Triển Vọng Của Cây Thanh Long Trên Đất Thành Phố Thái Nguyên
“Trước đây, cả vạt đồi trước nhà gia đình tôi trồng mơ, vải, rồi chuyển sang quất. Nhưng các loại cây trên đều thu hoạch theo mùa vụ, được mùa thì lại rớt giá. Tôi đang loay hoay nên chuyển đổi sang trồng cây gì thì được cán bộ khuyến nông của xã đã tư vấn trồng cây Thanh Long.
Khi cây Thanh Long phát triển tốt, tôi vẫn còn lo lắng vì nghĩ cây này chỉ phù hợp với vùng đất miền Trung. Nhưng sau hai thu hoạch, tôi thấy tiếc vì đã không sớm chuyển đổi trồng loại cây này”. Đó là chia sẻ của anh Trần Chí Nghĩa, xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên.
Được biết, gia đình anh Nghĩa đưa cây Thanh Long vào trồng từ năm 2009, theo dự án do Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên hỗ trợ. Hiện nay, gia đình anh có 160 trụ Thanh Long. Sản lượng năm đầu tiên gia đình anh thu được 1 tấn. Năm nay, anh thu được 2 tấn, với giá bán bình quân tại nhà từ 25-30 nghìn/kg. Ngoài ra, anh còn bán hom giống cho các hộ trong và ngoài tỉnh với giá 10 nghìn đồng/hom.
Như vậy chỉ tính riêng tiền bán Thanh Long và giống cây 1 năm, anh thu trên 50 triệu đồng. Theo anh Nghĩa, so với đầu tư các loại cây ăn quả khác trên cùng diện tích thì hiệu quả kinh tế mà cây Thanh Long mang lại gấp từ 3-4 lần, trong khi đó kỹ thuật chăm sóc đơn giản, ít sâu bệnh.
Trao đổi cùng chúng tôi, kỹ sư Mã Quốc Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên cho biết: Không phải ngẫu nhiên chúng tôi triển khai mở rộng Dự án khoa học “Phát triển cây Thanh Long trên đất vườn đồi T.P Thái Nguyên”.
Năm 2009, được sự hỗ trợ của UBND thành phố, Trạm Khuyến nông triển khai thí điểm trồng cây Thanh Long ruột trắng và ruột đỏ trên đất vườn đồi tại một số xã như xã Quyết Thắng, Cao Ngạn, Lương Sơn, Phúc Trìu, Phúc Xuân với diện tích 2,5ha. Sau 3 năm, qua thu hoạch, sản lượng đạt 600-800kg/sào/năm. Theo đánh giá của các hộ dân tham gia dự án, đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao, đủ điều kiện nhân ra diện rộng.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cho việc trồng mới cây Thanh Long còn cao nên nhiều bà con không có điều kiện chuyển đổi và nhân rộng. Để giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mở rộng diện tích trồng Than Long, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, từ kết quả trên, năm 2011, Trạm đã xây dựng Dự án “Phát triển cây Thanh Long trên đất vườn đồi T.P Thái Nguyên”.
Dự án triển khai trong 3 năm từ 2011 đến 2014 với tổng kinh phí trên 462 triệu đồng. Lần này, giống Thanh Long được đưa vào trồng là giống ruột đỏ, đây là sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đã có 30 hộ dân của 3 xã Lương Sơn, Quyết Thắng và Cao Ngạn được chọn tham gia với quy mô 2ha.
Các hộ tham gia dự án được Nhà nước hỗ trợ 60% giá giống và 40% vật tư (bao gồm trụ xi măng và phân bón). Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn về cách chọn giống, đất đai, thời vụ, mật độ trồng, cách làm trụ đỡ; kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản; được đi tham quan mô hình trồng Thanh Long tại xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cùng chị Ngô Thị Mai Hương, cán bộ Trạm Khuyến nông đến thăm mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ của gia đình bác Dương Đình Bộ, xóm Pha, xã Lương Sơn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khu vườn được trồng rất quy cách. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn Thanh Long đang tỏa đầy cành, nhánh tràn đầy sức sống, bác Bộ nói: “Tôi là lính, rời quân ngũ về gia đình chỉ biết cuốc đất, lật cỏ tìm loại cây trồng tốt để nâng cao thu nhập cho gia đình. Gia đình tôi cũng đã trồng nhiều cây ăn quả như vải, nhãn, hồng, giờ cây Thanh Long, tôi thấy tâm đắc nhất.
Ngoài giá trị kinh tế cao, đây là loại cây rất ít nhiễm sâu bệnh, gần như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo an toàn về sức khỏe cả người trồng đến người sử dụng. Trung bình một năm, cây Thanh Long cho thu hoạch 12 lứa. Hạch toán kinh tế giữa cây Thanh Long và cây vải thiều được 5 năm tuổi cho thấy có sự khác biệt lớn.
Thanh Long sau 3 năm trồng bắt đầu cho thu hoạch trái, đến năm thứ 5 cho năng suất tương đối ổn định, thu lãi khoảng 408 triệu đồng/ha, cây vải thiều đến năm thứ 5 cũng cho thu lãi chỉ khoảng 266 triệu/ha. Ngoài ra, Thanh Long có thời gian thu quả dài, nhiều lứa trong năm nên tránh được tình trạng trượt giá, việc tiêu thụ dễ dàng hơn rất nhiều so với vải.
Được biết từ quy mô ban đầu 180 hốc, bác Bộ đã mở rộng quy mô lên 500 gốc. Năm nay, đã có 250 gốc cho quả với sản lượng trên 2 tấn, với giá bán bình quân tại vườn 40 nghìn đồng/kg, bác thu về trên 80 triệu đồng, cộng với tiền bán giống cây, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trừ chi phí như phân bón, công lao động, bác tiết kiệm được khoảng 80 triệu đồng.
Với ưu điểm nổi bật là thơm, ngọt đậm và đẹp mắt, Thanh Long trồng tại địa bàn T.P Thái Nguyên đang được thị trường ưa chuộng. Người dân không phải mang đi chợ bán mà các thương lái vào tận vườn mua, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhiều nông dân trên địa bàn rất mong mô hình tiếp tục được triển khai và nhân rộng để thay thế dần những loại cây có giá trị kinh tế thấp.
Có thể bạn quan tâm
Trên cở sở học tập kinh nghiệm từ mô hình đã cho hiệu quả tại tỉnh Bình Thuận, Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Ninh Hải đã triển khai thí điểm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hải. Tuy bước đầu được trồng thí điểm trên diện tích 3 sào với 5 hộ tham gia, thế nhưng do hiệu quả cao hơn so với cây trồng khác nên thanh long ruột đỏ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người dân địa phương.
Năm 2000 tổ hợp tác góp vốn làm ăn tập thể theo khả năng của từng hộ, vì vốn ít, sản xuất muối bình thường nên nguồn thu không cao. Năm 2010 Tổ hợp tác xã Hiệp Phát với 8 thành viên tham gia góp hơn 4 tỉ đồng để sản xuất 8 ha muối trải bạt.
Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ trồng táo xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Với nụ cười rạng rỡ, tay bắt mặt mừng, ông Nguyễn Phế, Chủ nhiệm CLB lại thông báo thêm một tin vui: “Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, ngày 9-8 vừa qua, chúng tôi đã thành lập HTX trồng táo Mỹ Khánh, với sự tham gia của 20 xã viên vốn là các thành viên của CLB trồng táo trước đây, với tổng diện tích trồng táo là 13 ha”.
Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình trồng bắp lai thương phẩm, đến nay người dân xã Phước Đại (Bác Ái) đã thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế đạt cao.
Vụ mùa năm nay, gia đình anh nuôi 1,7 sào ốc hương. Sau 5 tháng, anh thu hoạch hơn 2 tấn ốc, trị giá gần 200 triệu đồng. Anh thu hoạch ốc bằng máy hút ốc, tránh được thất thoát từ 30- 40% và giảm được công lao động. Đây là một mô hình mới thu hoạch ốc hương bằng việc đưa cơ giới vào sản xuất góp phần phát triển nông thôn mới.