Huy Giáp Xóa Nghèo Và Làm Giàu Từ Nuôi Bò, Trồng Trúc
Huy Giáp là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lạc, diện tích tự nhiên 6.657 ha; có 679 hộ, 3.978 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Quý Châu cùng sinh sống ở 21 xóm hành chính.
Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là tập trung phát triển trồng cây trúc sào và chăn nuôi bò hàng hóa, tăng thu nhập, đảm bảo đời sống, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Chị Hoàng Thị Lừ, xóm Lũng Cắm dưới, xã Huy Giáp (Bảo Lạc) chăm sóc bò của gia đình.
Trên cơ sở thế mạnh của địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã xác định, trước hết tập trung nguồn lực phá thế độc canh cây lúa, cây ngô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng cách thâm canh, tăng vụ, đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi, trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2011, tỷ lệ sử dụng giống lúa mới đạt 100%, ngô 30%.
Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.908 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt trên 400 kg/năm. Hiện nay, toàn xã có 3.745 con bò, 160 con trâu, 3.400 con lợn, 12.500 con gia cầm. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, đặc biệt là phát triển đàn bò, vì xã có lợi thế điều kiện về phát triển chăn nuôi bò, có nhiều đồi núi đất, bà con trồng cỏ voi VA06 và tận dụng lá cây rừng để kết hợp giữa nuôi nhốt và chăn thả, tùy theo điều kiện cụ thể và thời vụ.
Trung bình mỗi năm cả xã đã trồng từ 10 - 25 ha cỏ voi VA06. Nhiều hộ nuôi bò nhốt bán từ 6 - 10 con, thu nhập 30 - 60 triệu đồng/năm, tiêu biểu như các hộ: Hoàng A Lầu, xóm Cốc Sì; Xiêm Mình Cản, xóm Lũng Cắm trên; Lò A Dỉa, xóm Lũng Cắm dưới...
Ngoài ra, Huy Giáp còn có tiềm năng, thế mạnh trồng cây trúc sào, là cây trọng điểm xóa đói, giảm nghèo của xã. Do trúc có giá trị kinh tế cao, những năm gần đây, xã vận động nhân dân đẩy mạnh nhân rộng diện tích trúc sào. Đến nay, cả xã trồng được hơn 1.000 ha trúc sào, chủ yếu ở các xóm Lũng Pán, Pác Trà, Phiêng Pảng, Nặm Cốp.
Hằng năm, cả xã bán trên 400 - 600 xe trúc sào; những hộ trồng trúc sào trung bình bán 5 - 10 xe trúc/năm, nhiều hộ bán 30 - 40 xe trúc, thu nhập hơn 100 triệu đồng, tiêu biểu như các hộ: Đặng Quý Tấn, ở Khu chợ Lũng Pán; Đặng Phụ Lìn, xóm Nặm Cốp; Thào A Lềnh, xóm Lũng Cắm dưới... Chị Đặng Mùi Mui, xóm Pác Trà đang vận chuyển trúc để bán vui vẻ cho biết: Những năm gần đây, trung bình mỗi năm gia đình tôi bán từ 20 - 40 xe trúc, riêng năm 2011, bán được 50 xe trúc, thu trên 100 triệu đồng. Tích cóp từ tiền bán trúc, nay gia đình đã mua được ô tô; đến nay cả xã có 25 chiếc ô tô.
Nhờ thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện, nâng cao và cơ bản ổn định, có tính bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Việc tái canh cà phê khó khăn không chỉ là vấn đề tổ chức sản xuất, thiếu vốn đầu tư mà còn hạn chế trong việc tìm ra các giải pháp kỹ thuật tổng hợp có cơ sở khoa học và đáp ứng nhu cầu thực tế. Cụ thể, 85% diện tích cà phê tại Đắk Lắk do người dân trực tiếp quản lý và sản xuất nên việc quản lý, đánh giá chất lượng vườn cây chưa đầy đủ.
Hầu hết thanh long - còn được gọi là Pitaya - nhập khẩu vào Ấn Độ đến từ Việt Nam. Chính việc thay đổi hình thức vận chuyển từ đường hàng không sang đường biển đã dẫn đến việc lượng thanh long nhập khẩu vào Ấn Độ gia tăng theo cấp số nhân. Điều này đã làm giảm chi phí vận chuyển từ 150 rupi/kg xuống còn 20 rupi/kg.
Trước đây, với mong muốn thoát nghèo, ông Bằng cũng đã tổ chức sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, mãi đến năm 2012, qua tìm hiểu, ông đã mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty cổ phần C.P Việt Nam (Bình Dương) và vay vốn ngân hàng để tổ chức chăn nuôi heo theo quy mô trang trại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định 551/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Vài năm trước, những người muốn tìm mua giống gà Đông Tảo thường phải bỏ công tìm nơi cung cấp, có người phải lặn lội về tận xứ của giống gà “tiến vua” này ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nhưng hiện nay, không thiếu DN, nông dân tham gia sản xuất con giống gà Đông Tảo.