Tất Bật Nước Mắm Nam Ô (Đà Nẵng)
Những ngày này, bà con các hộ làm mắm truyền thống ở Nam Ô, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đang tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng như chắt lọc, đóng chai, dán nhãn... để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ Tết. Không khí rộn ràng tràn ngập khắp làng nghề nước mắm đã nức tiếng từ thuở nào.
Đi dọc con đường vào làng nghề đã thoang thoảng mùi thơm nức của loại nước mắm làm từ nguyên liệu cá cơm nguyên chất của vùng biển Đà Nẵng. Đằng sau chiếc tủ kính được trưng bày những chai nước mắm thơm ngon, đẹp mắt, ông Ngô Hiệp (58 tuổi, tổ 104, Nam Ô 2, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cặm cụi lọc mắm lần chót để đóng chai.
Ông cho biết, nhãn hiệu mắm Hiệp Hải của gia đình nằm trong Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, chỉ sản xuất một loại thượng hạng từ cá cơm than. Số lượng bán trong dịp cao điểm Tết thường gấp đôi bình thường, khoảng 500 – 600 lít, nay đã sẵn sàng 200 – 300 lít, đóng thùng đâu ra đấy cả rồi, chỉ đợi khách hàng nữa thôi…
Ông Trần Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nước mắm và chế biến hải sản Đông Hải cho biết: Ở địa phương có khoảng 110 hộ sản xuất nước mắm, thuộc 3 HTX. Trung bình mỗi hộ sản xuất 500 – 600 lít, tính ra tổng sản lượng lên đến 60.000 – 70.000 lít. Đến nay, đã có 30.000 lít phục vụ Tết, số còn lại để ra năm là vừa, bởi làm mắm truyền thống bằng phương pháp thủ công phải ủ mắm đủ 12 tháng ròng rã mới đạt chất lượng.
Năm 2014, dù gặp nhiều khó khăn về mặt bằng và thiếu nguồn nguyên liệu phải nhập từ nhiều nơi như quận Sơn Trà, Hội An, nhưng làng nghề vẫn giữ mức giá bình quân, khoảng 60.000 đồng/lít. Với giá này, sau khi tính toán trừ tất cả các chi phí đầu vào và nhân công, người làm nghề cũng cất túi được ít nhiều từ việc chăm sóc mỗi chai nước mắm thành phẩm.
Bà Lê Thị Lựu (thôn Nam Ô 2) trải lòng: “Tuy làm cả năm, nhưng tụi tui làm luôn tay cũng không kịp để giao hàng. Ngoài khách hàng thường xuyên, hằng năm khách du lịch tới làng nghề để mua nước mắm về làm quà cũng khá đông. Do đó, để kịp với kế hoạch bán hàng, nhiều khi các gia đình phải làm và đóng hàng cả ngày đêm.
Thương hiệu nước mắm Nam Ô đã có chỗ đứng, thị trường mở rộng hơn rất nhiều. Các bạn hàng ở khắp cả nước như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, Hải Phòng đều đánh giá cao về chất lượng nước mắm Nam Ô; họ thường xuyên gọi điện để đặt hàng. Bà con cũng phấn chấn hẳn ra, bởi không chỉ khách hàng chú ý mà cả chính quyền, ngành chức năng cấp phường, quận, thành phố rất quan tâm”.
UBND quận Liên Chiểu hỗ trợ nhãn mác, tủ kính trưng bày sản phẩm, sơn sửa bảng hiệu và tham gia hội chợ quảng bá cho bà con với số tiền gần 80 triệu đồng. Trung tâm Khuyến công và hỗ trợ chuyển giao công nghệ (Sở Công thương) tài trợ khuôn đúc thổi chai và 6.000 chai mẫu với kinh phí 30 triệu đồng.
Theo năng lực, dịp Tết này, 3 HTX làng nghề sẽ bán ra khoảng 40.000 lít nước mắm các loại. Trong thời gian tới, để duy trì việc mở rộng làng nghề, UBND quận xem xét mặt bằng mở 2 điểm sản xuất tập trung, đồng thời mở 2 lớp đào tạo nghề làm mắm cho thế hệ trẻ, tiếp tục hỗ trợ chum vại muối mắm, nguyên liệu…
“Hiện nay, chính quyền và ngành chức năng đẩy nhanh việc hỗ trợ các hộ làm lưới mành chuyên đánh bắt cá cơm than để cung cấp cho các hộ làm mắm. Về phát triển thị trường, quận sẽ làm việc với các điểm trưng bày tại Khu du lịch Bà Nà, Trạm dừng chân Hải Vân, để sản phẩm được du khách biết đến nhiều hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ giúp bà con có được sản phẩm chất lượng ổn định hơn nữa”, ông Nguyễn Đây, Phó phòng Kinh tế quận Liên Chiểu cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Kéo dài từ ngày 26-10 đến 2-11-2015 tại Công viên Xà No, thành phố Vị Thanh, nhưng chỉ qua 2 ngày, Hội chợ triển lãm giao lưu công nông nghiệp Hậu Giang 2015 đã vực dậy sức mua của người dân sau nhiều tháng trầm lắng.
Những năm gần đây, một số nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình trồng luân canh ấu trên nền đất ruộng trũng và trồng xen trong mương liếp vườn vào mùa nước nổi, đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể.
Từ việc xác định được thế mạnh riêng, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đã đạt nhiều kết quả trong công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để giữ vững danh hiệu văn hóa, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, luôn quan tâm thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Chính quyền xã Ba Liên đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho đồng bào Hrê nơi đây cách làm kinh tế và giữ gìn sinh kế bền vững từ mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Nhờ đó, không ít hộ dân thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá.