Hiện nay, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đẩy mạnh việc ứng dụng và trồng nhãn chín muộn với thời gian chín muộn hơn nhãn chính vụ 1 tháng, qua đó giá trị đã được nâng lên rõ rệt.
Nhãn chín muộn đã và đang tạo nên bước đột phá mới trong nông nghiệp của thủ đô.
Dọc các xã ven đê của huyện Hoài Đức như: An Thượng, Đông La, nhãn mới bắt đầu chín quả. Ông Trần Văn Bảy, ở thôn Ba Lương, xã Song Phương chủ nhân của hơn 1ha nhãn, với hơn 2.000 cây cho biết: “Đây là giống nhãn chín muộn được chúng tôi lai tạo từ nhiều loại giống nhãn chín muộn khác nhau trên cả nước. Giống nhãn này có nhiều đặc điểm, ưu điểm so với nhãn chính vụ, ngoài chín sau khoảng 1 tháng (đầu tháng 9), nó còn là giống nhãn có chất lượng rất tốt, quả to, vỏ mỏng, cùi dày ăn giòn vị ngọt thanh đậm nên được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn”.
Ông Bảy cho biết, ông đã “kết” với nghề trồng cây ăn quả hơn 20 năm nay. Trước kia, khi cây cam Canh còn phát triển, ông từng là chủ của cả mấy ha cam Canh. Nhưng theo ông, trồng cam Canh hiệu quả kinh tế, nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, chăm sóc tỉ mỉ, vòng đời của cây cam lại ngắn, nên nhiều người đã bỏ nghề, trong đó có ông. Năm 1993, khi đó cây nhãn chín muộn chưa được chú ý, nhiều người còn chặt đi để trồng nhãn chính vụ, thì ông đã âm thầm nhân giống trồng.
Sau 4 năm, ông đã có hàng trăm cây nhãn, quả chất lượng tốt lại trái vụ nên giá khá cao, do đó nhiều người đã học hỏi ông để trồng. “Để nhãn chín muộn, ngoài giống còn phải can thiệp vào quá trình ra lộc hoa của cây, bằng cách tiện vỏ xung quanh gốc để ép nhãn ra hoa theo yêu cầu của mình, đồng thời phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, bón phân”, ông Bảy chia sẻ.
Ông Cao Minh Tuyến - Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho hay: “Hầu hết các xã đều có nhãn chín muộn, nhưng tập trung chủ yếu ở 3 xã Song Phương, An Thượng và Đông La với diện tích khoảng 124ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn”. Theo ông Tuyến, năm 2011, huyện đã tạo điều kiện cho các xã thành lập “Huyện hội sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn”, đồng thời đăng ký thương hiệu “Nhãn chín muộn Hoài Đức”.
Ông Nguyễn Hữu Tích - Phó Chủ tịch Huyện hội sản xuất nhãn chín muộn Hoài Đức chia sẻ: “Hiện Hội có 57 thành viên, nhiều hội viên có 1 - 3ha, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi thành lập hội với mục đích liên kết giữa các hộ trồng nhãn chín muộn để trao đổi, học hỏi kỹ thuật, đồng thời tạo thành một thương hiệu giúp nâng cao giá trị, tránh bị ép giá”.
Mặc dù mới có thương hiệu, nhưng nhãn chín muộn Hoài Đức đã có thị trường tiêu thụ khá rộng. Đặc biệt, so với nhãn chính vụ, trong 2 năm gần đây, cao gấp 3 - 4 lần, đạt khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, nhưng người dân vẫn không có nhãn để bán. Thậm chí, gần đây nhiều người còn về tận vườn nhãn của các hộ dân ở đây để thu mua.