suất lúa tụt giảm vì bị rụng và lem lép – thối hạt mà còn làm tăng chi phí đầu tư cho nông dân do phải thuê lao động thu hoạch bằng tay”.


Có thể bạn quan tâm

Sóc Trăng: Tự sản xuất vi sinh, nuôi tôm lãi lớn Sóc Trăng: Tự sản xuất vi sinh, nuôi tôm lãi lớn

Bằng chế phẩm vi sinh do chính tay mình sản xuất, cả 14 ao tôm của ông Võ Thanh Vân đều thành công thu hoạch 65,5 tấn, lợi nhuận 3 tỷ 965 triệu đồng

30/10/2017
Làm giàu ở nông thôn: Trồng 15 công mít Thái, lãi nửa tỷ đồng/năm Làm giàu ở nông thôn: Trồng 15 công mít Thái, lãi nửa tỷ đồng/năm

Ông Võ Văn Đông trồng rất nhiều loại cây trái đặc sản, đáng kể nhất vẫn là 15 công với 1.000 cây mít Thái này, mỗi năm ông Đông thu lãi nửa tỷ đồng.

01/11/2017
Tỷ phú chân đất giữa đất rừng U Minh hạ Tỷ phú chân đất giữa đất rừng U Minh hạ

Từ đôi bàn tay trắng nhưng nhờ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất mà giờ đây anh Võ Văn Che đã vươn lên thành tỷ phú trên đất rừng U Minh hạ

02/11/2017
Khởi nghiệp từ nuôi chồn hương đến làm cà phê chồn, thu 500 triệu/năm Khởi nghiệp từ nuôi chồn hương đến làm cà phê chồn, thu 500 triệu/năm

Mô hình nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn của anh Cừ đã đem lại thu nhập gần cho gia đình với trên 500 triệu đồng mỗi năm.

04/11/2017
Làm giàu ở nông thôn: Thu nửa tỷ mỗi năm nhờ Làm giàu ở nông thôn: Thu nửa tỷ mỗi năm nhờ "học lỏm" cách nuôi tôm

Anh Trần Đông Nam trở thành tỷ phú với mô hình nuôi tôm kết hợp với kinh doanh dịch vụ thuốc và thức ăn nuôi trồng thủy sản

06/11/2017