Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Bò Vỗ Béo Giảm Nghèo Ở Phú Tân (An Giang)
Đề án nuôi bò vỗ béo giảm nghèo nằm trong kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 và kế hoạch giảm nghèo hàng năm của huyện Phú Tân. Theo hình thức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn không lãi suất để nuôi bò, sau 1 năm triển khai, đề án đã thu về những kết quả đáng mừng.
Phần lớn hộ nghèo đều có đặc điểm chung là không có tay nghề, thiếu thông tin nên không tìm được việc làm phù hợp. Một bộ phận hộ nghèo chọn nghề không phù hợp để học, thiếu tư liệu, thiếu điều kiện sản xuất nên không biết cách tổ chức sản xuất có hiệu quả. Đối với những hộ nghèo chí thú làm ăn, họ lại gặp khó ở chỗ thiếu vốn sản xuất nên không thể vươn lên thoát nghèo…
Nắm rõ thực trạng này, UBMTTQ huyện Phú Tân đã đề nghị với Ban Thường trực và Ban Vận động quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và trích 952 triệu đồng từ quỹ “Vì người nghèo” huyện để xây dựng mô hình “Nuôi bò vỗ béo thoát nghèo bền vững”. Bước đầu, huyện chọn 2 xã Phú Lâm và Phú Hiệp làm điểm.
Những hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ mua 2 con bò giống, bên cạnh các tiêu chí phải có đối với hộ gia đình, gồm: Có nơi xây dựng chuồng trại, có diện tích đất để trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn, có lao động… các hộ còn phải đảm bảo các yêu cầu đối với địa phương, như: Có việc làm và thu nhập không thường xuyên; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; có con trong độ tuổi đi học phải được đến trường và không tham gia các tệ nạn xã hội.
Theo từng bước nhân dần ra các xã, sau một năm thực hiện đề án, đã có 12 hộ thoát nghèo và 13 hộ thoát cận nghèo, cuộc sống đi vào ổn định. Nhiều hộ chí thú làm ăn đạt hiệu quả tốt, như: Hộ ông Phan Văn Tuấn (Phú Long), nuôi cặp bò 13 tháng, thu lãi 18,9 triệu đồng; hộ ông Cao Văn Cuôi (ngụ cùng xã) nuôi bò 13 tháng lãi 25 triệu đồng; hộ bà Nguyễn Thị Lang (Phú Thành), sau 12 tháng nuôi, lãi 24,4 triệu đồng… Đặc biệt, hộ ông Tăng Văn Bé qua 2 vòng nuôi (13 tháng) lãi 22 triệu đồng, trả 30 triệu đồng vốn và được chương trình “Mái ấm ATV” hỗ trợ cất căn nhà trị giá 62 triệu đồng.
Trong tổng số 41 hộ nghèo và cận nghèo tham gia đề án, đã có 19 hộ trả đủ vốn mượn ban đầu, 3 hộ trả một phần, 38 hộ có nhu cầu mượn vốn thêm một chu kỳ và 1 hộ có nhu cầu mới. Là gia đình thuộc diện cận nghèo, từ khi tham gia nuôi bò vỗ béo, anh Lê Hoàng Chua (xã Hòa Lạc) xem cặp bò là tài sản quý giá nhất. Hàng ngày, ngoài thời gian đi làm thuê, vợ chồng anh tranh thủ cắt cỏ ở khắp nơi, đảm bảo có đủ 120kg cỏ cho bò.
Anh cho biết, mô hình nuôi bò hiện nay rất phổ biến tại địa phương vì đầu ra thuận lợi, lại dễ nuôi, có nhiều thì giờ để làm thêm công việc khác nên đặc biệt hợp với hộ có lao động và thu nhập thấp. Để có đủ nguồn thức ăn cho bò, các hộ phải thuê thêm đất trồng cỏ, bổ sung cho bò ăn thêm tấm cám và các loại cỏ lúa, cỏ bờ… Sau 1 năm tham gia đề án nuôi bò vỗ béo, anh Chua bán cặp bò lời được 18 triệu đồng, hoàn trả vốn cho huyện, đồng thời tiếp tục đầu tư nuôi mới 2 con bò vỗ béo và 1 con nuôi rẻ (nuôi gửi, người nuôi và chủ sở hữu bò chia đôi lợi nhuận).
Rút kinh nghiệm sau 1 năm thực hiện, UBMTTQ huyện Phú Tân đánh giá: Đề án nuôi bò vỗ béo giảm nghèo có tính khả thi cao, đáp ứng nguyện vọng của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Người dân đã chuyển dần nhận thức từ việc được “cho” sang “mượn” và có trách nhiệm trả, từ đó các hộ nghèo tích cực hơn trong lao động, cố gắng vươn lên để có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế của các hộ, nếu chỉ dựa vào số tiền lãi bán bò để tái nuôi, quá trình thoát nghèo có thể kéo dài.
Để đề án “Nuôi bò vỗ béo giảm nghèo bền vững” phát huy hiệu quả tốt hơn, UBMTTQ huyện Phú Tân đã kiến nghị: Tăng thêm 1 chu kỳ cho vay đối với các hộ có nhu cầu thoát nghèo bền vững; tăng mức vốn cho mượn từ 35 đến 40 triệu đồng/hộ để mua được 2 con bò giống lớn hơn, sẽ cho tăng trọng nhanh hơn; tăng thời gian chu kỳ nuôi từ 12 tháng lên 18 tháng, nhân rộng mô hình ra toàn huyện.
Nguồn bài viết: http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Tin-trong-tinh/Hieu-qua-mo-hinh-nuoi-bo-vo-beo-giam-ngheo-o-Phu-Tan.html
Có thể bạn quan tâm
Gà đẻ thải loại (gà đẻ trứng sau khi hết chu kỳ khai thác) không chỉ đội lốt gà ta thả vườn “xịn” mà tiểu thương còn thi nhau hô biến gà đẻ thải loại thành đặc sản gà Đông Tảo để bán kiếm lời.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mỗi năm nông dân Bạc Liêu thải ra môi trường từ 90 - 120 tấn rác thải là các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong khi đó, việc thu gom, xử lý loại rác thải độc hại này theo quy trình đảm bảo an toàn gần như không có!
Để phát huy thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản và nhân rộng những mô hình sản xuất bền vững cho giá trị kinh tế cao, Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có chuyến khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Hoài Ân đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí NTM, huyện Hoài Ân vẫn còn nhiều việc phải làm.
Xã Tam Quan Nam là địa phương XDNTM đến năm 2020, song đến cuối năm 2013 xã đã đạt được 11/19 tiêu chí, đặc biệt trong đó có tiêu chí số 17 về môi trường. Để đạt được tiêu chí này, có vai trò tích cực của Hội Nông dân xã và hội viên nông dân (HVND) toàn xã.