Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Luân Canh Cây Tỏi Và Hoa Màu Trên Đất Đồi Mang Lại Hiệu Quả Cao

Trồng Luân Canh Cây Tỏi Và Hoa Màu Trên Đất Đồi Mang Lại Hiệu Quả Cao
Publish date: Thursday. August 29th, 2013

Sau khi có quyết định giải tỏa để xây dựng Tổ hợp nhiệt điện Vân Phong, từ năm 2009, nông dân xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã chủ động tìm kiếm vùng đất mới để phát triển cây tỏi. Nhiều vùng đất đồi, trồng cây kém hiệu quả đã được tận dụng và trở thành vùng chuyên canh cây tỏi đem lại lợi nhuận cao.

Đưa cây tỏi lên đồi

Trước đây, nếu vùng đất đồi tại khu Hòn Quải (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) hay Hòn Bộp (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) chỉ canh tác những cây trồng kém hiệu quả như keo, bạch đàn thì nay đã phủ xanh bởi những ruộng tỏi, đậu phụng, dưa hấu... Chính những cư dân xã Ninh Phước (gốc Lý Sơn - Quảng Ngãi) đã đem cây tỏi trồng tại những khu vực này.

Tại thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng), nhiều người cho biết, ông Bùi Dân (xã Ninh Phước) là người khởi sự trồng tỏi trên vùng đất này. Gặp chúng tôi, ông Dân tâm sự: “Sau khi tỉnh có quyết định giải tỏa để xây dựng nhà máy nhiệt điện, không còn đất, buộc tôi phải chủ động tìm kiếm vùng đất mới, phù hợp để sản xuất tỏi.

Qua tìm hiểu, ngoài xã Ninh Phước và Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) có khí hậu biển, có loại cát thích hợp để trồng tỏi thì vùng đất thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) cũng tương tự. Mặt khác, thôn Xuân Đông có thể lấy nước từ hồ Đá Bàn để phát triển cây tỏi. Thế là tôi quyết định mua đất và xúc tiến việc trồng tỏi tại đây”.

Với những kinh nghiệm có được, ông Dân tiến hành cải tạo, san ủi mặt bằng, lắp đặt hệ thống tưới... Chẳng bao lâu, ruộng tỏi 5.000m2 của ông đã phủ màu xanh trù phú. 1 năm sản xuất luân canh 3 vụ gồm: Trồng tỏi từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 âm lịch (ÂL); đậu phụng, rau các loại từ tháng 2 đến tháng 5 ÂL; từ tháng 6 đến tháng 8 ÂL trồng đậu phụng hay hoa màu khác. Ông Dân nhận định, chất lượng tỏi ở thôn Xuân Đông, Vạn Hưng cũng giống như ở xã Ninh Phước, năng suất cao hơn và chưa phát hiện sâu bệnh. Sản xuất 3 vụ luân canh có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Tuy vậy, để đất trồng tỏi ổn định phải mất ít nhất 6 - 7 năm.

Một cư dân gốc Lý Sơn khác cũng đang phát triển cây tỏi trên vùng đất xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) là ông Bùi Lưu. Những ngày này, ông Lưu “một cảnh hai quê”, vừa canh tác cây tỏi tại xã Ninh Sơn vừa chạy về xã Ninh Phước để tiếp tục nghề biển. Ông Lưu chia sẻ: Cây tỏi có thể phát triển được ở nhiều nơi, ngay cả đất đồi, nếu có gió biển càng tốt.

Tuy con người có thể cải tạo, sử dụng các yếu tố vi lượng để làm tăng chất lượng, hương vị củ tỏi, nhưng nếu không có nước tốt thì khó làm được. Vùng đất Ninh Sơn có lợi thế là dùng nước từ lòng hồ Đá Bàn, chất lượng nước tốt nên có thể trồng được cây tỏi.

Lợi nhuận thuyết phục

Ông Trần Trung Tiến (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng) - một trong những người dân sở tại học tập mô hình trồng tỏi của ông Bùi Dân đã thu được thành công đáng kể. Ông Tiến cho biết, năm 2010, khi ông Dân đưa cây tỏi vào trồng, người dân rất bỡ ngỡ, nhưng sau đó thấy có hiệu quả nên nhiều người làm theo.

Ông Tiến đã áp dụng cách canh tác của ông Dân với diện tích 0,5ha, 1 năm sản xuất 3 vụ. Tuy luân canh các loại cây trồng khác nhưng cây tỏi vẫn là chủ lực. Kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng/ha (không tính tiền mua đất). Lợi nhuận thu được thấp nhất cũng 200 triệu đồng/ha…

Ông Phan Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Vạn Hưng nhận định, mô hình trồng tỏi xen canh hoa màu của ông Dân cho hiệu quả thuyết phục, lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng/ha. Hiện nay, tại thôn Xuân Đông đã có 20 hộ, thực hiện theo mô hình này với diện tích 12ha và hiện vẫn đang tiếp tục phát triển.

Đến nay, HND xã đã thành lập tổ liên kết cây tỏi với 16 hộ tham gia. Hội đã tạo điều kiện để nông dân vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển diện tích. Còn theo ông Trần Văn Quới - Chủ tịch HND xã Ninh Sơn, HND xã đánh giá rất cao mô hình này. Hiện nay, ở xã đã có 5 hộ học cách làm trên.

Có thể nói, mô hình trồng tỏi trên đất đồi, luân canh trồng hoa màu đã đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Mô hình này cần được ngành chức năng và các địa phương quan tâm nhân rộng nhằm tăng thu nhập cho người dân.


Related news

Hộ nghèo trồng rừng được hỗ trợ thế nào Hộ nghèo trồng rừng được hỗ trợ thế nào

Bạn đọc Hoàng Văn Sơn (Lai Châu) hỏi: Mới đây Nhà nước có chính sách hỗ trợ hộ nghèo tham gia trồng rừng. Đề nghị cho biết đối tượng nào được hỗ trợ; hỗ trợ những gì, mức hỗ trợ ra sao?

Saturday. October 3rd, 2015
Lợi ích lớn từ mô hình 3 giảm, 3 tăng Lợi ích lớn từ mô hình 3 giảm, 3 tăng

Giảm chi phí trong sản xuất, áp dụng những kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa cho bà con nông dân (ND) là mục đích của dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI.

Saturday. October 3rd, 2015
Xây dựng thương hiệu gạo Việt là quá trình lâu dài Xây dựng thương hiệu gạo Việt là quá trình lâu dài

"Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm của cả Chính phủ, các cơ quan, địa phương liên quan và của doanh nghiệp, người nông dân”- Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh

Saturday. October 3rd, 2015
Vụ khởi kiện gà Mỹ bán phá giá chi phí có thể tới 10 tỷ đồng Vụ khởi kiện gà Mỹ bán phá giá chi phí có thể tới 10 tỷ đồng

“Với việc Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ chuẩn bị các bước để khởi kiện Mỹ bán phá giá gà tại Việt Nam, đây có thể coi là lần đầu tiên các đơn vị của Việt Nam đi kiện Mỹ bán phá giá” – ông Phạm Anh Tuấn - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản chia sẻ với NTNN.

Saturday. October 3rd, 2015
Vụ gà Mỹ bán phá giá tại Việt Nam cục quản lý cạnh tranh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi kiện Vụ gà Mỹ bán phá giá tại Việt Nam cục quản lý cạnh tranh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi kiện

Chiều 1.10, ông Tô Thái Ninh- Phó phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương) cho biết:

Saturday. October 3rd, 2015