Giảm Trồng Lúa, Tăng Sản Xuất TACN

Tình hình tiêu thụ nông sản, nhất là lúa gạo đang hết sức khó khăn do dư thừa sản phẩm. Tháo gỡ khó khăn này thế nào?
Phóng viên trao đổi với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn).
Thưa ông, hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta như lúa gạo, cà phê, thủy sản… đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ, tình hình đó phản ánh điều gì?
- Theo tôi, ở đây có nguyên nhân chính là vấn đề cung - cầu các loại sản phẩm. Theo đó, trong tương lai xu hướng là phải chuyển những ngành hàng có cạnh tranh thấp sang những ngành hàng có cạnh tranh cao hơn. Ví dụ, trong trồng trọt có thể giảm đất lúa, chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi, tập trung vào phát triển các mặt hàng như cao su, hồ tiêu, điều… có lợi thế cạnh tranh.
Đối với cơ cấu các ngành, cần chuyển bớt trồng trọt sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Còn trong từng ngành hàng, thì cần tạo ra giá trị gia tăng mới cao hơn. Ví như, đẩy mạnh phát triển dịch vụ chế biến, phát triển công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tạo ra giá trị mới để nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển bền vững cho nông nghiệp của nước ta.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chúng ta thường hay rơi vào điệp khúc được mùa - rớt giá là do không dự báo được thị trường. Về lâu dài chúng ta có nên tiếp tục tăng sản xuất lúa gạo?
- Rõ ràng là sản xuất phải theo nhu cầu của thị trường. Trong tương lai, ngũ cốc người ta sẽ chỉ ăn như thế, thậm chí giảm, nhất là gạo cũng chỉ vừa phải thôi. Trong khi đó, người ta sẽ tăng nhu cầu thủy sản, thịt, rau quả, nhu cầu về cây dược liệu… để tăng sức khỏe.
Chúng ta phải có định hướng, kể cả mặt đầu tư nhà nước, thu hút đầu tư tư nhân, cũng như về mặt chính sách để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Ngoài ra, hiện nay nguồn lực cũng khan hiếm, đất ít đi, nước ít đi, kể cả lao động cũng ít đi. Chúng ta làm sao phải bảo vệ được tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặc dù Nhà nước đã đầu tư khá nhiều cho nông nghiệp, song có vẻ đầu tư vẫn chưa “tới”, chưa “trúng”, theo ông cần thay đổi như thế nào?
- Thực tế cho thấy, phần đầu tư Nhà nước cho ngành nông nghiệp vẫn rất hạn chế, nhất là trong điều kiện ngân sách eo hẹp, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Riêng về việc làm sao thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề đau đầu nhất. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất ít và nhỏ lẻ và yếu ớt. Bởi muốn đầu tư vào nông nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo được các điều kiện như đầu tư vào đô thị, gồm hệ thống đường, điện... Đặc biệt, phải có gói hỗ trợ ưu đãi đặc biệt và cụ thể để các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư. Hiện các ngân hàng có triển khai vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhưng vẫn rất khó tiếp cận vốn.
Sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn là nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sản phẩm nông sản khó tiêu thụ. Theo ông, nông dân cần phải liên kết thế nào?
- Tôi cho rằng biện pháp cần thiết là phải hỗ trợ cho nông dân, tăng liên kết, tổ chức lại để doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Mặt khác, chúng ta phải có các chính sách để làm sao khuyến khích tích tụ đất đai cho sản xuất lớn, cơ giới hóa, giúp chuyên môn hóa nông nghiệp, nông thôn. Những hộ làm nông nghiệp không tốt thì hỗ trợ họ chuyển đổi ngành nghề. Đồng thời, chúng ta cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó mới tạo được môi trường sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cho người dân.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm

Ngày 12- 11, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản phối hợp Công ty Cổ phần TCSH Vĩnh Thịnh tổ chức tập huấn kỹ thuật “Nuôi tôm bền vững và tiếp cận mô hình VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng” cho 55 học viên là nông dân thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Mục tiêu của Hợp đồng Dịch vụ tư vấn NA-A1/03/2010/ACP ngày 15/9/2011 giữa BQL Dự án cạnh tranh nông nghiệp Nghệ An và Trung tâm Nghiên cứu môi trường chất thải nông nghiệp (ĐH Nông lâm Huế) là xây dựng vùng chăn nuôi dựa trên nguồn thức ăn không qua chế biến giun quế và ngũ cốc nhằm đạt năng suất và hiệu quả cao, đảm bảo ATVSTP...

Tháng 6/2013, tiến bộ kỹ thuật ấp trứng gà Hồ bằng máy đã được Viện Chăn nuôi chuyển giao cho gia đình ông Đỗ Tá Dũng ở làng Lạc Thổ (thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).

Người dân Gò Công Đông (Tiền Giang) sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trong đó nuôi gà thả vườn khá phát triển, trên địa bàn huyện có tổng đàn gà 260.000 con. Người nuôi theo truyền thống, ít tiếp cận với việc phòng ngừa dịch bệnh và xử lý môi trường vẫn chưa triệt để.

Sáng ngày 14.11, Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 13 - AgroViet 2013 do Bộ NNPTNT chủ trì đã chính thức khai mạc tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, 489 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).