Trồng Thử Nghiệm Giống Cây Khoai Lang Chất Lượng Cao Ở Điền Công (Quảng Ninh)
Để từng bước chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đồng thời góp phần tăng thêm thu nhập trên một ha đất sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, UBND xã Điền Công (Quảng Ninh) đã quyết định chọn cây khoai lang chất lượng cao để đưa vào phát triển sản xuất.
Cây khoai lang chất lượng cao (hay còn gọi là khoai lang Nhật) là giống cây do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai tự nhiên của giống mẹ có nguồn gốc từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển rau Châu Á. Đây là giống khoai có dạng thân nửa đứng, lá hình màu xanh nhạt, củ to, vỏ màu vàng nhạt với tiềm năng năng suất cao, có thể đạt từ 16 - 20 tấn/ha. Ngoài ra, giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 90 - 100 ngày trong vụ đông và 100 - 120 ngày trong vụ xuân, nên không mất nhiều thời gian chăm bón, cho thu hoạch nhanh.
Sau khi khảo sát thổ nhưỡng, thấy rất phù hợp với trồng cây giống khoai lang này, UBND xã đã quy hoạch lại theo vùng, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón và hỗ trợ toàn bộ cây giống cho nhân dân thực hiện đề án. Đã có tất cả 66 hộ gia đình của thôn 1 và thôn 2 tham gia trồng thử nghiệm trên diện tích 3 ha. Tổng kinh phí dự kiến gần 152 triệu đồng; trong đó, ngân sách thành phố là gần 53 triệu đồng và nguồn kinh phí đối ứng của dân là 99 triệu đồng.
Để đề án được triển khai có hiệu quả, ngay từ những ngày đầu tháng 8, các hộ gia đình đăng ký tham gia đã được dự lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai lang chất lượng cao do cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông TP Uông Bí hướng dẫn. Nhờ nắm vững các kiến thức kỹ thuật như làm đất, cách trồng, phương pháp bón phân v.v... nên ngay sau khi trồng, giống cây khoai lang này đã bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt. Mặc dù bà con thôn 1 và thôn 2 vừa trồng được thời gian không lâu nhưng đến nay, cây khoai lang đã phủ xanh từng thửa ruộng.
Ông Vũ Văn Xuần (thôn 1, xã Điền Công) phấn khởi nói: “Từ xưa đến nay chúng tôi vẫn trồng cây khoai lang địa phương là khoai lang lim. Tuy loại này ngon nhưng giá thành lại khá rẻ nên thu nhập mang lại cũng không cao. Mới đây, tham gia lớp tập huấn được biết năng suất sản lượng của khoai lang chất lượng cao này ăn đứt khoai lang lim nên cũng muốn trồng thử. Từ hôm trồng đến nay mới chỉ hơn một tháng nhưng cây phát triển rất nhanh. Đến lúc thu hoạch, sản lượng đạt 9 - 15 tấn/ha như dự kiến nữa thì tốt quá”. Đợt này, gia đình ông Xuần đăng ký trồng giống mới trên diện tích hai sào để thay cho giống khoai lang truyền thống của địa phương. Ông bảo, nếu loại khoai mới này cho sản lượng như kế hoạch, thị trường ưa chuộng và tiêu thụ tốt thì năm tới gia đình ông sẽ mở rộng diện tích trồng để nâng cao thu nhập cho gia đình...
Đồng chí Trần Phi Long, Chủ tịch UBND xã Điền Công, cho biết, nếu đề án cây khoai lang chất lượng cao thành công thì loại cây này sẽ được nhân rộng và trồng đại trà trên địa bàn toàn xã...
Có thể bạn quan tâm
Nói đến nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, người ta thường nghĩ đến cà phê, trà, dâu tằm… Thế nhưng, “Lúa gạo Cát Tiên” là sản phẩm nông nghiệp thứ năm của tỉnh Lâm Đồng được cấp giấy chứng nhận thương hiệu.
Lễ hội Tịch điền vào mỗi mùa xuân dưới chân núi Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có ý nghĩa nhắc chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn đến sự phát triển nông nghiệp bền vững của nông nghiệp trong thời đại ngày nay.
Ngày 6/2, nhiều nông dân tỉnh Sóc Trăng ra đồng thu hoạch lúa Đông xuân chính vụ. Nhờ thời tiết thuận lợi, lúa cho năng suất cao và bán được giá nên nông dân rất phấn khởi.
Giá bán cà phê nhân của nông dân ở thị trường nội địa hiện đang ở mức 34.900 đồng/kg tăng gần 1.400 đồng/kg so với tuần trước (28-1-2014), nhưng nguồn cung trên thị trường vẫn khan hiếm do nông dân giảm lượng bán ra thị trường.
Nếu như ở các nước Brazil, Thái Lan… trong canh tác mía, tỷ lệ cơ giới hóa đạt 80 - 90% thì tại Việt Nam, tỉ lệ cơ giới hóa hiện chỉ ở mức 10 - 20%, chủ yếu ở khâu làm đất.