Những Tín Hiệu Không Hay Trên Thị Trường Yến Việt
So với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, nghề khai thác yến ở Việt Nam còn rất non trẻ (xuất hiện từ đầu những năm 2000), nhưng tổ yến Việt Nam lại được đánh giá cao trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, sự hỗn tạp trên thị trường yến đang tác động tiêu cực đến nghề khai thác yến ở Việt Nam.
“Bẫy” kinh doanh
Thị trường yến sào trong nước chỉ thật sự khởi sắc vài năm gần đây, khi trên 20 tỉnh thành có khoảng 5.000 nhà nuôi yến, sản lượng tổ yến ước tính trên chục tấn/năm. Hàng trăm cửa hàng xuất hiện khắp nơi ở TPHCM bày bán tổ yến, cùng các sản phẩm và món ăn chế biến từ tổ yến.
Tuy yến Việt Nam không thiếu hàng cung ứng, nhưng gần đây, mặt hàng tổ yến Malaysia được nhập về ngày càng nhiều. Năm 2013, Trung Quốc (TQ) chấn chỉnh lại các quy định về chất lượng khi nhập khẩu, nên tổ yến xuất xứ từ Malaysia do chất lượng không đồng đều, gần như không thể chính thức vào thị trường này. Dội hàng thị trường TQ, tổ yến Malaysia “xách tay” tràn vào Việt Nam.
Lúc đó, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cửu Long Phi, bà Đỗ Tú Quân, cho biết, không ít thương nhân TQ đặt hàng thương nhân Việt Nam “độn” tổ yến Malaysia vào tổ yến Việt Nam để giảm giá khi bán vào thị trường này. Đây không phải chiêu gì mới. Năm 2012, nhà nhập khẩu gạo TQ cũng từng dùng “bẫy kinh doanh” này với các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Họ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phối trộn gạo thường vào gạo thơm trước khi xuất khẩu.
Lúc đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kịp thời cảnh báo, đó chỉ là cái lợi trước mắt cho doanh nghiệp nhưng về lâu dài thiệt hại vô cùng lớn cho cả ngành. Một khi người tiêu dùng mất lòng tin vào hạt gạo thơm Việt Nam, thì bao công lao đi mở thị trường xuất khẩu, gầy dựng thương hiệu, sẽ trở thành “công cốc”. Câu chuyện này lại đang trở lại với thị trường xuất khẩu yến Việt Nam.
Nhập nhèm “yến Việt” và “yến Mã…”
Chưa có điều kiện để hiểu hết về chất lượng tổ yến “Mã” (Malaysia), nhưng đa phần tổ yến xách tay về Việt Nam thường có vấn đề về chất lượng; có nơi sử dụng hóa chất tẩy trắng, ngâm tẩm để tổ yến nặng thêm, thay vì khô và giòn thì tổ yến loại này lại ướt ướt và dẻo, cạnh tranh với giá rẻ hơn (chỉ 16 - 19 triệu đồng/kg so với mức 30 - 40 triệu đồng/kg của tổ yến trong nước).
Câu chuyện “yến Việt” và “yến Mã” râm ran trên thị trường, bởi nhiều tiểu thương hám lợi đã trộn hàng “Mã” vào hàng Việt để bán cho nhà nhập khẩu nước ngoài; thậm chí còn bày bán nhập nhèm với tổ yến Việt cho người tiêu dùng trong nước. Đó là lý do tổ yến được bày bán ở nhiều chợ hay cửa hàng với đủ mức giá.
Theo bà Trần Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH Yến Đất Việt, người có nhà yến đầu tiên tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ TPHCM, năm 2013, khi xuất hiện virus H5N1 trên đàn yến ở Ninh Thuận, giá tổ yến Việt Nam bị sụt giảm. Nay dù dịch cúm đã hết từ lâu nhưng giá tổ yến vẫn cứ giảm dần. Tình trạng tràn ngập “yến Mã” trên thị trường với giá có lúc chỉ còn 8 - 10 triệu đồng/kg, kéo giá “yến Việt” từ 32 triệu đồng/kg xuống 28, rồi 26, và hiện nay chỉ khoảng 20 triệu đồng/kg. Hiện tổ yến giá sỉ chỉ còn khoảng 17 - 18 triệu đồng/kg, bán lẻ 21 triệu đồng/kg.
Điều đáng báo động hiện nay là xuất hiện tình trạng không ít nhà nuôi yến ở các địa phương bày bán hàng ngay tại chỗ với giá rẻ. Người trong nghề nhìn đàn yến biết được khả năng sản lượng thu hoạch từng nhà, vì vậy, không thể có chuyện thu hoạch ít lại có thể bán với số lượng nhiều. Chỉ có khả năng là “yến Mã” được đưa về đây đóng bao bì thành “yến Việt” để bán cho khách du lịch.
Giám đốc Công ty cổ phần Yến sào Sài Gòn An Pha, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, so sánh: “Tình trạng này cũng giống như việc dùng khô cá tra giả khô cá dứa, đặc sản của Cần Giờ để bán, khiến du khách xuống Cần Giờ luôn e dè khi mua vì không biết thật hay giả”.
Ai cũng hiểu, sản phẩm nào cũng vậy, khi ít thì giá cao, nhưng nếu lượng thu hoạch nhiều lên thì giá giảm, nhưng với yến sào, sản lượng trong nước chưa thật sự nhiều, trong khi nhu cầu tăng mạnh hàng năm, mà giá lại mạnh là hiện tượng không bình thường, gây bất lợi cho nghề nuôi và khai thác yến Việt Nam.
Khoảng 90% yến sào giao dịch trên thế giới đến từ Malaysia, Thái Lan, nhất là Indonesia. Việt Nam là quốc gia thứ 4 có điều kiện tự nhiên nuôi yến và chất lượng được khách hàng đánh giá tốt nhất. Thị trường yến sào chủ yếu ở khu vực châu Á, người da trắng chưa biết sử dụng sản phẩm này nhiều.
Vì vậy, Trung Quốc, bao gồm Đài Loan, Hồng Công, Macau là thị trường tiêu thụ chính yến sào cùng với cộng đồng người châu Á ở các nước. Bên cạnh thị trường trong nước, thị trường lớn (hơn 1,3 tỷ người ở Trung Quốc), tương lai ngành xuất khẩu yến Việt Nam sẽ rất hấp dẫn, nếu chúng ta giữ vững chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Cần có tiêu chuẩn chất lượng tổ yến
Năm 2013, sau chuyến đi Úc để tìm đầu ra cho tổ yến Việt Nam, bà Trần Bạch Mai, Giám đốc Công ty Yến Đất Việt (TPHCM) cho biết, tổ yến Việt Nam được những người kinh doanh tại Úc nhận định chất lượng hơn hẳn tổ yến của Malaysia, kể cả Indonesia - những nước đi trước Việt Nam vài chục năm về nuôi yến.
Thế nhưng, doanh nhân này cũng cho biết, không thể nhập khẩu tổ yến từ Việt Nam vì chính phủ hai nước chưa có thỏa thuận về quy định kiểm dịch sản phẩm này. Thị trường Úc chỉ chấp nhận tổ yến nhập khẩu từ Indonesia nhờ thỏa thuận giữa hai chính phủ. Cũng năm 2013, Trung Quốc đã siết chặt quy định các tiêu chuẩn về chất lượng trong việc nhập khẩu tổ yến.
Như vậy, việc chấn chỉnh nhập khẩu sao cho đảm bảo lợi ích người tiêu dùng đã được các nước áp dụng để ngăn ngừa tình trạng tổ yến không rõ nguồn gốc, không đáp ứng đúng quy định về chất lượng, có thể giao dịch trên thị trường.
Trong khi đó, tình trạng yến thật và yến kém chất lượng đang là vấn đề quan tâm không chỉ với người tiêu dùng mà cả nhà chế biến và kinh doanh chân chính. Là người khá am hiểu thị trường Malaysia, bà Trần Bạch Mai cho biết, tổ yến từ nước này có thể đã bị ngâm tẩm hóa chất như đường hay sử dụng chất bột tạo kết dính giúp định hình tổ yến để tăng thêm trọng lượng, hay dùng hàn the để sợi yến tăng độ dai hoặc dùng hóa chất tẩy trắng lông còn dính trên tổ yến…
Những thủ thuật này rất khó nhận biết vì nhìn như sợi yến thật. Bình thường tổ yến có thể để dành được nhiều năm trước khi sử dụng, nhưng khi có hóa chất vào sẽ làm vi khuẩn có điều kiện tồn tại và phát triển, nên giảm hẳn về chất lượng.
Theo Tiến sĩ Ngô Đăng Nghĩa, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và môi trường (Đại học Thủy sản Nha Trang), trên thế giới đã có trường hợp tổ yến được làm từ rong biển, polymer sinh học. Trường hợp này chỉ có thể phân biệt khi chế biến. Tổ yến Việt Nam thường được chưng cách thủy 40 - 45 phút trở lên sợi yến mới mềm và có mùi thơm thoang thoảng, nhưng với tổ yến Malaysia chỉ cần 15 phút sợi yến đã bở.
Trước đó, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thuận Yến (Cần Giờ) cũng cảnh báo tình trạng lập lờ về chất lượng tổ yến trên thị trường sẽ làm hoen ố hình ảnh tổ yến Việt Nam. Điều này lý giải vì sao, dù sản lượng tổ yến trong nước chưa nhiều, nhưng giá tổ yến trong nước lại bị giảm khá mạnh so với cung cầu.
Trước tình trạng bát nháo có thể ảnh hưởng đến thương hiệu tổ yến Việt Nam và nghề nuôi yến còn non trẻ, các nhà kinh doanh kiến nghị, Nhà nước nên tham khảo các nước để sớm ban hành quy chế cũng như tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm; tổ yến phải được kiểm định về chất lượng và nguồn gốc.
Bên cạnh đó, cần công bố tiêu chuẩn cụ thể khi nhập khẩu tổ yến từ các nước về Việt Nam, không chỉ áp dụng cho nhập chính ngạch mà cả hàng xách tay, khi phần lớn tổ yến từ nước ngoài vào Việt Nam đều theo hình thức này. Tình trạng thả nổi thị trường yến cộng với việc cạnh tranh không lành mạnh kéo dài đang đe dọa thương hiệu tổ yến Việt Nam và sẽ là nguy cơ mất thị trường xuất khẩu trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Theo UBND huyện Long Thành, ngoại trừ An Phước được công nhận là xã nông thôn mới từ đầu năm 2014, đến thời điểm hiện tại, huyện có thêm 3 xã: Long An, Long Đức, Long Phước cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng thẩm định tỉnh họp xét công nhận xã nông thôn mới và 9 xã còn lại cũng đạt từ 13 đến 18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng nhưng ông Bảy Quang đã phất lên nhờ trồng được cây nhãn ở vùng đất sỏi đá Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc). “Cơ ngơi” sau 15 năm gắn bó với vùng đất sỏi đá của ông là 4 hécta nhãn tiêu da bò cùng nhiều giống cây ăn trái đặc sản, như: bưởi da xanh, quýt đường, cam sành…
Đầu năm 2009, với việc đầu tư gần 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại thả nuôi 150 thỏ con, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi nên thỏ bị dịch bệnh, việc chăn nuôi thất bại”. Không từ bỏ quyết tâm, cuối năm 2009, anh quyết định chuyển sang đầu tư nuôi rắn ri cá, ri voi cho kết quả khả quan.
Huyện Châu Thành có thế mạnh vườn cây ăn trái, với diện tích hơn 9.000ha. Trong đó, bưởi Năm Roi chiếm gần 20%, với hơn 1.705ha. Nhưng 3 năm trở lại đây, diện tích và sản lượng bưởi ở Châu Thành có xu hướng giảm do vườn bưởi bị lão hóa, ảnh hưởng thời tiết làm phát sinh mầm bệnh.
Người nuôi cá lóc ở ĐBSCL đang thắng lớn khi giá cá đang đứng ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi thu về lợi nhuận từ 10.000-15.000 đồng/kg.