Trồng Thử Nghiệm Giống Cây Khoai Lang Chất Lượng Cao Ở Điền Công (Quảng Ninh)
Để từng bước chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đồng thời góp phần tăng thêm thu nhập trên một ha đất sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, UBND xã Điền Công (Quảng Ninh) đã quyết định chọn cây khoai lang chất lượng cao để đưa vào phát triển sản xuất.
Cây khoai lang chất lượng cao (hay còn gọi là khoai lang Nhật) là giống cây do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai tự nhiên của giống mẹ có nguồn gốc từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển rau Châu Á. Đây là giống khoai có dạng thân nửa đứng, lá hình màu xanh nhạt, củ to, vỏ màu vàng nhạt với tiềm năng năng suất cao, có thể đạt từ 16 - 20 tấn/ha. Ngoài ra, giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 90 - 100 ngày trong vụ đông và 100 - 120 ngày trong vụ xuân, nên không mất nhiều thời gian chăm bón, cho thu hoạch nhanh.
Sau khi khảo sát thổ nhưỡng, thấy rất phù hợp với trồng cây giống khoai lang này, UBND xã đã quy hoạch lại theo vùng, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón và hỗ trợ toàn bộ cây giống cho nhân dân thực hiện đề án. Đã có tất cả 66 hộ gia đình của thôn 1 và thôn 2 tham gia trồng thử nghiệm trên diện tích 3 ha. Tổng kinh phí dự kiến gần 152 triệu đồng; trong đó, ngân sách thành phố là gần 53 triệu đồng và nguồn kinh phí đối ứng của dân là 99 triệu đồng.
Để đề án được triển khai có hiệu quả, ngay từ những ngày đầu tháng 8, các hộ gia đình đăng ký tham gia đã được dự lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai lang chất lượng cao do cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông TP Uông Bí hướng dẫn. Nhờ nắm vững các kiến thức kỹ thuật như làm đất, cách trồng, phương pháp bón phân v.v... nên ngay sau khi trồng, giống cây khoai lang này đã bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt. Mặc dù bà con thôn 1 và thôn 2 vừa trồng được thời gian không lâu nhưng đến nay, cây khoai lang đã phủ xanh từng thửa ruộng.
Ông Vũ Văn Xuần (thôn 1, xã Điền Công) phấn khởi nói: “Từ xưa đến nay chúng tôi vẫn trồng cây khoai lang địa phương là khoai lang lim. Tuy loại này ngon nhưng giá thành lại khá rẻ nên thu nhập mang lại cũng không cao. Mới đây, tham gia lớp tập huấn được biết năng suất sản lượng của khoai lang chất lượng cao này ăn đứt khoai lang lim nên cũng muốn trồng thử. Từ hôm trồng đến nay mới chỉ hơn một tháng nhưng cây phát triển rất nhanh. Đến lúc thu hoạch, sản lượng đạt 9 - 15 tấn/ha như dự kiến nữa thì tốt quá”. Đợt này, gia đình ông Xuần đăng ký trồng giống mới trên diện tích hai sào để thay cho giống khoai lang truyền thống của địa phương. Ông bảo, nếu loại khoai mới này cho sản lượng như kế hoạch, thị trường ưa chuộng và tiêu thụ tốt thì năm tới gia đình ông sẽ mở rộng diện tích trồng để nâng cao thu nhập cho gia đình...
Đồng chí Trần Phi Long, Chủ tịch UBND xã Điền Công, cho biết, nếu đề án cây khoai lang chất lượng cao thành công thì loại cây này sẽ được nhân rộng và trồng đại trà trên địa bàn toàn xã...
Related news
Phải thuyết phục nhiều lần, chị Thắm (một tiểu thương chuyên kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM) mới cho tôi tháp tùng nhóm người làm công của chị xuống Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) để thu mua sầu riêng, chuối, mít chở lên TP HCM bán.
Huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có diện tích nuôi nghêu khoảng 2000 ha, tập trung ở các cồn Vạn Liễu, cồn Ông Mão, ấp Cây Bàng, Cầu Muống và Tân Phú thuộc xã Tân Thành, hàng năm ngư dân thu hoạch từ 20.000 - 30.000 tấn nghêu thương phẩm đem lại lợi nhuận rất lớn cho ngư dân vùng biển, riêng Ban Quản lý cồn bãi trực thuộc UBND huyện, quản lý, nuôi và khai thác 350 ha thuộc khu vực cồn Ông Mão, hàng năm từ nguồn thu hoạch nghêu, thu về cho ngân sách huyện chiếm gần 50%.
Phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa phối hợp tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi heo rừng lai tại xã Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai.
Năm 2013, toàn tỉnh Nam Định có 486ha nuôi tôm chân trắng, tăng 188ha so với năm 2012, hình thành nhiều vùng nuôi tập trung tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Các vùng nuôi cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh - Lâm Đồng) mới đây, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã cải tạo vườn cà phê (ghép chồi hoặc trồng tái canh) bằng các giống cà phê đầu dòng được 18.000 ha. Đây là một “tín hiệu” rất đáng mừng. Bảo Lâm là địa phương đi đầu, có phong trào cải tạo vườn cà phê khá nhất. Di Linh và các địa phương khác cần học kinh nghiệm của Bảo Lâm để từng bước nâng cao hiệu quả canh tác cà phê.