Bảo Vệ Môi Trường Trong Cải Tạo Đầm Nuôi Tôm
Cải tạo ao đầm là một trong những khâu quan trọng trong nuôi tôm. Hiện đang bước vào mùa cải tạo, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Năm Căn (Cà Mau) đồng loạt sên, vét vuông nuôi, chuẩn bị cho mùa vụ nuôi tôm 2014. Công tác cải tạo vuông nuôi gắn với bảo vệ môi trường cũng được các ngành chức năng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Trương Quốc Duẫn cho biết, thực hiện Quyết định số 09 năm 2010 của UBND tỉnh Cà Mau về việc ban hành quy định về sên, vét bùn, đất cải tạo ao đầm nuôi thuỷ trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 13 năm 2011 của UBND tỉnh Cà Mau về việc sửa đổi bổ sung Quyết định 09 năm 2010 của UBND tỉnh Cà Mau, Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn đã tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn nhắc nhở các xã, thị trấn thực hiện trước khi mùa cải tạo diễn ra. Bên cạnh còn ban hành kế hoạch kiểm tra công tác này, đặc biệt năm 2014 đã thành lập tổ tiến hành kiểm tra thực tế tại các địa phương.
Công tác cải tạo ao, đầm, vuông tôm năm 2014 của huyện Năm Căn được thực hiện từ ngày 1/8 đến 30/9. Việc sên vét bùn, đất cải tạo ao, đầm nuôi thuỷ sản đã được chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo thông qua công tác tuyên truyền, vận động người dân hút bùn trong vuông tôm không được thải chất bùn ra sông, kinh rạch. Từ đó, các tổ chức, hộ gia đình thực hiện khá nghiêm túc.
Ông Trần Hoàng Ðông, khóm 9, thị trấn Năm Căn, có trên 5 ha đất nuôi thuỷ sản. Năm 2013, sản lượng tôm của gia đình ông đạt doanh thu trên 200 triệu đồng. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm thành công, ông Ðông coi việc cải tạo, sên vét ao nuôi tôm là khâu quan trọng để hạn chế dịch bệnh xảy ra và nâng cao năng suất tôm nuôi.
Trong cải tạo vuông nuôi tôm thì ông Ðông luôn chú trọng việc bao ví chỗ nơi đổ đất bùn. Ông Ðông cho biết, việc bao ví như vậy tránh gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh, đồng thời tận dụng nguồn đất lên liếp để trồng rau màu cải thiện bữa ăn, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Cũng như hộ ông Ðông, mùa cải tạo năm nay gia đình ông Trịnh Văn Vọng, khóm 5, thị trấn Năm Căn thực hiện nghiêm túc theo quy định của các ngành chức năng như: trước khi sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm nuôi tôm ông Vọng bố trí nơi chứa đất bùn và các chất thải khác, bảo đảm nước được lắng trong trước khi thải ra bên ngoài, có đơn xin phép và được sự thống nhất của chính quyền địa phương.
Nhưng khó khăn nhất đối gia đình ông Vọng cũng như nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện trong mùa cải tạo năm nay là thời gian cho phép của ngành ngành chức năng trong việc sên, vét ao nuôi tôm ngắn. Trong khi đó, cơ giới cũng như nhân công phục vụ cho lĩnh vực này còn rất ít, mà Năm Căn là huyện chuyên canh về nuôi thuỷ sản nên diện tích cần được cải tạo là rất lớn.
Thực tế cho thấy, vẫn còn không ít hộ thực hiện việc sên, vét bùn, đất cải tạo đầm nuôi tôm chưa đúng quy định của ngành chức năng. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, toàn huyện chỉ có hơn 3.000/9.000 hộ có diện tích đất nuôi tôm đăng ký sên, vét vuông nuôi tôm bằng hình thức dùng cơ giới là máy hút bùn. Ðiều đáng nói là những hộ không đăng ký việc sên, vét đa phần đều hút bùn đất trong vuông tôm thải thẳng ra sông, kinh rạch, làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh. Qua 2 ngày kiểm tra, các ngành chức năng đã lập biên bản xử lý hơn 10 trường hợp vi phạm.
Ông Trương Quốc Duẫn cho biết thêm, thời gian tới ngành sẽ tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Ðài Truyền thanh huyện, trạm truyền thanh các xã, thị trấn về các chủ trương của cấp trên trong việc sên, vét vuông tôm cho người dân nắm để thực hiện; đồng thời kết hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra công tác này và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hộ cố tình vi phạm thải thẳng chất bùn ra sông, kinh rạch gây ô nhiễm môi trường.
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Hơn ai hết, người nuôi tôm cần tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong cải tạo ao đầm, đó cũng chính là bảo vệ an toàn trong sản xuất, mang lại vụ mùa thành công cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Trồng rau thủy canh không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng hoặc giá thể (trấu hun, mụn dừa, cát…) rất phù hợp với người dân thành thị với quỹ đất hạn hẹp.
Cách đây 3 tháng, rệp sáp bột hồng lân lan ra toàn tỉnh Phú Yên gây hại 337 ha sắn, hiện giảm còn 200 ha. Các chuyên gia nhận định, thời gian đến thời tiết có mưa, diện tích sắn bị nhiễm sẽ giảm mạnh.
8 tháng đầu năm 2015, đã có gần 2.200 công trình biogas được xây, lắp mới tại tỉnh Phú Thọ.
Hiếm nơi nào có được rừng dẻ tự nhiên có tuổi đời ngót trăm năm như các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lục Nam (Bắc Giang).
Thanh long là cây có giá trị kinh tế cao, đầu ra thuận lợi, vừa tiêu thụ nội địa vừa xuất khẩu nên trong những năm gần đây diện tích cây trồng này phát triển nhanh.