Thương Lái Trung Quốc Lại Gom Mua Cá Sấu
Nhiều đơn vị sản xuất các sản phẩm từ da cá sấu trong nước phải khóc ròng vì thiếu nguồn da để sản xuất, do người nuôi đổ xô bán cá sấu sống cho Trung Quốc.
Dẫn chúng tôi đi thăm trường nghệ nhân vừa đào tạo nghệ nhân vừa sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ da cá sấu, ông Tôn Thất Hưng - giám đốc Công ty Cá sấu hoa cà (Q.12, TP.HCM) - cho biết nếu những năm trước mỗi tháng công ty phải mua vào hơn 200 con để lấy da sản xuất thì năm nay phải sử dụng da dự trữ để sản xuất cầm chừng vì không cạnh tranh với giá mua hơn 230.000-240.000 đồng/kg cá sấu sống của TQ.
“Giá cá sấu sống để nhiều doanh nghiệp sản xuất da cá sấu có lời được ở mức 150.000-170.000 đồng/kg, nếu mổ lấy da lời hơn 5% so với bán sống thì với giá cá sấu như hiện nay người nuôi sẽ bán sống. Công ty còn có da dự trữ nên có thể sản xuất cầm chừng, còn nhiều đơn vị nhỏ lẻ khác phải đóng cửa” - ông Hưng lo lắng.
Giá cá sấu luôn bất ổn
Theo ông Hưng, năm 1990 khi Thái Lan tăng mua cá sấu từ VN giá cá sấu tăng chóng mặt, mỗi con cá sấu sống từ 20-30kg lúc đó có giá trên một cây vàng.
Sau đó giá cá sấu rớt thê thảm xuống còn 60.000 đồng/kg vào năm 1997, năm 2002 tăng trên 200.000 đồng/kg nhưng lại giảm đột ngột, đến năm 2007 chỉ còn 60.000 đồng/kg, và nay mới tăng trở lại.
Qua nhiều lần tăng giảm đột ngột, người nuôi, doanh nghiệp mua và chế biến các sản phẩm từ cá sấu bị thua lỗ hàng loạt.
Đại diện một công ty chuyên sản xuất các mặt hàng từ da cá sấu ở phía Nam cũng khẳng định hai năm trước thương lái TQ bắt đầu săn mua cá sấu con với lượng mua chiếm đến 70-80% lượng cá sấu con của VN, nên đến nay chúng ta không có cá sấu đủ lớn để lấy da.
“Cá sấu có trọng lượng khoảng 15-20kg cho chất lượng da tốt nhất, làm ra sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần da cá sấu nhỏ nhưng một, hai năm trước cá sấu khoảng 6-8kg đã bị TQ gom mua nên lượng cá sấu cho da đạt chất lượng hiện rất ít” - vị đại diện này cho hay.
Theo ông Hưng, các công ty sản xuất các sản phẩm từ da đang đối mặt với khó khăn vì nguồn da sụt giảm mạnh. Để tồn tại, tất cả đang rục rịch nâng giá bán sản phẩm, nhiều đơn vị xuất khẩu da cá sấu đi Nhật, Đức cũng đang đứng trước nguy cơ mất mối làm ăn vì không cạnh tranh nổi với giá mua của TQ.
Bà Nguyễn Thị Lan (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) chuyên mua cá sấu sống xuất đi TQ, cho biết năm 2012 giá cá sấu sống trung bình ở mức 120.000-150.000 đồng/kg, nhưng nay cá sấu sống loại 8-35kg/con hiện được mua với giá 235.000-242.000 đồng/kg tùy loại, riêng cá sấu sống con có trọng lượng từ 1-2kg được mua với giá khoảng 600.000-1 triệu đồng/con song không có hàng để xuất qua TQ.
“Hiện TQ đặt mua khoảng 40 tấn cá sấu sống/tháng, cả tháng nay dù chạy khắp nơi gom mua nhưng tôi chỉ xuất được 11 tấn, trong khi hai năm trước chỉ cần một tuần là có đủ 40 tấn cá sấu sống, khan hàng tôi gom luôn cá sấu non nhưng TQ vẫn mua” - bà Lan nói.
Theo bà Lan, bên cạnh nhu cầu dùng cá sấu chế biến món ăn tăng mạnh thì khoảng hai năm trở lại đây, TQ bắt đầu qua VN săn mua cá sấu con và cá sấu bố mẹ về nuôi tại đảo Hải Nam. “Phần lớn nông dân nuôi cá sấu nhỏ lẻ, vốn thấp nên khi thấy được giá họ bán ngay bất kể lớn nhỏ nên giờ cá sấu loại 1 (từ 8-25kg) rất ít” - bà Lan cho hay.
Ông Lâm Tùng Quế, giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã TP.HCM (Chi cục Kiểm lâm TP.HCM), cho biết năm nay lượng đăng ký xin cấp giấy phép xuất khẩu cá sấu chính ngạch là hơn 22.000 con, tăng mạnh so với năm ngoái. Tuy nhiên, ông Quế cũng cho biết lượng xuất có thể lớn hơn nhiều do đây chỉ đăng ký chính ngạch.
Hiện các cơ quan chức năng chỉ khuyến cáo không nên đầu tư nuôi cá sấu ào ạt để tránh hiện tượng rớt giá chứ không thể can thiệp sâu. Với giá thành đầu tư tăng cao như hiện nay, nếu giá cá sấu rớt thì thiệt hại sẽ rất lớn.
“Chúng ta đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng để thành lập hiệp hội cá sấu VN. Khi hiệp hội thành lập, các đơn vị trong hiệp hội sẽ đảm bảo giá mua cân bằng, tư vấn kỹ thuật và thị trường, đầu tư sản xuất cho nông dân, góp phần đảm bảo được tính bền vững cho ngành cá sấu VN” - ông Quế nói.
Có thể bạn quan tâm
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa phối hợp với Phòng Kinh tế Đà Lạt và Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng kiểm tra lô hàng 14 tấn khoai tây Trung Quốc nhập về chợ Nông sản Đà Lạt đầu tuần này.
Ông Robert Zeigler, Tổng Giám đốc IRRI khẳng định, SXNN của Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP đang có dấu hiệu giảm nhưng nếu tái cấu trúc đúng cách và có giải pháp phù hợp chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra kim ngạch XK và chiếm vị thế cao trong nền kinh tế.
Đầu ra cho nông sản Việt vẫn luôn là một bài toán khó cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điệp khúc được mùa mất giá, cảnh nông sản đến mùa thu hoạch không có người mua tái diễn: hàng trăm xe dưa hấu tắc nghẽn ở biên giới, dưa hấu đổ bỏ cho gia súc ăn, thanh long cho bò ăn chán chê rồi đành vứt bỏ… nông sản rớt giá khiến người nông dân điêu đứng.
Nho là cây trồng đặc trưng có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Ninh Thuận. Đã có không ít nông dân Ninh Thuận bằng nỗ lực, cần cù và sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thành công từ nghề trồng nho và từng bước làm giàu từ cây nho.
Diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại trên 70% trong 06 tháng đầu năm 2014 là 1.781 ha, chiếm 16,95% (tăng 81 ha so với cùng kỳ); trong đó tôm sú thiệt hại 552 ha, thẻ chân trắng 1.229 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ tôm bị thiệt hại so với diện tích thả nuôi giảm 8,72% so cùng kỳ.