Trà Vinh Nuôi Dê Ven Biển Cho Thu Nhập Cao

Với ưu điểm tốn ít vốn, khả năng thích nghi tốt, ít bệnh tật, ít tốn công chăm sóc và dễ mua, dễ bán, mô hình nuôi dê nhốt chuồng đang dần trở thành cứu cánh của những hộ nghèo không có đất hoặc ít đất sản xuất nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân vùng ven biển ổn định cuộc sống.
Theo số liệu thống kê của UBND thị Trấn Long Thành, huyện Duyên Hải (Trà Vinh), tổng số đàn dê ở địa phương là hơn 700 con. Phong trào nuôi dê ở địa phương phát triển mạnh trong thời gian gần đây là do con dê đặc tính dễ nuôi, khả năng thích nghi tốt, ít bệnh tật, ít tốn công chăm sóc và có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có xung quanh nhà như rau muống, cỏ dại…
Theo một số hộ chăn nuôi dê có kinh nghiệm cho biết: Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài kinh nghiệm thì kỹ thuật nuôi là rất quan trọng. Người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê.
Vì là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại cho dê cần phải bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Khi làm chuồng, người nuôi dê cần phải căn cứ theo đặc điểm từng vùng, từng nhà cụ thể mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết.
Ngoài ra, chuồng dê phải có sân chơi để theo dõi, quản lý đàn dê, cũng như khi bắt dê để kiểm tra, phối giống, cho ăn và phòng trị bệnh. Trong chuồng và sân chơi phải có máng ăn, máng uống để bổ sung thức ăn và nước uống cho dê.
Vì là dê nhốt chuồng nên việc loại thải con giống và ghép đôi giao phối có thể thực hiện một cách chủ động hơn so với dê chăn thả. Năng suất và chất lượng con giống cũng từ đó được nâng cao...
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi dê, sau 6 tháng dê thịt được thương lái thu mua từ 90.000 đồng đến 100.000 đồng/kg (đối với dê trưởng thành đạt 25 kg/con trở lên), dê cái để sinh sản trên 120.000 đồng/kg, với mức giá trên có thể đảm bảo người nông dân lời trên 10 triệu đồng/1 năm mà không cần tái vốn nuôi lại.
Như hộ ông Bùi Văn Khi ở khóm 5, năm 2013 sau khi đi tham quan một số mô hình chăn nuôi dê ở các địa phương ông về nhà đầu tư 9 triệu đồng mua 2 con dê sinh sản, hiện nay đàn dê trong gia đình đã tăng lên 8 con và ông mới bán 2 con dê thịt thu hơn 7 triệu đồng.
Hiệu quả ban đầu mang lại từ con dê làm ông khá bất ngờ, vì so với nuôi bò thì con dê nhẹ hơn về tiền vốn, ít tốn công chăm sóc, bởi dê là loài động vật ăn tạp nên tận dụng nguồn thức ăn phong phú quanh nhà, chỉ cần bỏ vốn mua giống tốt ban đầu với giá từ 3-4 triệu đồng/con.
Bên cạnh đó, dê là một loài có khả năng sinh trưởng khá nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể xuất chuồng hoặc sinh sản, mỗi năm dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 3 con.
Ông Ngô Văn Lung ở khóm 1, năm 2003 ông tận dụng đất quanh nhà làm chuồng trại chăn nuôi 2 con dê sinh sản, hiện nay đàn dê trong gia đình ông có 8 con, trong đó có 6 con sinh sản, bình quân mỗi năm gia đình xuất chuồng 10 con dê thịt, thu hơn 30 triệu đồng.
Với ưu điểm tốn ít vốn, dễ mua, dễ bán, mô hình này đang dần trở thành cứu cánh của những hộ nghèo không có đất hoặc ít đất sản xuất. Không chỉ những gia đình "ít vốn" mới chọn mô hình này, trong điều kiện giá cả thức ăn ngày càng leo thang, đầu ra của một số vật nuôi chủ lực bị hạn chế, mô hình nuôi dê đang "thu hút" nhiều gia đình tham gia, do tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp và lấy công làm lời.
Hiện tại dê thương phẩm đang có thị trường tiêu thụ rộng lớn, được đánh giá khá cao nên khi được nhân rộng tại địa phương sẽ tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân. Mô hình nuôi dê thực sự đã và đang trở thành mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân vùng ven biển ổn định cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Một người trồng hiệu quả rồi đến hai người, ba người… và giờ đây là nhà nhà cùng trồng rau màu, cây ăn trái. Vùng đất mặn ven biển thuộc ấp Đất Mới, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau giờ đã thật sự cho quả ngọt.

Từ tháng 7-2014, Sở KH-CN đưa dự án “Xây dựng mô hình khảo nghiệm trồng hành lá và rau kết hợp phân bón khoáng chất Nano của Đức, hệ thống lưới ngăn côn trùng nguy hại và công nghệ tưới nhỏ giọt Israel theo hướng VietGap” vào ứng dụng thực tiễn.

Trứng vịt muối của Việt Nam đang được đánh giá có hương vị rất riêng và đang dần thu hút người tiêu dùng quốc tế.

Nông dân Lâm Đồng đã và đang thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) với các hợp phần hỗ trợ vốn, kỹ thuật, chuỗi liên kết tiêu thụ của Dự án Cạnh tranh Ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (LIFSAP), mang lại những hiệu quả tích cực về phát triển kinh tế hộ gia đình và bảo vệ môi trường.

Ngày 24-9, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ kết hợp với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội thảo đánh giá bộ giống lúa sản xuất trong vụ thu đông 2015 tại Hợp tác xã (HTX) Thới Tân (xã Thới Tân, huyện Thới Lai).