1.000 Con Bò - Cú Hích Để Thoát Nghèo
Ngày 8/11, chương trình hỗ trợ 1.000 con bò cho 1.000 hộ nghèo tỉnh Lâm Đồng được Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn VinGroup chính thức bàn giao tại huyện Đơn Dương trước chứng kiến của đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đơn Dương, Sở LĐTB&XH… Đây là cú hích đặc biệt ý nghĩa giúp 1.000 hộ nghèo sớm thoát nghèo.
“Mừng quá, không ngủ được!”
Đó là câu nói của chị Trần Thị Mến ở tổ dân phố Nghĩa Lập 5, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương và cũng là cảm xúc chung của các hộ nhận bò tài trợ. Chị Mến chia sẻ: Tháng 11/2013, sau khi được huyện tổ chức 15 ngày tập huấn kỹ thuật nuôi bò, chị đã đầu tư 5 triệu đồng để làm chuồng và trồng 1,5ha cỏ voi, cỏ bò sữa.
“Tôi làm chuồng còn rộng hơn cả quy cách được học, còn cỏ thì tốt nhanh, chờ miết chưa có bò, tôi cho hàng xóm họ cắt”. Đó là ý chí vượt khó của chị Mến - chủ hộ nghèo, một mình trong 20 năm nay nuôi được 2 con đang học đại học năm thứ 3, ngành xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh và sư phạm hóa tại Đà Lạt.
Để tiếp nhận 1.000 con bò, ngày 6/9/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 6269/KH-UBND nhằm hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giao các địa phương từ tổ dân phố, thôn, buôn đến xã, thị trấn tổ chức họp dân bình xét công khai và dân chủ đối tượng được thụ hưởng.
Trừ huyện nghèo Đam Rông vì đã có nguồn hỗ trợ bò khác, 11 huyện, thành phố còn lại đã lập danh sách 1.000 hộ. Họ bao gồm là những hộ nghèo thuộc một trong các đối tượng: có trẻ em đang đi học; đối tượng chính sách; đối tượng bảo trợ xã hội; đồng bào dân tộc thiểu số; chủ hộ là nữ.
Theo gợi ý của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Quỹ Thiện Tâm sẽ tìm 1.000 con bê cái giống sinh sản từ 9-11 tháng tuổi, trị giá mỗi con 15 triệu đồng. Việc bàn giao bò trực tiếp cho từng hộ nghèo tại địa bàn xã, thị trấn và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phối giống cho đàn bò khi đến kỳ sinh sản được hoàn toàn miễn phí. Nhiều huyện đã sử dụng kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình khuyến nông của địa phương để tập huấn như Đạ Huoai, Di Linh, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Đơn Dương…
Trong đợt 1 này, tỉnh Lâm Đồng được bàn giao 158 con bò, trong đó Đơn Dương 80 con, Lạc Dương 34 con, Bảo Lộc 40 con và Đà Lạt 4 con. Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Lữ Ngọc Cư cho biết: Trước Tết Âm lịch 2014, sẽ cố gắng bàn giao số bò còn lại cho các huyện của Lâm Đồng.
Sau tập huấn, nhiều hộ đã triển khai làm chuồng theo quy cách, trồng cỏ; những hộ khác tận dụng chuồng bò cũ hoặc chuồng nuôi heo. Khi được nhận bò, nhiều hộ rất vui mừng phân công người trong gia đình trực tiếp chăm sóc. Ví dụ, chị K’Kiu ở M’Lọn A, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương chịu trách nhiệm nuôi giúp cho chị gái là K’Nhớ (dân tộc K’Ho) vì sức khỏe yếu. Chị K’Kiu cho biết, tuy đã được tập huấn kỹ thuật nuôi bò rồi nhưng vì không có tiền nên chưa làm được chuồng bò và trồng được cỏ nên nhốt tạm bò vào chuồng heo khá rộng; thả bò quanh nhà và cắt cỏ bờ. Còn chị PơJung Ma Sương (dân tộc Chu Ru) ở M’Lọn B lại nuôi giúp cho mẹ già 78 tuổi là bà Ma Eo.
Chị Ma Sương cho biết chưa được dự lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò của huyện tổ chức nhưng đã từng nuôi bò lấy công cho người ta nên cũng có ít kinh nghiệm và phải tìm hiểu thêm mọi người được học nữa. Chị nói: “Hôm qua trưởng thôn đem tờ giấy đi lấy bò, cả nhà mình rất vui. Mình cảm ơn Đảng và Nhà nước đã giúp đỡ cho các hộ nghèo như thế này lắm!”.
Chung tay hành trình cùng hộ nghèo
Như đã nói, hành trình để người dân nhận bò tài trợ là xuất phát từ chủ trương của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với sự hỗ trợ 5.000 con bò của Tập đoàn VinGroup cho 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó, Lâm Đồng có 1.000 con. Chính quyền 5 tỉnh, các huyện, thành phố và ngành LĐTB&XH, ngành nông nghiệp, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… cùng vào cuộc với người dân. Vì vậy, tiếp tục hành trình xóa nghèo cho các hộ thông qua chương trình nuôi bò, rất cần đến sự kiểm tra, đánh giá, giúp đỡ của chính quyền cùng các ngành chức năng các cấp.
Đặc biệt, vai trò của cấp thôn, tổ dân phố và cấp xã, thị trấn hết sức quan trọng. Dĩ nhiên quyết định thành bại để thoát khỏi nghèo phải là các chủ hộ chăn nuôi bò. Họ phải có tri thức kỹ thuật chăn nuôi, từ chuồng trại, chọn giống đến chăm sóc sinh sản, thức ăn, phòng bệnh…
Chi Cục phó Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) Hoàng Huy Liệu cho chúng tôi biết: Trước khi bàn giao bò cho bà con, số bò này đã được nuôi cách ly 21 ngày để theo dõi sức khỏe, tiêm phòng khử trùng tiêu độc, không phát bệnh gì mới bàn giao. Tuy vậy, sau khi đã nhận bò, người dân vẫn phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của bò và liên lạc với thú y xã, thị trấn; bò tiếp tục được tiêm phòng nhắc lại, cấp thuốc khử trùng tiêu độc miễn phí.
Đây là điều rất cần được tuyên truyền sâu rộng để các hộ nuôi bò biết và phối hợp với thú y thực hiện. Đại diện phía nhà tài trợ bò, ông Chu Đức Thắng cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quan tâm đặc biệt đến quá trình nuôi bò của các hộ dân. Bởi theo ông Thắng, nếu sao nhãng sẽ ảnh hưởng tỷ lệ rủi ro rất lớn về con giống. Đã có tỉnh tỷ lệ này lên đến 10%.
Thông tin mà ông Lữ Ngọc Cư cung cấp cho chúng tôi là: Theo kế hoạch, 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ được bàn giao 5.000 con bò cho 5.000 hộ nghèo, trong đó, từ năm 2013 đến nay, đã bàn giao cho 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắc Lắk. Nhưng đáng tiếc là ở 3 tỉnh này đã hao hụt 132 con, nguyên nhân chủ yếu do bò bị bệnh tiêu chảy. Một số ít khác bò chết do ăn phải sâu nái, buộc vào gốc cây bị siết cổ, thậm chí có hộ còn giết thịt để cúng…
Tuy vậy nhưng ở 3 tỉnh này, cũng theo ông Cư, đã có hàng chục con bò sinh sản. Để chủ trương an sinh xã hội bằng phát triển đàn bò từ bò giống tài trợ thực sự có ý nghĩa và đạt được hiệu quả rất cần sự chung tay của nhiều người, trong đó, hộ nghèo nhận bò giữ vai trò quyết định chính.
Theo ông Lữ Ngọc Cư, việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, nhắc nhở và giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, thành phố, từ xã đến các thôn, tổ dân phố phải thường xuyên. Có như thế thì mới hạn chế, khắc phục được sai sót để rút kinh nghiệm và phát huy được những mặt tốt kịp thời.
Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/xahoi/201411/1000-con-bo-cu-hich-de-thoat-ngheo-2373882/
Có thể bạn quan tâm
Nếu như những ngày giáp tết nguyên đán năm trước giá xoài tại Định Quán (Đồng Nai) tuột dốc thì tết năm nay giá các mặt hàng xoài, nhất là “xoài ba mùa” đang tăng cao vút. Tuy nhiên, do thất mùa xoài nghịch vụ, các nhà vườn tiếc nuối vì không có xoài để bán…
Ngày 3-2, thanh long ruột đỏ các nhà vườn ở huyện Trảng Bom và Xuân Lộc (Đồng Nai) bán ngay tại ruộng là 60-62 ngàn đồng/kg. Mức giá này duy trì từ trước tết Nguyên đán khoảng 10 ngày.
Khác biệt sự trầm lắng những năm trước, thị trường bưởi Năm Roi sau tết năm nay khá sôi động. Nhiều nhà vườn trồng bưởi ở TX Bình Minh (Vĩnh Long) đang phấn khởi do giá bưởi hiện vẫn còn giữ mức khá cao.
Ở Tiền Giang, bưởi da xanh là một trong những cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế lớn. Trong các năm qua, giá bưởi da xanh luôn đứng ở mức cao, có lúc 50.000 đ - 60.000 đ/kg, nhất là thời điểm giáp Tết bưởi luôn được giá và hút hàng, nguồn cung không đủ cầu.
Đón xuân Giáp Ngọ năm nay người trồng mận rất phấn khởi, bởi đầu ra ổn định, hầu hết sản phẩm mận được thu hoạch cung ứng nhanh trong những ngày Tết. Với giá bán ra bình quân 9.000 đồng/kg, đây là nguồn thu khá lý tưởng, cùng những sản vật thu được trên đất rừng, giúp cho người dân nâng cao thu nhập, an tâm gắn bó với rừng.