Sức Bật Mới Trên Huyện Cù Lao
Dù chỉ mới qua hơn 3/4 chặng đường của năm 2014 nhưng căn cứ những số liệu phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với dự báo khả năng đạt các chỉ tiêu đến cuối năm, Tân Phú Đông hoàn toàn có thể tin tưởng về bức tranh kinh tế, xã hội khả quan của năm nay.
ĐÒN BẪY NÔNG NGHIỆP
Nối tiếp thành công năm 2013, qua phần lớn chặng đường của năm 2014 đã cho thấy, sản xuất nông nghiệp tiếp tục làm nên dấu ấn, tạo sức bật lớn cho kinh tế, xã hội của Tân Phú Đông. Nhiều nông sản chính của huyện tiếp tục được giá. Từ đó, người dân quan tâm hơn đối với đầu tư phát triển sản xuất.
Cụ thể, thời gian qua, cây màu thực phẩm xuống giống ổn định 826 ha, tăng 30 ha, thu hoạch 10.335 tấn, tăng 1.682 tấn so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, cây sả chiếm phần lớn diện tích với 682 ha, tập trung ở các xã Phú Thạnh, Phú Đông, Tân Phú và đang có xu hướng mở rộng diện tích. Điều này cho thấy, cây sả đã thích nghi với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên trên vùng đất khắc nghiệt này.
Theo chiết tính của nông dân, năm 2014 giá sả dao động ở mức từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 70 triệu đồng/ha, cao hơn 4,7 lần so với trồng lúa chuyên canh. Cây ớt được đưa xuống chân ruộng với 86 ha. Qua những diện tích đã thu hoạch, lợi nhuận bình quân ước tính 16 triệu đồng/ha.
Cây mãng cầu Xiêm là 1 trong 2 cây trồng (cùng với cây sả) đang có lợi thế cạnh tranh, được người dân quan tâm lựa chọn chuyển đổi thay thế cho những cây trồng không hiệu quả khác. Trong năm, mãng cầu Xiêm có giá ổn định, trong đó có thời điểm giá tăng khá cao, lợi nhuận thu được ước 200 triệu đồng/ha.
Từ hiệu quả này, mãng cầu Xiêm từng bước mở rộng xuống phía Đông. Theo thống kê, hiện toàn huyện có 615 ha mãng cầu Xiêm (tăng 87 ha so với năm 2013) trong tổng 1.300 ha cây ăn trái (tăng 132 ha so cùng kỳ năm rồi).
Trong năm, có những thời điểm giá dừa giảm mạnh gây khó khăn cho người trồng nhưng gần đây đã phục hồi trở lại nên người trồng phần nào yên tâm gắn bó với cây công nghiệp lâu năm này. Trong lĩnh vực thủy sản, con tôm không có những biến động lớn do bệnh xảy ra rải rác nhưng không đáng kể.
Giá tôm tương đối thuận lợi, người nuôi thu lợi nhuận 220 triệu đồng/ha đối với tôm sú và 125 triệu đồng/ha đối với tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra, sò giống cũng được giá. Đến nay, việc thu hoạch sò trên diện tích quản lý thu được trên 4,1 tỷ đồng.
Năm 2014, trên địa bàn huyện triển khai 54 công trình xây dựng cơ bản. Đến nay, 17 công trình đã được hoàn thành, 5 công trình thi công đạt tiến độ trên 50% khối lượng, 18 công trình đạt tiến độ dưới 50% khối lượng công việc và 4 công trình chưa triển khai thi công, 10 công trình chờ tỉnh giao vốn.
Ngoài ra, trên địa bàn có 22 công trình chuyển tiếp từ năm 2013; đến nay có 20 công trình đã hoàn thành, 2 công trình còn lại sắp hoàn thành.
Để hướng đến sản xuất chất lượng, hiệu quả, cơ quan chức năng huyện thường quan tâm đến việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mô hình sản xuất giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với năm trước.
“Đến thời điểm này có thể nói, sản xuất nông nghiệp và giá cả nông sản năm nay cơ bản thuận lợi, người dân thu được lợi nhuận cao đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển” - ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết như thế.
Theo ông Hải, có được kết quả trên nhờ một phần những năm qua, người dân chú ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo đặc trưng, lợi thế của từng vùng. Để phân bố sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng, nguồn nước, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thuê đơn vị nghiên cứu quy hoạch phân vùng sản xuất thích nghi theo môi trường đất trên địa bàn huyện.
Về phía địa phương, huyện đã định hướng mở rộng diện tích mãng cầu xiêm lên 1.250 ha đến năm 2020; chuyển vùng sản xuất 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa - 1 vụ màu với diện tích rau màu phát triển lên 1.200 ha; giữ ổn định diện tích dừa.
CHÚ TRỌNG DIỆN CHÍNH SÁCH VÀ GIẢM NGHÈO
Ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện cho biết, Tân Phú Đông có tỷ lệ hộ nghèo cao nên huyện rất quan tâm đến chế độ, chính sách cho người có công, gia đình chính sách, hỗ trợ hộ nghèo. Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch và mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, lao động nghèo, người tàn tật. 15 lớp dạy nghề ngắn hạn được triển khai với 427 học viên tham gia; giải quyết việc làm cho 827 lao động.
Kế hoạch của huyện năm nay thực hiện 4 căn nhà tình nghĩa nhưng đến nay, huyện đã xây dựng 13 căn và sửa chữa 2 căn. Việc thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, thương - bệnh - binh, hộ nghèo nhân các dịp lễ, tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ được huyện quan tâm thực hiện với tổng mức chi 1,57 tỷ đồng.
Công tác giảm nghèo được xác định là công tác trọng tâm, xuyên suốt và có ý nghĩa rất lớn đối với huyện cù lao khó khăn này. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện triển khai nhiều giải pháp, nhất là cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ hộ nghèo… góp phần tạo điều kiện cho các hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, huyện đã kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Nếu khi thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo trên 50% thì phấn đấu đến cuối năm nay còn 29%.
Có thể bạn quan tâm
Các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm, nếu muốn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản, phải có vùng nguyên liệu tối thiểu 10% công suất và phải ký hợp đồng mua tôm nguyên liệu có sự chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước.
Chủ trương của tỉnh là xây dựng thương hiệu mạnh cho con cá thát lát Hậu Giang, từ đó mà dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cá thát lát Hậu Giang dùng cho sản phẩm cá thát lát của tỉnh Hậu Giang” được triển khai thực hiện.
Nuôi thủy sản là một trong những lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa ở các xã ngoại thành. Tuy nhiên, vào mùa mưa, mực nước dâng cao, gây nguy cơ tràn bờ, thất thoát tôm, cá. Vì vậy, người sản xuất cần chủ động các biện pháp đối phó để nguồn lợi này phát triển bền vững, hiệu quả.
Mức hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với diện tích sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; 100.000 đồng/ha/năm đối với diện tích sản xuất lúa trên đất lúa khác (trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa).
Trong khi nhiều gia đình ở 4 xã phía bắc: Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sính Phình, Sín Chải (huyện Tủa Chùa) đang băn khoăn trong việc nên mở rộng diện tích hay tạm ngừng phát triển trồng chè, vì giá rẻ, sản phẩm khó tiêu thụ thì 2 năm qua, gia đình anh Hạng A Chư, bản Hấu Chua, xã Sín Chải, lại có thu nhập khá từ chè cây cao.