Dồn Lực Cánh Đồng Lớn
Là doanh nghiệp XK gạo lớn nhất Việt Nam, TCty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đang tích cực đẩy mạnh xây dựng mô hình cánh đồng lớn (CĐL).
Mục đích để chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, tăng hiệu quả XK gạo và lợi nhuận cho nông dân.
Việc tiêu thụ và XK gạo của Việt Nam nói chung và Vinafood 2 nói riêng trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, nhất là chịu áp lực cạnh tranh từ các nước XK gạo cả về phân khúc gạo cấp cao và phân khúc gạo cấp thấp.
Do đó, XK gạo của cả nước và của riêng Vinafood 2 tuy có tăng về lượng nhưng lại đang giảm dần về giá trị.
Nguyên nhân chính là gạo Việt Nam không có thương hiệu mà chất lượng lại thấp. Mặc khác, các DN kinh doanh XK gạo của Vinafood 2 chưa chủ động được chân hàng, nguồn hàng, nên luôn ở thế bị động, gặp khó khăn khi thực hiện hợp đồng XK. Từ đó, dẫn đến việc cả DN và nông dân chịu nhiều rủi ro vì sự biến động của thị trường thế giới.
Chính vì thế, Vinafood 2 đã quyết tâm đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết SX, xây dựng hàng loạt CĐL, nhằm tạo ra nhiều vùng nguyên liệu với số lượng lớn và các cấp chất lượng để tạo chân hàng, nguồn hàng ổn định, chủ động đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường khó tính.
Đồng thời, cũng góp phần vào việc tổ chức lại SX lúa hàng hóa, giúp nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng.
Công việc này cũng nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao giá trị hạt gạo, giá trị gia tăng, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo quốc gia nói chung và Vinafood 2 nói riêng để từng bước tăng giá trị kim ngạch XK.
Vinafood 2 hiện đã bắt tay hợp tác với nhiều đơn vị, DN cùng tham gia vào CĐL. Theo đó, Vinafood 2 đã thực hiện hợp tác chiến lược với Viện Lúa ĐBSCL cung ứng nguồn lúa giống, phục tráng giống, nhất là chọn lọc giống lúa thơm, đặc sản, tiến tới xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu gạo Vinafood 2.
Hợp tác chiến lược với TCty Phân bón & hóa chất dầu khí (PVFCCo), cung ứng phân bón các loại phục vụ CĐL.
Trong thời gian tới, Vinafood 2 sẽ chuyển Cty Lương thực Sông Hậu thành Cty cổ phần, thực hiện thêm chức năng kinh doanh và cung ứng phân bón, thuốc BVTV phục vụ cho phát triển CĐL của toàn TCty theo mục tiêu kế hoạch đề ra.
Về phương thức thu mua, TCty triển khai thu mua tại địa bàn SX và thu mua theo giá thị trường tại thời điểm, với hình thức thu mua linh hoạt đối với lúa khô và lúa tươi theo tiêu chuẩn chất lượng hợp đồng. Khuyến khích nông dân vận chuyển lúa về kho DN để cân, DN sẽ hỗ trợ bao đựng lúa và chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, Vinafood 2 thực hiện liên kết ngang với các Cty TNHH Hóa Nông Hợp Trí, Cty CP Khử trùng Nam Việt... cung ứng thuốc BVTV; hợp tác với các DN, trung tâm, cơ sở SX trên địa bàn các tỉnh cung ứng lúa giống.
Ngoài ra, Vinafood 2 còn xây dựng phương án liên kết chuỗi gắn với lực lượng thương lái, chủ lò sấy, nhà máy xay để thu mua, vận chuyển, sấy lúa, xay xát chế biến lúa, gạo, nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia vào các CĐL trong điều kiện nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật của các Cty thành viên còn nhiều hạn chế.
Đồng thời, liên kết với ngân hàng phát triển nhà hỗ trợ vốn tín dụng để thực hiện chuỗi liên kết ngắn nói trên.
Đến nay, Vinafood 2 đã ban hành phương án xây dựng CĐL năm 2015 của TCty và đang phối hợp với chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL triển khai thực hiện.
Đồng thời Vinafood 2 đã tiến hành lập dự án CĐL giai đoạn 2015-2020, trình Bộ NN-PTNT phê duyệt trong tháng 11/2014. Theo đó, Vinafood 2 phấn đấu năm 2015 đạt 50.000 ha CĐL; đến năm 2020 diện tích CĐL của TCty phấn đấu đạt 20% so tổng diện tích vùng ĐBSCL (800.000/4.000.000 ha).
Vinafood 2 đã chỉ đạo các Cty thành viên ở ĐBSCL lập phương án xây dựng CĐL của từng đơn vị năm 2015 và giai đoạn 2015-2020.
Các Cty thành viên của Vinafood 2 đã và đang phối hợp với Sở NN-PTNT và chính quyền địa phương ở ĐBSCL tiến hành quy hoạch và chọn vùng SX CĐL ở địa bàn các xã.
Các Cty cũng tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức là xây dựng CĐL vì mục tiêu đảm bảo lợi ích, tăng thu nhập cho nông dân, từ đó vận động nông dân tham gia liên kết SX.
Việc liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm tại CĐL với tổ chức đại diện nông dân hoặc nông dân, được thực hiện theo 3 phương thức: Phương thức 1 là có đầu tư ứng trước đầu vào lúa giống xác nhận, vật tư nông nghiệp cho nông dân. Phương thức 2 chỉ đầu tư lúa giống xác nhận. Phương thức 3 là tiêu thụ sản phẩm (không đầu tư).
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/don-luc-canh-dong-lon-post134721.html
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, Bình Dương) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.
Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.
Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.
Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.