WTO Ra Phán Quyết Với 7 Nội Dung Có Lợi Cho Tôm Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 17-11, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức công bố các phán quyết cuối cùng của Ban hội thẩm (Panel) đối với các khiếu kiện của Việt Nam liên quan đến việc Mỹ áp thuế chống phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam (vụ kiện tôm DS/429).
Ban hội thẩm đã xem xét 11 nội dung trong khiếu kiện của Việt Nam và đưa ra phán quyết với 7 nội dung có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.
Phán quyết vừa mới công bố của WTO trong vụ DS/429 đã làm rõ nhiều vấn đề pháp lý mà các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên gặp phải trong thủ tục điều tra và áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Hồi tháng Chín, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả chính thức đợt rà soát hành chính lần thứ 8 về thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó mức thuế được công bố là cao bất thường và giữ nguyên mức thuế suất toàn quốc 25,76% như trong bảy lần trước đó.
Cách đó một năm, cũng chính DOC tuyên bố các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá và đưa ra mức thuế 0% đối với các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện.
Năm ngoái, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã đề nghị lập Ban hội thẩm về vụ kiện tôm DS/429 đối với Mỹ và đã được Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) chấp thuận.
Tiếp đó, phái đoàn Việt Nam yêu cầu kiểm điểm tình hình thi hành phán quyết của DSB trong vụ kiện tôm DS/404 cũng về việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tôm của Việt Nam.
Song song với đó, Việt Nam chính thức gửi yêu cầu tham vấn 3 nội dung trong vụ kiện chống bán phá giá tôm, gồm phương pháp quy về 0 (zeroing), thuế suất toàn quốc và vấn đề chọn mẫu.
Trong vụ viện DS/404, Ban hội thẩm đã ra phán quyết ủng hộ 2 trong 3 vấn đề chính mà Việt Nam đưa ra, đồng thời khuyến nghị chính phủ Mỹ điều chỉnh các quy định phù hợp với Hiệp định chống bán phá giá của WTO cũng như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994).
Theo Ban hội thẩm, việc Mỹ sử dụng phương pháp zeroing trong vụ tôm xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với quy định của WTO, do đó Mỹ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này.
Kể từ khi tiến hành vụ kiện DS/404 đến nay, phái đoàn Việt Nam đã và đang tiếp tục yêu cầu Mỹ nghiêm túc tuân thủ phán quyết, sửa đổi luật của Mỹ liên quan đến cách tính biên độ chống bán phá giá, trao đổi làm rõ việc thực hiện các thủ tục của Mỹ liên quan đến điều tra chống bán phá giá đối với những mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam, đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong vụ kiện DS/404.
Nguồn bài viết: http://www.vietnamplus.vn/wto-dua-phan-quyet-voi-7-noi-dung-co-loi-cho-tom-viet-nam/291885.vnp
Có thể bạn quan tâm
Đối tượng nuôi chủ yếu được bà con lựa chọn là tôm bởi vì con tôm ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nó còn là một trong bốn đối tượng nuôi được quy hoạch trong ngành Thuỷ sản với hình thức nuôi đa dạng, nuôi bán thâm canh và nuôi thâm canh có sử dụng chế phẩm sinh học theo hướng nuôi công nghiệp.
Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi với các giống vật nuôi mới như nuôi rắn mối, thỏ, ếch, cá thát lát Thái Lan… đặc biệt trong đó là mô hình nuôi bồ câu Pháp.
Thông tin Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ việc nhập khẩu xoài, thanh long từ Việt Nam được nêu lên trong chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua đã khiến nhiều nhà vườn trồng xoài ở Đồng Nai khấp khởi mừng. Điều này được nhìn nhận như một cơ hội tốt để xoài Đồng Nai có đầu ra ổn định.
Ruộng mía ở các xã Lương Bình, Lương Hòa, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức của huyện Bến Lức (Long An) đang vào mùa thu hoạch và người trồng vô cùng lo lắng vì giá mía xuống quá thấp.
Nhiều nông dân TP.HCM đã bắt đầu đột phá vào công nghệ cao như: Nhà kính, hệ thống tưới phun sương..., thậm chí sẽ đầu tư vào công nghệ sinh học.