Triển Vọng Cho Sản Xuất Lúa Hàng Hóa

Sau 3 năm triển khai Chương trình sản xuất lúa hàng hóa, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất quy mô lớn.
Điều đáng nói là, sau 3 năm triển khai Chương trình, một số giống lúa chất lượng cao đã được khẳng định, trở thành giống cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Khẳng định năng suất, chất lượng
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ nhiệm HTX Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ cho biết, HTX có 600ha đất tự nhiên, trong đó có 340ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cấy lúa. Qua 2 vụ đưa giống Nếp vàng 1 vào gieo cấy, năng suất và chất lượng lúa cao hơn hẳn, đạt gần 60 tạ/ha.
Vì vậy, vụ xuân 2014, HTX đã đưa vào sản xuất 100ha giống lúa này. Theo ông Khoa, giống lúa Nếp vàng 1 có thời gian sinh trưởng ngắn, do vậy tránh được các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn chế sâu bệnh. Đặc biệt, người dân rất phấn khởi khi vụ xuân 2014, HTX đưa 10ha vào cấy thử mạ khay máy cấy, kết quả lúa phát triển tốt, kháng được bệnh đạo ôn, dự kiến năng suất đạt 61 tạ/ha.
Không chỉ HTX Phụng Thượng, tại các huyện Phúc Thọ, Tại các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Thường Tín, Mỹ Đức, đại diện các HTX đều khẳng định, các giống lúa đưa vào chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã cho năng suất và chất lượng ổn định, có giá bán trên thị trường cao, được người tiêu dùng lựa chọn.
Theo đó, ngoài việc đề nghị TP tiếp tục cho triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa, các địa phương cũng đề nghị TP tăng mức hỗ trợ giống cho người dân tham gia chương trình lên 100% (TP đang thực hiện hỗ trợ 50%).
Tiếp tục mở rộng diện tích
Theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, vụ xuân 2014, Trung tâm đã xây dựng được 30 điểm mô hình, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 30 xã của 11 huyện ngoại thành với quy mô 2.980ha, với tổng số 19.148 hộ nông dân tham gia sản xuất.
Các giống lúa được đưa vào gồm 6 giống lúa: Bắc thơm số 7, T10, Nàng xuân, Hương thơm số 1, Nếp vàng 1 và Nếp BM9603. Để giúp các địa phương thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, Trung tâm đã tổ chức 30 lớp tập huấn tại 30 xã của 11 huyện ngoại thành về cơ chế chính sách, định mức hỗ trợ và phổ biến kỹ thuật quản lý, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao như kỹ thuật ngâm ủ, chăm sóc mạ, kỹ thuật cấy và chăm sóc sau khi cấy…
Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 195 tấn thóc giống các loại, đảm bảo đúng thời gian, chất lượng theo quy định. Đến nay, các diện tích gieo cấy đều phát triển tốt, dự kiến, năng suất bình quân đạt 51 - 54 tạ/ha. Sản lượng đạt 15.794 - 16.390 tấn.
Với giá bán trung bình 10 triệu đồng/tấn, dự kiến giá trị sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao vụ xuân đạt hơn 156 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế đạt 64 tỷ đồng, tăng hơn so với sản xuất lúa thường (Khang dân) là 35,5 tỷ đồng.
Để Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tiếp tục phát triển, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng kế hoạch sản xuất cho vụ mùa 2014. Theo đó, Trung tâm đã xây dựng 25 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 11 huyện ngoại thành Hà Nội, quy mô 2.705ha với 9 giống lúa.
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ này, ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Trung tâm phối hợp chặt chẽ với phòng kinh tế của các huyện để triển khai, giám sát thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, nông dân hiểu được mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của chương trình, từ đó xây dựng nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội.
Đối với ý kiến của các địa phương về việc tăng mức hỗ trợ cho nông dân trong chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết sẽ tiếp thu và báo cáo UBND TP.
Các giống lúa được đưa vào chương trình đều sinh trưởng, phát triển tốt nên đề nghị, ngành nông nghiệp TP tiếp tục cho triển khai gieo cấy các giống lúa này.Bà Hoàng Thị Tuyết Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ.
Có thể bạn quan tâm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện số 1846/CĐ-BNN-TT ngày 3/3/2015 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Bắc về việc chỉ đạo chăm sóc lúa vụ Đông Xuân 2014-2015 các tỉnh phía Bắc trong điều kiện thời tiết ấm.

Tính đến hết quý IV năm 2014 toàn tỉnh có trên 777 nghìn con lợn; sản lượng thịt hơi đạt 98.506,2 tấn; đàn gia cầm đạt 11.514 nghìn con; trong đó đàn gà 9.839,2 nghìn con; sản lượng thịt hơi gia cầm đạt 23.505,2 tấn; tổng đàn bò đạt 96.127 con; trong đó, bò lai 60.889 con, sản lượng thịt hơi đạt 5.701,8 tấn; tổng đàn trâu đạt 71.587 con, sản lượng thịt hơi đạt 3.763,4 tấn.

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 35 nghìn ha lúa chiêm xuân, đạt hơn 98% kế hoạch. Sau gieo cấy thời tiết nắng ấm nên các trà lúa sinh trưởng và phát triển nhanh, hiện đang giai đoạn hồi xanh và đẻ nhánh. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa đang bị thiếu nước dưỡng; một số diện tích đã hồi xanh nhưng chưa được bón thúc lần 1.

Vừa qua, huyện Hạ Hòa tổ chức phát động Tết trồng cây năm 2015. Phát biểu tại buổi lễ phát động, lãnh đạo UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức thực hiện tốt trồng cây phân tán, trồng rừng, trồng cây xanh đô thị để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo nên các khu rừng cảnh quan, rừng sinh thái, góp phần phát triển kinh tế đồi rừng, đồng thời bảo vệ, cải thiện môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Năm 2015 huyện Hạ Hòa phấn đấu trồng mới 16.000 cây phân tán và 10ha rừng.

Trong lần về xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) mới đây, tôi được một người quen hồ hởi cho biết: Bây giờ nhà chỉ còn một thửa ruộng với diện tích hơn một mẫu! Thấy tôi bán tin, bán nghi anh bảo: Xã vừa tiến hành dồn đổi ruộng đất xong bây giờ nhà nào nhiều còn ba ô, phổ biến chỉ một hai thửa.