Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp - Hướng Đi Cần Thiết
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đây lại là khu vực được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tuy là vùng đồng bằng, nhưng ĐBSCL lại có rừng ngập mặn ven biển, rừng nguyên sinh ở đảo Phú Quốc, rừng tràm ở Đồng Tháp Mười. Đây cũng là vùng cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, thủy sản của quốc gia.
Tăng trưởng chưa bền vững
Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng với khu vực và thế giới. Trong đó, vùng ĐBSCL đủ điều kiện trở thành trung tâm chế biến thực phẩm lớn nhất nước tham gia trong chuỗi giá trị nông sản của toàn cầu. Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Dương Quốc Xuân nhận định: ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước.
Thế nhưng, khu vực này có địa bàn nông thôn rộng lớn và cũng là khu vực được dự báo là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong khi đó, xu thế hội nhập, yêu cầu phát triển kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức đối với các tỉnh trong vùng.
Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, hiện nay nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Chẳng hạn như khối lượng nông sản hàng hóa nhỏ và chất lượng thấp nên chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại; nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.
Chưa kể là tình hình thiên tai, dịch bệnh, được mùa mất giá, an toàn vệ sinh thực phẩm là những trở ngại không nhỏ đối với ngành nông nghiệp. Trong khi đó, hiệu lực từ các văn kiện ký kết giữa nước ta và quốc tế như AFTA, WTO,… cùng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã cho thấy lĩnh vực nông nghiệp sẽ chịu nhiều tổn thương nhất trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá: Sản xuất nông nghiệp ở nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng đã và đang gây tác động tiêu cực đến môi trường như làm giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng.
Chi phí sản xuất nhiều loại nông sản ngày càng cao cũng bắt đầu làm giảm khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam với vị thế nhà sản xuất “chi phí thấp” trên trường quốc tế. Vì vậy, chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là vấn đề cần được cả hệ thống chính trị phải quan tâm để tiếp tục phát triển có năng suất, chất lượng và hiệu quả bền vững.
Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp là công việc lớn không chỉ của các nhà kinh doanh, mà phải từ người sản xuất, bất kể đó là nhà máy chế biến, doanh nghiệp hay nông hộ. Tất cả phải tham gia vào thị trường, tìm mọi cách mở rộng thị trường, làm tăng sức cầu.
Nhà nước tạo ra thể chế chính sách phát triển thị trường chứ không phải là người tiêu thụ hàng hóa, cũng không phải là nhà cứu trợ thường xuyên khi có trục trặc giữa cung cầu. Nhưng nhà nước phải làm tốt công việc của mình bảo đảm vận hành của thể chế thị trường, cung cấp thông tin, dự báo và công tác quy hoạch.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, tái cơ cấu thực ra là tái cấu trúc lĩnh vực nông nghiệp. Mà trước hết, cần xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm để định hướng người dân canh tác theo chuỗi giá trị, có đầu tư hàm lượng chất xám cao trên cơ sở quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, khu vực canh tác khác nhau.
Theo đó, cần tập trung sản xuất ra những sản phẩm nông sản phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, cũng như quan tâm khâu cơ giới hóa, tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, sản xuất phải gắn với công tác đầu tư xây dựng nhà kho bảo quản, nhà máy chế biến sản phẩm đảm bảo trước khi cung cấp cho thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân được nhanh và bền vững hơn. Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là thay đổi cây trồng vật nuôi, mà phải điều chỉnh những hợp phần có tính chất cơ cấu, lâu dài, cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Đặc biệt là phải thay đổi từ cách nghĩ, cách làm, nỗ lực tăng sản lượng, nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững cho nhà nông. Muốn vậy, phải chú trọng và phát triển thị trường, hỗ trợ nông dân nhanh chóng thích ứng với biến đổi và nhu cầu thị trường. Cùng với đó là quan tâm chuyển giao và hỗ trợ nông dân khoa học công nghệ, kể cả nông nghiệp công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm
Bổ sung 5 loại Vàng Ô sử dụng trong công nghệ dệt nhuộm. cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Tây Nguyên vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 Âm lịch hàng năm trên các sườn đồi, dưới thung lũng dã quỳ nở hoa vàng rực.
Tháng 2-2011, Dự án Phát triển ca cao chứng nhận UTZ chính thức khởi động tại Bến Tre thông qua sự hỗ trợ của tổ chức Helvetas Việt Nam.
Năm 2003, sau khi được thành lập, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng tập trung ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trên các đối tượng cây trồng chính như: khoai tây, dâu tây, các giống hoa cắt cành và giống địa lan phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nên nhiều diện tích lúa mới xuống giống của nông dân khu vực đầu nguồn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị thiệt hại, có diện tích người dân phải sạ lại, khiến chi phí sản xuất tăng cao.