Trồng Luân Canh Cây Tỏi Và Hoa Màu Trên Đất Đồi Mang Lại Hiệu Quả Cao

Sau khi có quyết định giải tỏa để xây dựng Tổ hợp nhiệt điện Vân Phong, từ năm 2009, nông dân xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã chủ động tìm kiếm vùng đất mới để phát triển cây tỏi. Nhiều vùng đất đồi, trồng cây kém hiệu quả đã được tận dụng và trở thành vùng chuyên canh cây tỏi đem lại lợi nhuận cao.
Đưa cây tỏi lên đồi
Trước đây, nếu vùng đất đồi tại khu Hòn Quải (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) hay Hòn Bộp (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) chỉ canh tác những cây trồng kém hiệu quả như keo, bạch đàn thì nay đã phủ xanh bởi những ruộng tỏi, đậu phụng, dưa hấu... Chính những cư dân xã Ninh Phước (gốc Lý Sơn - Quảng Ngãi) đã đem cây tỏi trồng tại những khu vực này.
Tại thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng), nhiều người cho biết, ông Bùi Dân (xã Ninh Phước) là người khởi sự trồng tỏi trên vùng đất này. Gặp chúng tôi, ông Dân tâm sự: “Sau khi tỉnh có quyết định giải tỏa để xây dựng nhà máy nhiệt điện, không còn đất, buộc tôi phải chủ động tìm kiếm vùng đất mới, phù hợp để sản xuất tỏi.
Qua tìm hiểu, ngoài xã Ninh Phước và Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) có khí hậu biển, có loại cát thích hợp để trồng tỏi thì vùng đất thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) cũng tương tự. Mặt khác, thôn Xuân Đông có thể lấy nước từ hồ Đá Bàn để phát triển cây tỏi. Thế là tôi quyết định mua đất và xúc tiến việc trồng tỏi tại đây”.
Với những kinh nghiệm có được, ông Dân tiến hành cải tạo, san ủi mặt bằng, lắp đặt hệ thống tưới... Chẳng bao lâu, ruộng tỏi 5.000m2 của ông đã phủ màu xanh trù phú. 1 năm sản xuất luân canh 3 vụ gồm: Trồng tỏi từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 âm lịch (ÂL); đậu phụng, rau các loại từ tháng 2 đến tháng 5 ÂL; từ tháng 6 đến tháng 8 ÂL trồng đậu phụng hay hoa màu khác. Ông Dân nhận định, chất lượng tỏi ở thôn Xuân Đông, Vạn Hưng cũng giống như ở xã Ninh Phước, năng suất cao hơn và chưa phát hiện sâu bệnh. Sản xuất 3 vụ luân canh có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Tuy vậy, để đất trồng tỏi ổn định phải mất ít nhất 6 - 7 năm.
Một cư dân gốc Lý Sơn khác cũng đang phát triển cây tỏi trên vùng đất xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) là ông Bùi Lưu. Những ngày này, ông Lưu “một cảnh hai quê”, vừa canh tác cây tỏi tại xã Ninh Sơn vừa chạy về xã Ninh Phước để tiếp tục nghề biển. Ông Lưu chia sẻ: Cây tỏi có thể phát triển được ở nhiều nơi, ngay cả đất đồi, nếu có gió biển càng tốt.
Tuy con người có thể cải tạo, sử dụng các yếu tố vi lượng để làm tăng chất lượng, hương vị củ tỏi, nhưng nếu không có nước tốt thì khó làm được. Vùng đất Ninh Sơn có lợi thế là dùng nước từ lòng hồ Đá Bàn, chất lượng nước tốt nên có thể trồng được cây tỏi.
Lợi nhuận thuyết phục
Ông Trần Trung Tiến (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng) - một trong những người dân sở tại học tập mô hình trồng tỏi của ông Bùi Dân đã thu được thành công đáng kể. Ông Tiến cho biết, năm 2010, khi ông Dân đưa cây tỏi vào trồng, người dân rất bỡ ngỡ, nhưng sau đó thấy có hiệu quả nên nhiều người làm theo.
Ông Tiến đã áp dụng cách canh tác của ông Dân với diện tích 0,5ha, 1 năm sản xuất 3 vụ. Tuy luân canh các loại cây trồng khác nhưng cây tỏi vẫn là chủ lực. Kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng/ha (không tính tiền mua đất). Lợi nhuận thu được thấp nhất cũng 200 triệu đồng/ha…
Ông Phan Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Vạn Hưng nhận định, mô hình trồng tỏi xen canh hoa màu của ông Dân cho hiệu quả thuyết phục, lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng/ha. Hiện nay, tại thôn Xuân Đông đã có 20 hộ, thực hiện theo mô hình này với diện tích 12ha và hiện vẫn đang tiếp tục phát triển.
Đến nay, HND xã đã thành lập tổ liên kết cây tỏi với 16 hộ tham gia. Hội đã tạo điều kiện để nông dân vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển diện tích. Còn theo ông Trần Văn Quới - Chủ tịch HND xã Ninh Sơn, HND xã đánh giá rất cao mô hình này. Hiện nay, ở xã đã có 5 hộ học cách làm trên.
Có thể nói, mô hình trồng tỏi trên đất đồi, luân canh trồng hoa màu đã đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Mô hình này cần được ngành chức năng và các địa phương quan tâm nhân rộng nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Tại Hội nghị tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ sáng 27/6, báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đến nay việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố trong 3 năm qua.

Tại một số quận huyện như: Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền… lúa tươi IR50404 vụ thu đông 2014 được nhiều nông dân bán ngay tại ruộng cho thương lái ở mức 4.700-4.800 đồng/kg, còn lúa đã phơi sấy khô ở mức: 5.100-5.500 đồng/kg, tùy điều kiện giao thông. Nhiều loại lúa tươi hạt dài đang có giá 4.900- 5.100 đồng/kg; lúa phơi sấy khô có giá 5.800-5.900 đồng/kg.

Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn nổi tiếng cả nước. Năm 2013 cam sành Hàm Yên đã được vinh danh và lọt vào Top 10 loại trái cây bậc nhất Việt Nam. Để giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, toàn huyện đã và đang có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hơn 10 năm qua, cây ca cao có bước phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân. Song, cũng như các loại cây trồng khác, việc phát triển trong giai đoạn đầu trải qua không ít khó khăn, cần rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển bền vững cây trồng này trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát (Bình Dương) cho biết, nghề nuôi chim cút tại khu phố phát triển mạnh khoảng 4 năm trở lại đây. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, khu phố đã thành lập Tổ chăn nuôi chim cút và nhận được sự hưởng ứng của các hộ chăn nuôi.