Giàu Lên Từ Chăn Nuôi Đại Gia Súc
Để từng bước đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiệm kỳ 2010 - 2015 vào cuộc sống, UBND xã đã xây dựng Chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Sau hơn 4 năm thực hiện, Chương trình đã đạt kết quả cao, nhiều hộ giàu lên.
Có tiền tỷ nhờ chăn nuôi trâu bò
Trước đây gia đình anh Ngô Văn Cán, thôn Cả rất nghèo, nhiều thời điểm phải chạy ăn từng bữa. Một lần vào rừng lấy củi, thấy cơ man đồi cỏ, trong anh chợt nảy ra ý tưởng đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Nhờ cậy các mối quan hệ từ người thân trong gia đình đến hội Cựu chiến binh nơi anh đang sinh hoạt… hai vợ chồng vay được gần 30 triệu đồng, đầu tư mua 5 con trâu. Hằng ngày, anh lùa trâu đến các bãi cỏ quanh vùng.
Học kinh nghiệm từ người xưa, mỗi khi đi chăn, anh cho uống nước muối để tăng sức đề kháng. Cùng đó, tìm đến cán bộ thú y hướng dẫn cách tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi. Nhờ đó, đàn trâu luôn khỏe mạnh, mau lớn. Đến thời kỳ, 4 con trâu cái đều cho ra đời 4 chú nghé mập mạp.
Đáng mừng là lần đầu tiên sinh, có tới 3/4 chú nghé là cái. Vẫn phương thức chăm sóc như với đàn bố mẹ, đàn nghé lớn nhanh và chẳng mấy chốc đến kỳ sinh sản. Đàn trâu của gia đình anh cứ vậy tăng lên nhanh chóng. Khi có gần 20 con, gia đình anh bán một số lấy vốn mua 7 con bò. Đến nay, gia đình anh còn 63 con trâu, bò.
Anh Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Minh nhẩm tính, nếu bình quân 20 triệu đồng/con, đàn gia súc của gia đình anh Cán trị giá hơn 1 tỷ đồng. Từ nuôi trâu, bò, anh Cán có đủ tiền trang trải mọi sinh hoạt hằng ngày của gia đình, nuôi các con ăn học, trả được nợ và cho nhiều người thân vay cả trăm triệu đồng.
Gia đình ông Ngô Văn Triều, dân tộc Tày (cùng thôn) cũng khá lên nhờ chăn nuôi trâu, bò. Ông Triều chia sẻ: “Nếu không nuôi trâu, bò gia đình tôi không biết lấy tiền đâu để nuôi các con ăn học và làm nhà cho chúng”. Gia đình ông có 5 người con, hiện đã trưởng thành và có gia đình riêng. Hiện tại ông, bà có hơn 50 con, mỗi năm bình quân sinh sản 20 con bê, nghé, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Chương trình hợp lòng dân
Thực hiện Chương trình phát triển chăn nuôi, UBND xã Phong Minh quan tâm tới vấn đề hàng đầu là vốn đầu tư. Cùng với chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… tích cực vào cuộc, UBND xã còn phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng tạo thuận lợi để người dân trong xã vay vốn. Bằng các hình thức tín chấp, thế chấp…từ các hội, đoàn thể, đến nay dư nợ toàn xã đạt hơn chục tỷ đồng. Số tiền trên được người dân đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê, ngựa).
Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Thú y huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ đó, dịch bệnh luôn được khống chế kịp thời, hiệu quả từ chăn nuôi đạt cao. Đến nay 100% các hộ trong xã đều đầu tư chăn nuôi đại gia súc, nhất là trâu, bò.
Nhiều hộ nuôi tới 50 - 70 con. Thống kê mới nhất của UBND xã, hiện toàn xã có hơn 5 nghìn con trâu, bò, dê, ngựa, vượt gần hai lần kế hoạch Chương trình đề ra và là xã có tổng đàn đại gia súc lớn nhất huyện. Chăn nuôi làm số hộ nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm 5 - 6%; hộ khá, giàu tăng, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.
Đồng chí Nguyễn Thị Kho, Chủ tịch UBND xã Phong Minh phấn khởi: “Chúng tôi cho rằng, Chương trình phát triển chăn nuôi của xã đề ra rất hiệu quả và được cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ. Thời gian tới, Phong Minh tiếp tục đầu tư để việc chăn nuôi, đại gia súc đạt kết quả cao hơn nữa”.
Có thể bạn quan tâm
Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, anh Võ Văn Lựu vừa hồ hởi cho biết: Lớn lên trên vùng đất Tú Loan (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chứng kiến cảnh người dân quanh năm vất vả với độc canh cây lúa, đất cằn nên cuộc sống cứ mãi chật vật. Trăn trở để tìm hướng đi mới, cuối cùng anh nhận thấy điều kiện đất đai ở đây với diện tích đất hoang hóa còn lại khá nhiều, cộng với nhiều trảng cát rộng, rất phù hợp cho chăn nuôi đà điểu.
Hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế. Nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này. Thu gần 200 triệu đồng/năm chỉ từ 12 con hươu của gia đình ông Nguyễn Viết Long ở ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) là minh chứng.
Xác định chăn nuôi lợn là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vừa thành lập Hội Chăn nuôi lợn sạch nhằm liên kết người sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững.
Mắc ca, loài cây có nguồn gốc Úc châu đã bắt đầu thân thuộc với nông dân Lâm Đồng. Tại khắp nơi trong tỉnh, từ Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà, Đơn Dương, diện tích mắc ca trồng xen với cây cà phê đã lên xanh và kết trái, mang lại thu nhập không nhỏ cho người nông dân.
Người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị bước vào vụ mùa cà phê mới. Bên cạnh việc tất bật tìm nhân công thu hái, bảo vệ vườn cây, nhiều hộ dân còn “đau đầu” với nạn hái trộm cà phê đang diễn ra từng ngày với thủ đoạn rất liều lĩnh, manh động.