Tăng sức bật cho đặc sản địa phương

Điểm bán hàng Việt Nam được Sở Công Thương tỉnh Lào Cai xây dựng tại Trạm dừng nghỉ số 5 - Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã và đang trở thành địa chỉ mua sắm đáng tin cậy cho đồng bào và du khách đến với Lào Cai.
Ông Hoàng Chí Hiền - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai - cho biết cụ thể, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai được Bộ Công Thương cấp 80 triệu đồng để xây dựng một Điểm bán hàng Việt Nam.
UBND tỉnh Lào Cai cũng quyết định dành 400 triệu đồng vốn đối ứng để xây dựng và đưa hàng hóa vào điểm bán hàng này.
Điểm bán hàng Việt Nam được đặt tại Trạm dừng nghỉ số 5 - Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có diện tích 200 m2, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất trong nước quảng bá sản phẩm, tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Lào Cai và tiến tới tìm kiếm đối tác, bạn hàng mở rộng thị trường xuất khẩu sang vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Lào Cai được giao quản lý điểm bán hàng và trong tương lai, sẽ giao lại cho doanh nghiệp quản lý.
Điểm bán hàng Việt Nam tại Lào Cai tập trung quảng bá sản phẩm đặc sản của tỉnh
Khác với nhiều địa phương là tập trung vào các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, Lào Cai đã quyết định xây dựng mô hình này thành một điểm bán hàng đặc sản địa phương. Hiện điểm bán hàng này đang có khoảng 50 sản phẩm của trên 15 doanh nghiệp và hộ gia đình, trong đó, nhiều sản phẩm địa phương nổi tiếng, được du khách ưa chuộng như mật ong, tinh bột nghệ, rượu, lá tắm….
Đặt Điểm bán hàng Việt Nam tại trạm dừng nghỉ giúp các sản phẩm dễ dàng được du khách chọn mua sau những chuyến du lịch đến Lào Cai.
Ông Lò Xuân Quyết - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Lào Cai - cho biết mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng nay nhưng nhiều sản phẩm cung không đáp ứng đủ cầu như gạo Séng Cù, hoa quả, nông sản theo vụ...
Điểm bán hàng còn thực hiện chuyển nhiều đơn hàng đến tận địa chỉ khi khách hàng có nhu cầu.
Được biết, nhờ nguồn vốn đối ứng của tỉnh, hiện nay, tất cả các sản phẩm của địa phương khi đưa vào siêu thị đều được miễn phí tiền thuê quầy hàng.
Ông Hoàng Chí Hiền cho biết thêm, sắp tới, Sở Công Thương Lào Cai sẽ tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để du khách và DN biết đến điểm bán hàng này.
Mục tiêu xa hơn được hướng tới không chỉ dừng ở điểm quảng bá, bán hàng đặc sản địa phương có chất lượng mà còn là điểm phân phối các sản phẩm đặc sản của Lào Cai đi các tỉnh lân cận hoặc đặc sản của các tỉnh lân cận đến Lào Cai và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh sẽ kết nối mạnh hơn với nguồn sản xuất để xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, chủ động đơn hàng, cung ứng hàng hóa tốt hơn cho người tiêu dùng.
"Đặc biệt, là địa phương gần biên giới, trong hoàn cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Điểm bán hàng này được định hướng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho xuất khẩu sang biên giới chứ không chỉ bó hẹp phục vụ người tiêu dùng trong nước" ông Hoàng Chí Hiền nhấn mạnh.
Để đảm bảo hàng hóa tại Điểm bán hàng Việt Nam là hàng Việt Nam có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai đã ký cam kết với các doanh nghiệp, hộ gia đình để cung cấp những sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Phát biểu tại buổi kiểm tra Điểm hàng Việt Nam tại Lào Cai trong 2 ngày ngày 14 và 15/10, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả Điểm bán hàng Việt Nam tại Lào Cai đã làm được.
"Điều thành công nhất của Lào Cai là đã được UBND và Sở Công Thương tỉnh quan tâm, dành nguồn vốn đối ứng lớn để xây dựng điểm, đồng thời cho nhân viên xuống để hỗ trợ thời gian đầu.
Bên cạnh đó, điểm bán hàng này chọn được vị trí đắc địa, ngay trên tuyến đường du lịch để xây dựng, giúp hàng Việt tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là du khách" bà Nga nói.
"Tuy nhiên, về lâu dài, điểm bán hàng này cần đa dạng hóa hơn nữa các mặt hàng bày bán bởi Lào Cai còn rất nhiều sản phẩm đặc sản như nông sản Sapa, thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ...
Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền như phát tờ rơi cho du khách tại các điểm du lịch.
Tăng cường kết nối cung cầu để làm sao đưa hàng hóa vào điểm bán hàng, giúp tiêu thụ tốt hơn sản phẩm địa phương cho bà con.
Đặc biệt, biển hiệu Điểm bán hàng Việt Nam cần được treo ngay tại cửa ra vào thay vì chỉ treo trong quầy hàng như hiện nay để du khách có thể dễ dàng nhận biết ngay cả khi ngồi trên xe hay đi qua tuyến đường này" bà Lê Việt Nga gợi ý.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2009, một vài hộ dân thôn Lập Định, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, từ một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sáp. Với diện tích 4 ha ban đầu, đến nay toàn xã đã có 60 ha trồng khoai sáp.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), trong tuần qua, nhiều nơi ở các khu vực Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nguyên không có mưa hoặc mưa nhỏ nên đã xảy ra hiện tượng hạn cục bộ.

Trong khi nhiều nông dân đang loay hoay với bài toán “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” thì nhiều thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) sản xuất lúa giống xã Bình Thạnh Trung (Đồng Tháp) lại yên tâm hơn về hạt lúa của mình làm ra. Bởi lẽ, họ tham gia vào mô hình sản xuất lúa giống được bao tiêu từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch.

Xoài cát Phù Cát (Bình Định) thuộc giống xoài cát Hòa Lộc, được sản xuất theo phương pháp VietGAP, chất lượng thơm ngon, hương vị đậm đà, mỗi quả nặng từ 0,25 - 0,6kg, giá cả phù hợp, nên đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) vừa thành lập Tổ hợp tác trồng trọt chuyên trồng giống ổi lê Đài Loan. Ông Nguyễn Minh Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố, cho biết ổi lê Đài Loan là cây dễ trồng, chỉ từ 8 đến 10 tháng là có thu hoạch.