Mô Hình Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Bước Đầu
Mô hình chăn nuôi heo thịt đảm bảo vệ sinh môi trường có sử dụng đệm lót sinh học đã được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) huyện Phú Hòa và Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa chọn 4 hộ trên địa bàn thị trấn làm thí điểm. Qua 4 tháng triển khai, đến nay, mô hình đã mang lại kết quả khả quan.
Để mô hình được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và đáp ứng các chỉ tiêu đề ra, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa đã chọn các hộ dân có các điều kiện như chuồng trại đạt yêu cầu, nguồn vốn đối ứng, có nhu cầu tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi heo thịt đảm bảo vệ sinh môi trường sử dụng đệm lót sinh học và phải cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn.
Sau đó, Trạm KN-KN huyện Phú Hòa tổ chức 2 lần tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong nuôi dưỡng, chăm sóc đàn heo được nuôi trên đệm lót sinh học cho 10 hộ nông dân trong và ngoài mô hình tham gia. Trưởng trạm KN-KN huyện Phú Hòa Võ Dư Doãn cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi tập huấn trước khi nhận con giống; lần thứ hai là lúc bà con nuôi heo khoảng 50 đến 60 ngày.
Trong những lần tập huấn, chúng tôi hướng dẫn cách chăm sóc nuôi dưỡng, sử dụng các loại vắc xin, cách sử dụng và quản lý đệm lót đúng kỹ thuật trong chăn nuôi heo; phòng trị một số bệnh thường gặp ở heo để các hộ kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời tổ chức cho 10 hộ nông dân tham gia tập huấn đi đến từng hộ dân thực hiện mô hình để quan sát, đánh giá khách quan về heo chăn nuôi trên đệm lót sinh học”.
Theo Trạm KN-KN huyện Phú Hòa, cách thiết kế đệm lót lên men chìm, nổi hay nửa chìm, nửa nổi tùy thuộc vào chuồng trại được cải tạo hay xây dựng mới.
Vì thế, quan trọng nhất là xem vị trí chuồng cao hay thấp so với mực nước ở bên ngoài; đồng thời phải đảm bảo đệm lót luôn khô ráo, không bị ngấm nước từ bên ngoài vào làm hỏng. Bên cạnh đó, độ dày đệm lót từ 50 đến 70cm và sử dụng các nguyên liệu có độ xơ cao, không dễ bị làm mềm và có lượng chất dinh dưỡng nhất định, không độc, không gây kích thích. Tốt nhất là mùn cưa, vỏ bào và tiếp đến là vỏ đậu phộng, lõi bắp, trấu.
Ông Nguyễn Bình Nguyên ở khu phố 2, thị trấn Phú Hòa là một trong bốn người được chọn làm thí điểm mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học, cho biết: “Qua hướng dẫn của Trạm KN-KN huyện Phú Hòa, tôi đã xây dựng một ô nuôi heo khoảng 15m2 ngay trong trại chăn nuôi của gia đình để nuôi 8 con heo được Trạm KN-KN cấp. Trước khi nuôi, tôi đã đệm nền chuồng heo thật chặt và lót trấu dày 30cm, tiếp theo là dùng vòi phun nước sạch lên lớp trấu để trấu ẩm đều và làm phẳng mặt cho đến khi đạt độ ẩm 40%.
Tôi tiếp tục tưới đều khoảng 100 lít dịch men và dùng 15kg bắp xay ra thành bột ủ trong men Balasa N01, rải đều trên mặt lớp trấu; đồng thời rải lớp mùn cưa với độ dày 30cm lên lớp trấu, tiếp theo là phun nước sạch lên mặt để cho mùn cưa ẩm đều đến khi đạt độ ẩm khoảng 20%. Sau đó, tôi tưới khoảng 100 lít dịch men lên mùn cưa và đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc ni lông để lên men và thả heo vào nuôi”.
Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật nuôi và 30% giá trị thức ăn, thuốc men cho các hộ chọn làm mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học, Trạm KN-KN huyện Phú Hòa còn hỗ trợ 30 con heo miễn phí cho 4 hộ nuôi, mỗi hộ từ 7 đến 8 con heo. Ông Nguyễn Bình Nguyên cho biết: “Tôi nuôi heo từ năm 2009, đến nay tôi có 11 con heo nái và hàng chục con heo thịt, nhưng mấy năm qua tôi nuôi heo theo kiểu truyền thống.
Nhưng qua cách nuôi mới này, tôi thấy mô hình này mang lại hiệu quả rất cao, heo không bị tiêu chảy và lớn nhanh. Đặc biệt, chất thải của heo không có mùi hôi và không phải mất công tắm, dội chuồng. Hiện tôi đã xây thêm một chuồng có sử dụng đệm lót sinh học để tiếp tục nuôi heo thịt”.
Trưởng trạm KN-KN huyện Phú Hòa Võ Dư Doãn cho biết: “Qua tổng kết mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học mới đây cho thấy, qua 100 ngày nuôi, bình quân mỗi con heo đạt 108kg/con, sau khi trừ chi phí lãi trên 700.000 đồng/con. Hiện chúng tôi đang nhân rộng mô hình này cho nhiều bà con trong huyện cùng nuôi.
Vì nuôi heo theo mô hình này vừa hạn chế bệnh, ít ô nhiễm môi trường và heo nhanh lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Ông Doãn còn cho biết, nuôi heo trên đệm lót sinh học thì khoảng 3 năm mới xử lý phân heo một lần, dùng bón cho các loại cây trồng phát triển tốt.
Nguồn bài viết: http://www.baophuyen.com.vn/82/123310/hieu-qua-buoc-dau.html
Có thể bạn quan tâm
Tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nơi có diện tích cây vải thiều lớn nhất miền Bắc, chiều 18-6 có hàng trăm xe tải, xe container vẫn nối đuôi nhau chờ nhận hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay thị trường vải tại Lục Ngạn chủ yếu được các thương lái ở các tỉnh phía Nam mua. Thương lái Trung Quốc mua vải tại Lục Ngạn năm nay giảm so với nhiều năm trước.
Vài năm trước, có thể thấy cánh đồng này sớm muộn nông dân cũng bỏ đất hoang nên thành phố đã cho quy hoạch. Tuy nhiên, sau khi thấy đất cứ bỏ hoang do “dự án treo”, mới đây vài nông dân tiếc đất lại xách cuốc ra đồng khai mương, cày đất tiếp tục trồng lúa. Theo anh Hoàng Minh Lành, một nông dân ở đây, giờ đất này hoàn toàn không thể trồng lúa được vì nguồn nước và đất đã bị ô nhễm nặng.
Ông Ái cũng cho biết do thời tiết thất thường nên một số diện tích lúa trong vụ này cũng bị ảnh hưởng, làm đổ ngã khoảng 60ha. Riêng tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp hiện cũng có hơn 100ha lúa hè thu bị ngã đổ.
Sáng 10/6, Công ty Đóng tàu Hạ Long phối hợp với Cục Kiểm ngư Việt Nam (Bộ NN&PTNT) tiến hành chạy thử tàu kiểm ngư lớn nhất Việt Nam trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là con tàu mang số hiệu KN - 781 được đánh giá là tàu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam.
Đầu năm 2013, ông Phượng đầu tư 20 triệu đồng xây dựng cơ sở trồng nấm linh chi rộng khoảng 100m2 với 10.000 bịch. Từ cơ sở này, mỗi năm ông thu nhập 120 triệu đồng. Theo ông, giống nấm linh chi được nhập từ Trung tâm Phát triển và chuyển giao nông nghiệp nấm Quảng Nam, còn nguyên liệu (cao su, bột cưa…), ông đến tỉnh Gia Lai mua với giá rẻ. Nhờ thế mà tiết kiệm được chi phí.