Ăn Chắc, Mặc Bền

Sau thất bại từ việc nuôi chuyên canh tôm sú từ 10 năm trước, người dân ven phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) chuyển sang nuôi tôm xen cua, cá nước lợ và đã phát huy hiệu quả.
Những mô hình hiệu quả
Chị Bùi Thị Huế là một trong những người đầu tiên nuôi tôm xen ghép ở thôn Miêu Nha, xã Lộc Điền. Chị kể, trước đây gia đình khó khăn, nợ chồng nợ vì đeo bám con tôm sú.
Đầu năm 2006, vợ chồng thay đổi cách làm. Khi tìm hiểu một số mô hình của bà con trong vùng, chị quyết định vay mướn người thân để đầu tư vào nuôi tôm xen cua và cá kình. Với 3 hồ, diện tích hơn 1.500m2 trước đó bỏ hoang, chị cẩn thận từ khâu cải tạo vệ sinh đến chọn giống, chăm sóc, qua 6 tháng thu được gần 5 tạ tôm, chưa kể các loại xen ghép, hoạch toán mọi chi phí lãi gần 30 triệu đồng.
Năm sau lại tiếp tục, cứ thế đến nay, gia đình chị luôn ổn định thả nuôi 4 hồ, lãi khoảng 30-40 triệu đồng/năm. Chị Huế phấn khởi khi nói rằng nhờ chuyển sang mô hình nuôi tôm xen ghép, gia đình chị không còn lo cảnh túng thiếu, trả gần hết nợ vay ngân hàng”.
Học tập từ người hàng xóm, ông Huỳnh Vinh, người đã khánh kiệt vì con tôm sú lại chuyển sang nuôi tôm xen ghép. Từ 2 hồ tôm vào thời điểm năm 2007, ông Vinh thả 3 vạn tôm cùng với cua cá, cuối vụ thu được khoảng 1 tấn tôm, chưa kể các loài xen ghép, tính ra lãi cũng được 50-60 triệu đồng. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục thuê các hồ bỏ phế trong vùng, đầu tư thả nuôi. Đến giờ, ông Vinh sở hữu gần 10 hồ, với khoảng 5 ha.
Mỗi năm, trừ các khoản ông lãi trên 100 triệu đồng. Anh Lê Tấn Phong, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đông Hải, Lộc Điền cho biết, nhờ theo mô hình nuôi tôm xen ghép, nhiều gia đình ở Lộc Điền giảm nghèo, xóa nợ nần, vực dậy cuộc sống gia đình. Điển hình như ông Vinh, khoảng 5 năm về trước là đối tượng nợ xấu của địa phương (vay ngân hàng gần 300 triệu đồng), nhưng hiện đã trả hết nợ ngân hàng lại còn dư tiền xây nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt đầy đủ.
Vinh Hưng là địa phương đi đầu mô hình nuôi tôm xen ghép của Phú Lộc. Vào dịp đầu năm, khoảng 500 hộ thả nuôi hơn 330 ha ao hồ, gồm tôm xen cua, cá kình, cá đối. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng khẳng định, người dân Vinh Hưng xem mô hình nuôi tôm xen ghép là hướng phát triển kinh tế hiệu quả bền vững: “ăn ít no lâu”. Nhờ nuôi tôm xen ghép, Vinh Hưng chủ động giảm nghèo qua từng năm; từ hơn 10% hộ nghèo vào trước năm 2010, nay chỉ còn 8,6%.
Khoanh vùng phù hợp nhu cầu thực tế
Ông Mai Văn Sĩ, Phó phòng NN&PTNT Phú Lộc cho biết, hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tôm xen ghép được khẳng định qua những năm gần đây khi thay thế dần mô hình nuôi độc canh tôm sú. Ông Sĩ lý giải chắc chắn, theo mô hình nuôi tôm xen ghép là sống được.
“Ưu điểm của mô hình này so với việc nuôi các loài thủy sản trước”, tôi hỏi. “Cùng diện tích, nuôi tôm xen ghép lãi không nhiều so với việc nuôi chuyên canh tôm sú, nhưng độ rủi ro rất thấp, dễ nuôi, công chăm sóc không nhiều. Bình quân đạt 5 tạ/ha/năm, lãi khoảng từ 30-50 triệu đồng/ha. Nếu các hộ biết khai thác nguồn thức ăn tự nhiên như rau, rong cỏ... thì lãi cao hơn.
Một ưu điểm nữa là nuôi xen ghép có thể liên tục thu lợi nhuận do đặc điểm phát triển của mỗi loài, xoay được vòng vốn nhanh”.-“Vậy chuyện dịch bệnh thế nào?” - “Có, nhưng không nhiều, không lo sợ như nuôi độc canh con tôm sú khi xảy ra dịch bệnh lây lan hồ này sang ao kia. Thời điểm vừa rồi do thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng với nhiều hộ không bám khung lịch xảy ra dịch bệnh, tôm chết khoảng 70ha trong số thả nuôi đầu vụ 780ha”.
Ông Sĩ cho rằng, phát triển mô hình nuôi xen ghép là một chủ trương đúng, hợp lý, phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở Phú Lộc. Điều đó đã được khẳng định, không chỉ người dân địa phương mà các nhà chuyên môn, ngành thủy sản đã kiểm chứng qua 5 năm nay. Tuy nhiên hiện nay, lãnh đạo huyện đang lưu ý đến vấn đề quy hoạch, khoanh vùng phù hợp với nhu cầu thực tế; không phát triển ồ ạt mà chỉ đa dạng hóa đối tượng nuôi mới để tránh trường hợp cung vượt cầu.
Phú Lộc hiện có 780 ha đưa vào nuôi tôm xen ghép, chiếm gần 85% diện tích nuôi trồng thủy sản. Những địa phương tham gia nuôi với diện tích lớn, như Vinh Hưng 350 ha, Vinh Giang 210 ha, Lộc Điền 176 ha. Trong vụ nuôi năm 2014, đến thời điểm này Phú Lộc đã thu hoạch hơn 50% diện tích, đạt khoảng 422 tấn tôm, ước giá trị hơn 40 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Bộ NNPTNT vừa ban hành Quyết định số 1771/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020.

Nghề nuôi sò huyết dưới kênh xuất hiện ở Bạc Liêu cách đây hơn 20 năm. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cách nuôi này. Triệu phú, tỷ phú sò huyết xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã ven biển thuộc huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải.

Gia đình ông Vũ Văn Hợi ở thôn Bu Ruăh, xã Đắk N’drung (Đắk Song - Đắk Nông) có 2 ha tiêu đang phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, năm 2012, đạt hơn 5 tấn/ha. Theo ông thì sở dĩ đạt được kết quả như vậy vì những năm gần đây, được sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện, ông đã biết phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, nên năng suất tăng gần gấp đôi so với trước.

“Tôi khao khát được thấy quê hương đổi mới, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ được bà con. Quê tôi từ cuộc sống bấp bênh nay như bừng tỉnh cả một vùng chiêm trũng, nhà nhà dưới ao đàn cá, trên bờ hàng cây trĩu quả, trong chuồng đàn lợn, đàn gà gối nhau… Nghề cá ở Bình Dương thực sự trở thành mưu sinh của nhiều gia đình”. Đó là lời tâm sự của vị Phó Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bắc Ninh - rất chân thành, rất mộc mạc bởi đơn giản ông cũng là một lão nông lam lũ.