Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xung Quanh Việc Cải Tạo Hồ Nổi Nuôi Tôm Ở Hoài Nhơn Người Nuôi Bức Xúc Vì Phải Chờ Quy Hoạch

Xung Quanh Việc Cải Tạo Hồ Nổi Nuôi Tôm Ở Hoài Nhơn Người Nuôi Bức Xúc Vì Phải Chờ Quy Hoạch
Ngày đăng: 17/06/2013

Sau nhiều năm nuôi tôm thất bại, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn - Bình Định) cải tạo ao, hồ nuôi tôm bằng cách đổ đất, cát nâng đáy hồ và lót bạt (người dân địa phương gọi là hồ nổi) để tiếp tục nuôi tôm với hy vọng hạn chế được dịch bệnh, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã ngăn cấm cách làm nói trên, khiến cho người nuôi tôm bức xúc.

Nhiều diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang

Vùng nuôi tôm ở xã Hoài Hải nằm ở cuối một nhánh của dòng sông Lại thuộc địa bàn 3 thôn Kim Giao Nam, Kim Giao Thiện và Diêu Quang với tổng diện tích trên 34 ha mặt nước. Nhiều năm qua, diện tích nói trên đã được người dân sử dụng nuôi tôm sú theo phương thức quảng canh, song bị thất bại, nợ nần do tôm nuôi liên tiếp bị dịch bệnh gây hại.

Để hạn chế dịch bệnh tôm nuôi, một số hộ dân đã cải tạo lại ao hồ bằng cách đổ đất, cát nâng đáy hồ, lót bạt làm hồ nổi để nuôi tôm và đã thành công. Thấy vậy, nhiều hộ khác cũng học tập làm theo, nhưng họ đã bị chính quyền địa phương ngăn cấm và tịch thu phương tiện.

Bên hồ tôm đang được cải tạo dở dang, ông Lê Văn Hùng, người nuôi tôm ở đây, cho biết: “Năm 2011 tôi mua lại hồ (diện tích 5.800 m2) của một người dân trong xã với giá 160 triệu đồng để nuôi tôm. Hai vụ tôm trong năm 2012, tôm nuôi đều dịch bệnh chết, thua lỗ 120 triệu đồng.Thấy hai hộ bên cạnh cải tạo hồ nổi nuôi tôm hiệu quả, đầu tháng 6.2013, tôi vay mượn tiền thuê máy móc làm theo nhưng đã bị UBND xã tịch thu máy. Hồ tôm bỏ không, không có công ăn việc làm, tôi không biết xoay xở bằng cách nào để kiếm tiền trả nợ”.

Cạnh hồ nuôi tôm của ông Hùng là hàng chục hồ tôm khác cũng đang bị bỏ hoang, bờ ao sạt lở, máy móc và thiết bị phục vụ nuôi tôm bị hư hỏng nằm lăn lóc. Ông Trương Văn Tài - ở thôn Kim Giao Thiện, cũng đã bỏ hoang hồ tôm diện tích 8.500m2, cho biết: “Các hồ nổi cao hơn hồ chìm (hồ chưa được cải tạo, nâng đáy), nên chất thải và nước thải từ hồ nổi đều đổ dồn xuống các hồ chìm, khiến cho môi trường nước ô nhiễm, dịch bệnh tôm phát sinh. Nếu tiếp tục nuôi tôm ở hồ chìm thì càng thua lỗ nên chúng tôi không dám thả tôm. Có hộ thả nuôi cá chua, sản lượng cá đạt cao, nhưng không tìm được đầu ra, bị thua lỗ nặng, nên cũng bỏ hoang hồ. Nâng đáy hồ, lót bạt để nuôi tôm đạt hiệu quả hơn là việc làm cần thiết và là nguyện vọng chính đáng của bà con, nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương lại gây khó dễ”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong tổng số 34 ha mặt nước nuôi tôm ở xã Hoài Hải, chỉ có 10 ha được người dân sử dụng để nuôi tôm (chủ yếu là diện tích mặt nước nuôi tôm bằng hồ nổi), diện tích còn lại của hơn 40 hộ dân khác đều đang bị bỏ hoang. Trao đổi với chúng tôi, phần lớn các hộ dân không được cải tạo hồ nuôi tôm thành hồ nổi đều rất bức xúc, họ cho rằng chính quyền địa phương xử lý không công bằng.

Chờ quy hoạch

Trong cùng một vùng nuôi, một số hộ được cải tạo hồ thành hồ nổi để nuôi tôm và đạt hiệu quả cao, nhưng nhiều hộ khác lại không được làm, nên người nuôi tôm ở đây bức xúc cũng là điều dễ hiểu.

Ông Huỳnh Có, Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, do môi trường nước bị ô nhiễm, dịch bệnh tôm liên tục bùng phát nên có một số hộ đã tự ý nâng đáy hồ, lót bạt nuôi tôm theo hướng bán thâm canh và thâm canh. Tháng 5.2012, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo không cho người nuôi tôm tự ý cải tạo, nâng cấp hồ nuôi tôm đất thành hồ nổi vì sợ chất thải từ các ao nổi sẽ làm môi trường nước bị ô nhiễm nặng hơn và ngăn cản đường tiêu thoát lũ ở địa phương.

Bởi vậy, chúng tôi đã ngăn cản các hộ dân tự ý nâng cấp hồ tôm thành hồ nổi kể từ tháng 5.2012 theo chỉ đạo của huyện. Riêng một số trường hợp được làm hồ nổi trong năm 2012 là do thời điểm văn bản cấm người dân làm hồ nổi có hiệu lực thì họ đang cải tạo hồ tôm dở dang, chi phí đầu tư lớn, nên chúng tôi xin ý kiến huyện và huyện đã đồng ý cho họ hoàn thiện hồ nổi. Còn các trường hợp khác đều không được phép, ai làm chúng tôi đình chỉ ngay”.

Vậy chính quyền địa phương có phương án nào giúp người nuôi tôm hạn chế dịch bệnh phát sinh, tiếp tục nuôi tôm để có điều kiện trả nợ? Chúng tôi hỏi. Ông Có trả lời: “Chúng tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này, nhưng chưa có giải pháp nào hữu hiệu để giúp người dân giải quyết khó khăn. Hiện xã đang chờ cấp trên quy hoạch cụ thể vùng nào được nuôi tôm, vùng nào không được nuôi mới có cơ sở phổ biến cho người dân thực hiện”.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trước thực trạng nhiều hộ dân tự ý sử dụng đất vườn để xây dựng hồ tôm và cải tạo hồ nuôi tôm thành hồ nổi, gây ô nhiễm môi trường, ngăn cản đường tiêu thoát lũ, tháng 5.2012, UBND huyện đã chỉ đạo ngăn cấm và xử lý các đối tượng có hành vi nói trên. Riêng khu vực nuôi tôm ở xã Hoài Hải, nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng, nếu tiếp tục để dân cải tạo hồ tôm thành hồ nổi, nuôi tôm theo hướng thâm canh thì chất thải từ các hồ tôm thải ra môi trường sẽ nhiều hơn.

Hơn nữa, nguồn nước ngầm ở Hoài Hải rất hạn chế, nếu khai thác nước ngầm để nuôi tôm một cách ào ạt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước ngọt của người dân. Bởi vậy, UBND huyện chỉ đạo xã Hoài Hải không để dân tự ý cải tạo, nâng cấp hồ tôm thành hồ nổi, chờ tỉnh quy hoạch vùng nuôi tôm, đầu tư cơ sở hạ tầng…, mới hướng dẫn cụ thể cho dân vùng nào được cải tạo ao nuôi tôm, vùng nào không được làm, chứ để dân làm tự phát là không ổn”.

Theo chúng tôi, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng nuôi tôm nhằm tăng hiệu quả nghề nuôi tôm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, là việc làm hết sức cần thiết. Tuy vậy trong khi chờ tỉnh quy hoạch vùng nuôi tôm, chính quyền các cấp ở huyện Hoài Nhơn cũng cần phổ biến cho người nuôi tôm biết chủ trương phát triển nghề nuôi tôm của tỉnh, huyện và của xã, đồng thời sớm xây dựng và thực hiện phương án cụ thể, giúp các hộ nuôi tôm ở xã Hoài Hải khắc phục khó khăn trước mắt.


Có thể bạn quan tâm

Heo Chết La Liệt, Nghi Thức Ăn Có Vấn Đề Heo Chết La Liệt, Nghi Thức Ăn Có Vấn Đề

Liên tục nhiều ngày qua, đàn heo của khoảng 10 hộ chăn nuôi heo ở xã Bình Khánh Tây, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đột nhiên chết la liệt.

19/11/2012
Khó Khăn Trong Thu Hoạch Mía Ở U Minh (Cà Mau) Khó Khăn Trong Thu Hoạch Mía Ở U Minh (Cà Mau)

Mấy ngày qua, người trồng mía huyện U Minh (Cà Mau) đều có chung tâm trạng lo lắng, bởi giá mía bán ra rất thấp.

03/05/2013
Làm Giàu Trên Cát Trắng Từ Chăn Nuôi Bò Ở Ninh Thuận Làm Giàu Trên Cát Trắng Từ Chăn Nuôi Bò Ở Ninh Thuận

Nguyễn Văn Nổi, 50 tuổi là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở thôn Hòa Thạnh. Anh dày công đầu tư cải tạo vùng đất cát trắng phau ven biển trở thành trù mật cho những mùa cây trái bội thu. Trồng củ cải kết hợp chăn nuôi bò lai sind cung cấp sức kéo là con đường vươn lên làm giàu của anh Nổi trên vùng đất cát ven biển thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

21/11/2012
Đã Tìm Ra Nguyên Nhân Gây Hội Chứng Tôm Chết Sớm (EMS) Đã Tìm Ra Nguyên Nhân Gây Hội Chứng Tôm Chết Sớm (EMS)

Nhóm của Lighter cũng đã chỉ ra rằng, Hội chứng tôm chết sớm được gây nên bởi một chủng duy nhất của một loại vi khuẩn khá phổ biến, còn gọi là Vibrio parahaemolyticus, đã bị nhiễm bởi một loại virus được biết đến như một thực thể khuẩn mà phát ra một loại độc tố mạnh

04/05/2013
Nuôi Cá Chẽm Ở Thạch Sơn Ở Hà Tĩnh Nuôi Cá Chẽm Ở Thạch Sơn Ở Hà Tĩnh

Sau khi dự án ngọt hóa sông Nghèn đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân ở 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chẽm.

06/05/2013