Thương Lái Trung Quốc Lại Gom Mua Cá Sấu
Nhiều đơn vị sản xuất các sản phẩm từ da cá sấu trong nước phải khóc ròng vì thiếu nguồn da để sản xuất, do người nuôi đổ xô bán cá sấu sống cho Trung Quốc.
Dẫn chúng tôi đi thăm trường nghệ nhân vừa đào tạo nghệ nhân vừa sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ da cá sấu, ông Tôn Thất Hưng - giám đốc Công ty Cá sấu hoa cà (Q.12, TP.HCM) - cho biết nếu những năm trước mỗi tháng công ty phải mua vào hơn 200 con để lấy da sản xuất thì năm nay phải sử dụng da dự trữ để sản xuất cầm chừng vì không cạnh tranh với giá mua hơn 230.000-240.000 đồng/kg cá sấu sống của TQ.
“Giá cá sấu sống để nhiều doanh nghiệp sản xuất da cá sấu có lời được ở mức 150.000-170.000 đồng/kg, nếu mổ lấy da lời hơn 5% so với bán sống thì với giá cá sấu như hiện nay người nuôi sẽ bán sống. Công ty còn có da dự trữ nên có thể sản xuất cầm chừng, còn nhiều đơn vị nhỏ lẻ khác phải đóng cửa” - ông Hưng lo lắng.
Giá cá sấu luôn bất ổn
Theo ông Hưng, năm 1990 khi Thái Lan tăng mua cá sấu từ VN giá cá sấu tăng chóng mặt, mỗi con cá sấu sống từ 20-30kg lúc đó có giá trên một cây vàng.
Sau đó giá cá sấu rớt thê thảm xuống còn 60.000 đồng/kg vào năm 1997, năm 2002 tăng trên 200.000 đồng/kg nhưng lại giảm đột ngột, đến năm 2007 chỉ còn 60.000 đồng/kg, và nay mới tăng trở lại.
Qua nhiều lần tăng giảm đột ngột, người nuôi, doanh nghiệp mua và chế biến các sản phẩm từ cá sấu bị thua lỗ hàng loạt.
Đại diện một công ty chuyên sản xuất các mặt hàng từ da cá sấu ở phía Nam cũng khẳng định hai năm trước thương lái TQ bắt đầu săn mua cá sấu con với lượng mua chiếm đến 70-80% lượng cá sấu con của VN, nên đến nay chúng ta không có cá sấu đủ lớn để lấy da.
“Cá sấu có trọng lượng khoảng 15-20kg cho chất lượng da tốt nhất, làm ra sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần da cá sấu nhỏ nhưng một, hai năm trước cá sấu khoảng 6-8kg đã bị TQ gom mua nên lượng cá sấu cho da đạt chất lượng hiện rất ít” - vị đại diện này cho hay.
Theo ông Hưng, các công ty sản xuất các sản phẩm từ da đang đối mặt với khó khăn vì nguồn da sụt giảm mạnh. Để tồn tại, tất cả đang rục rịch nâng giá bán sản phẩm, nhiều đơn vị xuất khẩu da cá sấu đi Nhật, Đức cũng đang đứng trước nguy cơ mất mối làm ăn vì không cạnh tranh nổi với giá mua của TQ.
Bà Nguyễn Thị Lan (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) chuyên mua cá sấu sống xuất đi TQ, cho biết năm 2012 giá cá sấu sống trung bình ở mức 120.000-150.000 đồng/kg, nhưng nay cá sấu sống loại 8-35kg/con hiện được mua với giá 235.000-242.000 đồng/kg tùy loại, riêng cá sấu sống con có trọng lượng từ 1-2kg được mua với giá khoảng 600.000-1 triệu đồng/con song không có hàng để xuất qua TQ.
“Hiện TQ đặt mua khoảng 40 tấn cá sấu sống/tháng, cả tháng nay dù chạy khắp nơi gom mua nhưng tôi chỉ xuất được 11 tấn, trong khi hai năm trước chỉ cần một tuần là có đủ 40 tấn cá sấu sống, khan hàng tôi gom luôn cá sấu non nhưng TQ vẫn mua” - bà Lan nói.
Theo bà Lan, bên cạnh nhu cầu dùng cá sấu chế biến món ăn tăng mạnh thì khoảng hai năm trở lại đây, TQ bắt đầu qua VN săn mua cá sấu con và cá sấu bố mẹ về nuôi tại đảo Hải Nam. “Phần lớn nông dân nuôi cá sấu nhỏ lẻ, vốn thấp nên khi thấy được giá họ bán ngay bất kể lớn nhỏ nên giờ cá sấu loại 1 (từ 8-25kg) rất ít” - bà Lan cho hay.
Ông Lâm Tùng Quế, giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã TP.HCM (Chi cục Kiểm lâm TP.HCM), cho biết năm nay lượng đăng ký xin cấp giấy phép xuất khẩu cá sấu chính ngạch là hơn 22.000 con, tăng mạnh so với năm ngoái. Tuy nhiên, ông Quế cũng cho biết lượng xuất có thể lớn hơn nhiều do đây chỉ đăng ký chính ngạch.
Hiện các cơ quan chức năng chỉ khuyến cáo không nên đầu tư nuôi cá sấu ào ạt để tránh hiện tượng rớt giá chứ không thể can thiệp sâu. Với giá thành đầu tư tăng cao như hiện nay, nếu giá cá sấu rớt thì thiệt hại sẽ rất lớn.
“Chúng ta đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng để thành lập hiệp hội cá sấu VN. Khi hiệp hội thành lập, các đơn vị trong hiệp hội sẽ đảm bảo giá mua cân bằng, tư vấn kỹ thuật và thị trường, đầu tư sản xuất cho nông dân, góp phần đảm bảo được tính bền vững cho ngành cá sấu VN” - ông Quế nói.
Related news
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết mùa vụ năm 2014, sản lượng vải thiều tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương ước đạt gần 200 nghìn tấn quả tươi. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu vải thiều truyền thống lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác đang gặp nhiều khó khăn khi XK ra thị trường thế giới, hợp đồng thu mua bị suy giảm, bị bạn hàng ép giá… thì hồ tiêu vẫn tăng trưởng mạnh, vững bước tiến sâu vào thị trường thế giới. Lần đầu tiên sau bao năm XK, lần đầu tiên tiêu đạt trên 1 tỷ USD.
Trước thông tin Thủ tướng đã đồng ý việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp đang chịu thuế giá trị gia trăng (VAT) từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế, người chăn nuôi nhiều nơi rất vui vì chắc chắn giá TACN sẽ giảm. Tuy nhiên, sau đó họ cũng phải đối mặt với không ít nỗi lo...
Đó là nội dung chủ đạo được đặt ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức sáng nay (26/9) tại Hà Nội.
Phòng NN & PTNT huyện Điện Biên vừa phối hợp với UBND xã Thanh Hưng, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên và Viện Giống cây trồng Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ sản xuất giống lúa Hương Việt 3 tại xã Thanh Hưng.