Tăng sức bật cho đặc sản địa phương
Điểm bán hàng Việt Nam được Sở Công Thương tỉnh Lào Cai xây dựng tại Trạm dừng nghỉ số 5 - Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã và đang trở thành địa chỉ mua sắm đáng tin cậy cho đồng bào và du khách đến với Lào Cai.
Ông Hoàng Chí Hiền - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai - cho biết cụ thể, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai được Bộ Công Thương cấp 80 triệu đồng để xây dựng một Điểm bán hàng Việt Nam.
UBND tỉnh Lào Cai cũng quyết định dành 400 triệu đồng vốn đối ứng để xây dựng và đưa hàng hóa vào điểm bán hàng này.
Điểm bán hàng Việt Nam được đặt tại Trạm dừng nghỉ số 5 - Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có diện tích 200 m2, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất trong nước quảng bá sản phẩm, tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Lào Cai và tiến tới tìm kiếm đối tác, bạn hàng mở rộng thị trường xuất khẩu sang vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Lào Cai được giao quản lý điểm bán hàng và trong tương lai, sẽ giao lại cho doanh nghiệp quản lý.
Điểm bán hàng Việt Nam tại Lào Cai tập trung quảng bá sản phẩm đặc sản của tỉnh
Khác với nhiều địa phương là tập trung vào các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, Lào Cai đã quyết định xây dựng mô hình này thành một điểm bán hàng đặc sản địa phương. Hiện điểm bán hàng này đang có khoảng 50 sản phẩm của trên 15 doanh nghiệp và hộ gia đình, trong đó, nhiều sản phẩm địa phương nổi tiếng, được du khách ưa chuộng như mật ong, tinh bột nghệ, rượu, lá tắm….
Đặt Điểm bán hàng Việt Nam tại trạm dừng nghỉ giúp các sản phẩm dễ dàng được du khách chọn mua sau những chuyến du lịch đến Lào Cai.
Ông Lò Xuân Quyết - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Lào Cai - cho biết mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng nay nhưng nhiều sản phẩm cung không đáp ứng đủ cầu như gạo Séng Cù, hoa quả, nông sản theo vụ...
Điểm bán hàng còn thực hiện chuyển nhiều đơn hàng đến tận địa chỉ khi khách hàng có nhu cầu.
Được biết, nhờ nguồn vốn đối ứng của tỉnh, hiện nay, tất cả các sản phẩm của địa phương khi đưa vào siêu thị đều được miễn phí tiền thuê quầy hàng.
Ông Hoàng Chí Hiền cho biết thêm, sắp tới, Sở Công Thương Lào Cai sẽ tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để du khách và DN biết đến điểm bán hàng này.
Mục tiêu xa hơn được hướng tới không chỉ dừng ở điểm quảng bá, bán hàng đặc sản địa phương có chất lượng mà còn là điểm phân phối các sản phẩm đặc sản của Lào Cai đi các tỉnh lân cận hoặc đặc sản của các tỉnh lân cận đến Lào Cai và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh sẽ kết nối mạnh hơn với nguồn sản xuất để xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, chủ động đơn hàng, cung ứng hàng hóa tốt hơn cho người tiêu dùng.
"Đặc biệt, là địa phương gần biên giới, trong hoàn cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Điểm bán hàng này được định hướng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho xuất khẩu sang biên giới chứ không chỉ bó hẹp phục vụ người tiêu dùng trong nước" ông Hoàng Chí Hiền nhấn mạnh.
Để đảm bảo hàng hóa tại Điểm bán hàng Việt Nam là hàng Việt Nam có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai đã ký cam kết với các doanh nghiệp, hộ gia đình để cung cấp những sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Phát biểu tại buổi kiểm tra Điểm hàng Việt Nam tại Lào Cai trong 2 ngày ngày 14 và 15/10, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả Điểm bán hàng Việt Nam tại Lào Cai đã làm được.
"Điều thành công nhất của Lào Cai là đã được UBND và Sở Công Thương tỉnh quan tâm, dành nguồn vốn đối ứng lớn để xây dựng điểm, đồng thời cho nhân viên xuống để hỗ trợ thời gian đầu.
Bên cạnh đó, điểm bán hàng này chọn được vị trí đắc địa, ngay trên tuyến đường du lịch để xây dựng, giúp hàng Việt tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là du khách" bà Nga nói.
"Tuy nhiên, về lâu dài, điểm bán hàng này cần đa dạng hóa hơn nữa các mặt hàng bày bán bởi Lào Cai còn rất nhiều sản phẩm đặc sản như nông sản Sapa, thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ...
Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền như phát tờ rơi cho du khách tại các điểm du lịch.
Tăng cường kết nối cung cầu để làm sao đưa hàng hóa vào điểm bán hàng, giúp tiêu thụ tốt hơn sản phẩm địa phương cho bà con.
Đặc biệt, biển hiệu Điểm bán hàng Việt Nam cần được treo ngay tại cửa ra vào thay vì chỉ treo trong quầy hàng như hiện nay để du khách có thể dễ dàng nhận biết ngay cả khi ngồi trên xe hay đi qua tuyến đường này" bà Lê Việt Nga gợi ý.
Related news
Quảng Ngãi có tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản, anh Lê Châu đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm, ốc hương cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
7 năm liền lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì đeo đuổi nghề nuôi thuần hóa cá chình, nhưng ông không bỏ cuộc. Sự kiên trì đã cho ông thành công mỹ mãn…
Công nghệ nuôi này có thể tăng mật độ nuôi lươn tối đa lên đến 600 con/m2, năng suất lên 25kg lươn thương phẩm/m2, cao gấp 2,5 - 4 lần so với thông thường.
Từ những cặp dúi giống ban đầu, đến nay anh Bùi Thanh Lương sở hữu trang trại nuôi dúi với quy mô hơn 500 con, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Lươn nuôi đạt tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại hộ nuôi của anh Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ ấp B1, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị