Thanh Hóa Giúp Bà Con Chăn Nuôi Gà Thịt Thả Vườn An Toàn Dịch Bệnh
Người dân xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thường nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức thả tự do, ban ngày gà tự đi kiếm ăn, đêm đến thì gà ngủ trên cây, gà chậm lớn, hay mắc bệnh, tỷ lệ chết cao, dẫn đến hiệu quả thấp.
Để khắc phục tình trạng đó, từ tháng 4-8/2014, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hoá phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Thường Xuân triển khai mô hình “Chăn nuôi gà thịt thả vườn an toàn dịch bệnh” tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân với quy mô 2.130 con, 10 hộ tham gia, trong đó có 9 hộ là người dân tộc.
Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% chi phí mua con giống và 50% chi phí về thức ăn; phần chi phí còn lại, các hộ tự đầu tư 50% chi phí về thức ăn, 100% chi phí về chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và thuốc thú y.
Mô hình sử dụng giống gà ri lai (J-DABACO) 1 ngày tuổi, sau 3 tháng nuôi, trọng lượng trung bình toàn đàn đạt 1,8 kg/con, gà trống đạt 1,8-2,4 kg/con, gà mái đạt 1,5-1,7 kg/con; tỷ lệ nuôi sống toàn đàn đạt 94,97%, trong đó có nhiều hộ nuôi gà đạt tỷ lệ nuôi sống từ 98 - 99%. Với giá bán từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, mỗi hộ gia đình thu được khoảng 28 - 30 triệu đồng, không tính phần Nhà nước hỗ trợ, trừ chi phí đầu tư, mỗi hộ nuôi 200 con gà cho lãi khoảng 11- 15 triệu đồng.
Theo đánh giá, giống gà J-Dabaco nhanh lớn, độ đồng đều cao, ít mắc bệnh, thịt gà thơm ngon.
Để đạt được kết quả trên là nhờ làm tốt công tác tổ chức thực hiện của Trạm Khuyến nông huyện Thường Xuân, sự quyết tâm nỗ lực của các hộ tham gia mô hình cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ chỉ đạo mô hình.
Bà Hà Thị Hợi - chủ hộ tham gia mô hình cho biết: “Khi được chọn tham gia mô hình, gia đình rất băn khoăn lo lắng vì chưa bao giờ nuôi giống gà này.
Nhưng được sự vận động của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ kịp thời của Trạm Khuyến nông huyện Thường Xuân, cán bộ chỉ đạo từ khâu xây dựng chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại và đặc biệt là việc phòng bệnh cho đàn gà bằng thuốc và vắc xin theo đúng quy trình trong suốt quá trình nuôi nên gia đình rất yên tâm và phấn khởi bởi kết quả của mô hình mang lại”.
Anh Lương Văn Hiệu, Trưởng thôn Trung Chính, xã Xuân Cẩm - chủ hộ nuôi gà cho biết: “Trước đây, gia đình tôi và các hộ trong thôn chỉ nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức thả tự do, ban ngày gà tự đi kiếm ăn, đêm đến thì gà ngủ trên cây nhiều hơn là ngủ ở chuồng (chuồng trại chỉ tạm bợ) và hiệu quả kinh tế gần như không có bởi gà chậm lớn, hay mắc bệnh, tỷ lệ chết cao.
Trong quá trình thực hiện, với kiến thức được tập huấn và sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, các hộ đã thực hiện tốt công các chăm sóc nuôi dưỡng và phòng bệnh cho gà, đặc biệt đã tích luỹ được kiến thức và kinh nghiệm và sẽ tiếp tục chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Điều quan trọng hơn là kết quả của mô hình đã góp phần làm thay đổi tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ của bà con, nhất là bà con dân tộc”.
Tại buổi tổng kết, đánh giá mô hình, ông Lương Công Thắm - PCT UBND xã Xuân Cẩm cho biết: “Thông qua mô hình này giúp các cấp chính quyền ở xã, cũng như bà con nông dân nhận thấy rõ được vai trò của công tác quản lý, chỉ đạo cũng như vai trò của khoa học kỹ thuật trong xây dựng và triển khai mô hình”.
Có thể bạn quan tâm
Từng nổi tiếng với mô hình nuôi heo rừng lai, giờ đây anh Nguyễn Tuấn Kiệt, ở ấp 20, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), còn phát triển thêm mô hình nuôi chồn mướp (cầy hương), không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra triển vọng cho sự bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này.
Với hơn 150 nghìn ha, tỉnh Bình Phước được coi là "thủ phủ điều của cả nước". Cây xóa đói, giảm nghèo một thời, nay vì mất giá, cho nên người dân chặt bỏ. Nhiều hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có vốn đầu tư, đất bạc màu là còn chung thủy với cây điều. Nhưng cơn lốc của thị trường, lại nảy sinh tình trạng bán điều non, gây nhức nhối ở các xã vùng sâu tỉnh Bình Phước.
Nhằm giúp nghề trồng rau phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, lần đầu tiên tỉnh ta đã đưa mô hình trồng rau an toàn (RAT) trong nhà lưới theo hướng VietGap vào sản xuất trên diện tích gần 40 ha tại các địa phương trọng điểm về trồng rau của tỉnh là An Hải (Ninh Phước), Hộ Hải (Ninh Hải) và phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) mở ra triển vọng mới cho người trồng rau.
Tháng 8-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình “Nuôi thử nghiệm cá diêu hồng” tại thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng 11% trong năm 2013, bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Ninh Sơn xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nâng cao chất lượng tổng đàn.