Từng Bước Khẳng Định Thương Hiệu Rau An Toàn Gò Công
Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Gò Công tại ấp Tân Xã, xã Long Hòa (thị xã Gò Công, Tiền Giang) hoạt động từ ngày 21-8-2006 chủ yếu là sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Từ đó đến nay, HTX không ngừng lớn mạnh, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định được thương hiệu, trở thành cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng.
HTX rau an toàn Gò Công có 49 thành viên, với tổng vốn góp ban đầu trên 300 triệu đồng; diện tích đất canh tác 12,1 ha, trồng 41 chủng loại rau như: bầu, bí, mướp, rau muống, rau thơm và các loại cải… Hiện tại, HTX đã có trụ sở giao dịch, nhà sơ chế, kho lạnh, xe tải vận chuyển tiêu thụ rau cho bà con.
Trung bình mỗi ngày HTX rau an toàn Gò Công cung cấp ra thị trường từ 1,5 - 2 tấn sản phẩm. Thị trường tiêu thụ chính hiện nay là Siêu thị Mỹ Tho, tổng kho Metro và các bếp ăn tập thể ở thị xã Gò Công. Những lúc cao điểm, sản lượng rau đưa ra thị trường của HTX tăng gấp đôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường
Với 12,1 ha rau an toàn, các xã viên đều tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo VIETGAP, được tiếp nhận các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn hay hội thảo, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trao đổi kinh nghiệm sản xuất theo đúng quy trình...
Bên cạnh đó, Ban quản lý HTX còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp bà con dần chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống, sang phương thức canh tác mới.
Trên cơ sở đó, HTX định hướng xã viên áp dụng tốt phương pháp sản xuất mới như: sử dụng phân vi sinh, điều kiện bảo quản, ghi chép sổ nhật ký sản xuất, tận dụng phân hữu cơ có nguồn gốc vi sinh thay cho phân hóa học, thời gian cách ly với thuốc trước khi thu hoạch… Do đó, sản phẩm rau an toàn của HTX luôn có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với cách làm trên, HTX rau an toàn Gò Công từng bước khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường. Nhiều đối tác nước ngoài cũng đến tìm hiểu quy trình sản xuất và cung cấp hạt giống cho bà con xã viên gieo trồng; đồng thời thu mua lại sản phẩm với yêu cầu đạt theo quy trình sản xuất VIETGAP.
Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX rau an toàn Gò Công, cho biết: "Bà con xã viên đã thực hiện khá thuần thục quy trình sản xuất VIETGAP, đặc biệt rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Số lượng, chất lượng sản phẩm luôn đáp ứng tốt nhu cầu, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh".
Để tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh trong việc góp phần bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, giá cả luôn cao để bà con xã viên an tâm sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, HTX sẽ tiếp tục mở rộng thị trường; đồng thời, mở rộng diện tích và phát triển thêm thành viên mới cho HTX.
Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX rau an toàn Gò Công, cho biết: "Từ nay đến cuối năm HTX có kế hoạch mở rộng thêm 10ha, nâng diện tích rau an toàn của HTX lên 22,1 ha và kết nạp thêm 80 xã viên.
Các xã viên sẽ qua lớp tập huấn sản xuất rau an toàn và có giấy chứng nhận. Song song với việc mở rộng diện tích, HTX tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ, nhất là tìm các đối tác ở nước ngoài để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra luôn bán được giá cao. Một khi sản xuất ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, được bao tiêu sản phẩm, giá cả không bị chèn ép thì nông dân rất phấn khởi và sẵn sàng tham gia gắn kết lâu dài với HTX. Từng bước tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng".
Theo ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX rau an toàn Gò Công, có được kết quả bước đầu đáng phấn khởi trước hết phải kể đến sự nỗ lực của bà con xã viên.
Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX đòi hỏi mỗi thành viên trong Ban Giám đốc, các tổ trưởng phải làm tốt vai trò đầu tàu, phải có trách nhiệm, tâm huyết, nhanh nhạy làm tốt từ khâu tuyên truyền, vận động, tạo sự đoàn kết giữa các thành viên trong HTX cho đến việc định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Đặc biệt là luôn luôn đặt lợi ích của bà con xã viên lên hàng đầu. Có được những yếu tố cơ bản đó, HTX mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Nhiều xã viên cũng rất phấn khởi khi tham gia vào HTX vì sản phẩm do họ làm ra được bao tiêu trọn vẹn, giá cả lại rất ổn định, đảm bảo đem về lợi nhuận cao. Từ những lợi ích thiết thực đó, đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu Rau an toàn Gò Công trên thị trường ngày nay.
Ông Huỳnh Văn Tâm, HTX rau an toàn Gò Công, cho biết: "Gia đình tôi có 1.500m2 chuyên trồng rau. Trước đây, giá cả bấp bênh, năm nào thời tiết thuận lợi được mùa thì rau mất giá và ngược lại. Kể từ khi tham gia vào HTX, giá bán rau đã ổn định và tăng cao hơn trước. Đặc biệt, việc tiêu thụ rất thuận tiện, giờ chỉ lo không có đủ rau sạch để cung cấp cho thị trường, lợi nhuận cao gấp 4 - 5 lần so với cây lúa".
UBND xã Long Hòa luôn tạo điều kiện thuận lợi để HTX rau an toàn Gò Công hoạt động tốt. Ông Nguyễn Văn Một, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa, cho biết: "Chúng tôi tổ chức vận động bà con tham gia HTX, vận động bà con tuân thủ các quy trình sản xuất... để HTX được duy trì và phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao mức thu nhập cho nhân dân.
Từ đó, đưa đời sống người dân ngày càng đi lên và từng bước khẳng định được thương hiệu rau an toàn Gò Công". Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và tham gia nhiệt tình của bà con xã viên, HTX rau an toàn Gò Công có bước phát triển bền vững, giúp bà con ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Theo Chi cục Thú y Hậu Giang, đến nay, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh cá tra giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, hàng năm sẽ phấn đấu có 100% cơ sở sản xuất cá tra giống được thu mẫu giám sát dịch bệnh và được kiểm soát việc sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn thủy sản theo danh mục được phép lưu hành.
Những năm gần đây, người nuôi tôm ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) liên tục chịu cảnh trắng tay vì dịch bệnh và thời tiết. Vì thế, ngoài một số diện tích chuyển sang nuôi ốc hương, hàng chục hecta đìa nuôi tôm khác tại địa phương, nhất là vùng đìa K18 đang bỏ hoang…
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre), những giếng khoan lấy nước mặn do nông dân khoan trái phép trong quy hoạch ngọt hóa đã được san lấp. Tuy nhiên, việc nông dân tự thay đổi mô hình làm ăn kinh tế phù hợp với điều kiện ngọt hóa thì vẫn còn rất chậm. Nguyên nhân là do có nhiều gia đình đã lâm vào kiệt quệ, nợ nần nên không thể tự chuyển mình. Hiện nay, một số ao bị bỏ không hoặc chỉ nuôi tôm cầm chừng…
Hiện mỗi năm Khánh Hòa có khoảng từ 25.000 - 28.000 lồng nuôi thương phẩm tôm hùm, tập trung tại các khu vực nuôi như: Vịnh Vân Phong - huyện Vạn Ninh, Vịnh Nha Trang và TP.Cam Ranh. Số lượng thả nuôi nhiều nhưng nguồn con giống khai thác tự nhiên tại địa phương chỉ đủ cung cấp từ 30 - 40% nhu cầu thả nuôi của các hộ dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị XK NT2MV đạt 40,21 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2014. Top 9 thị trường chiếm 92% tổng giá trị XK NT2MV của Việt Nam.Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam XK NT2MV sang 48 nước, giảm 4 nước so với cùng kỳ năm 2014.