Đa Dạng Cây Trồng, Vật Nuôi Hướng Xóa Đói, Giảm Nghèo Ở Đắk Drông
Những năm qua, bằng nhiều cách làm khác nhau, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đắk D’rông (Chư Jút) đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa cây, đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một diện tích canh tác.
Gia đình ông Vũ Quang Huy ở thôn 14 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu và 1 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày; hàng năm, luôn có mức thu nhập từ 600 triệu đồng trở lên. Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo ông Huy thì đối với tiêu, nếu như trước đây thường có tâm lý bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan thì nay, cách làm của gia đình đã khác.
Theo đó, đối với cây tiêu, ông không bón phân với số đợt cũng như mỗi lần bón nhiều, mà chỉ cần vừa đủ, nhất là về chủng loại phân. Trong đó, tiêu hợp hơn đối với các loại phân vi sinh, sinh học vì nó có đặc điểm như dễ tan, cây dễ hấp thụ, tạo tơi xốp đất. Trong quá trình làm cỏ, ông đặc biệt không làm cho rễ bị đứt nhiều, không để cây bị úng nước vào mùa mưa.
Đối với diện tích đất trồng cây ngắn ngày như ngô, các loại đậu, ông từ bỏ thói quen để giống từ năm này qua năm khác mà mùa nào sản xuất thì mua giống mới ở các địa chỉ cung ứng uy tín. Trong đó, ông cũng thực hiện việc luân canh trồng đậu phộng, trồng ngô, đậu xanh nên luôn cho mức năng suất khá cao.
Ông Huy cho biết thêm: “Các giống đậu của địa phương, những năm trước thường chỉ cho năng suất khoảng vài tấn mỗi héc ta nhưng với các giống mới, năng suất tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Điển hình như vụ hè thu vừa qua, năng suất ngô của gia đình đạt trên 6 tấn/ha”.
Còn gia đình ông Trần Văn Lục ở thôn 13 lại chú trọng phát triển kinh tế bằng việc nuôi ong lấy mật, cho biết: “Nuôi ong thật ra không khó nhưng cũng không phải dễ, người nuôi phải hiểu được đặc tính của từng đàn ong để có chế độ chăm sóc hợp lý, trong đó, quan trọng nhất là phải biết đảm bảo nhiệt độ theo mùa cũng như dinh dưỡng đầy đủ thì ong mới sản sinh ra lượng mật lớn.
Việc nuôi ong của gia đình cũng tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào từ phấn hoa của các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày trên địa bàn như ngô, cà phê, điều, cây ăn quả. Với gần 1.500 thùng ong, hàng năm, tôi luôn có mức thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên”.
Theo ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông thì đa dạng hóa cây trồng vật nuôi chính là hình thức sản xuất mà xã đang đẩy mạnh việc vận động, hỗ trợ cho nhân dân mở rộng gắn với việc kết hợp triển khai các chương trình dự án khác nhau nhằm giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Theo thống kê, đến tháng 11/2014, xã có gần 7.000 ha đất trồng lúa, ngô, đậu và hơn 1.000 ha đất trồng cây lâu năm, sản lượng cây lương thực có hạt đạt 100% kế hoạch đề ra, tương đương với gần 17.000 tấn, tổng đàn vật nuôi trên 45.000 con.
Với sự đa dạng đó, hiện nay, người nông dân không còn quá phụ thuộc vào thu nhập của một loại cây, con nào đó, tránh dần tình trạng được mùa mất giá. Bằng việc áp dụng các giống mới, kỹ thuật tiên tiến, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã đã và đang được bà con khai thác một cách có hiệu quả.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/da-dang-cay-trong-vat-nuoi-huong-xoa-doi-giam-ngheo-o-dak-d-rong-35803.html
Có thể bạn quan tâm
Về mặt hàng có giá trị xuất khẩu nhiều nhất, Bộ Công thương nêu trong bảy tháng qua, tuy kim ngạch xuất khẩu máy tính linh kiện điện tử của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 18,55% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng đây vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này, kim ngạch đạt 1,08 tỉ USD, cũng là mặt hàng duy nhất có kim ngạch trên 1 tỉ USD.
Trung Quốc vừa tạm ngưng nhập khẩu gạo VN theo đường tiểu ngạch, nhưng theo các chuyên gia việc này không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu lúa gạo của VN.
Toàn tỉnh Đác Lắc hiện có hơn 1.100 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường kiểm tra, phát hiện nhiều vụ kinh doanh phân bón giả, vi phạm về nhãn mác hàng hóa... Năm 2013, qua kiểm tra 17 đại lý kinh doanh đã phát hiện 12 vụ vi phạm, tịch thu gần 30 tấn phân bón, tiến hành xử phạt hành chính 74 triệu đồng.
Gà J-DABACO vừa giữ được phẩm chất thịt thơm ngon của gà ri truyền thống, có ngoại hình đẹp (mào cờ, lông ôm gọn, lông đỏ mầu mận chín, chân nhỏ vàng), lại vừa tăng trọng khá nhanh. Chỉ cần nuôi trong khoảng thời gian từ 90 ngày đến 105 ngày, gà trống có thể đạt 2,5 - 2,7 kg; gà mái từ 2,0 đến 2,1 kg, với mức tiêu tốn từ 2,7 đến 2,8 kg thức ăn/kg tăng trọng.
Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã dồn được 10.600 ha (đạt 96,5% diện tích) chiếm 13% kế hoạch DĐĐT của toàn thành phố Hà Nội. Kết quả đáng khích lệ này đã và đang tạo động lực để huyện Chương Mỹ sớm đạt bộ tiêu chí chuẩn NTM.