Nuôi Ếch Thu Nhập 200 Triệu Đồng/năm
Với nghề nuôi ếch thịt và sản xuất ếch giống, ông Đinh Như Trực (thôn Di Tây, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã có thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.
Sinh ra trong gia đình nghèo đông anh em nên cậu bé Trực đành nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Lớn lên, lấy vợ, sinh con, cuộc sống của gia đình cũng chẳng khá khẩm gì. Ông Trực quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng việc nuôi gà công nghiệp, rồi nuôi chim cút, nhưng đều chịu thất bại đắng cay.
Ông Trực tâm sự: “Sau nhiều lần thất bại với gà công nghiệp, chim cút, kinh tế sa sút, nợ nần chồng chất. Cuộc sống lâm vào bế tắc, nhiều khi tôi muốn buông xuôi...”.
Nhưng dịp may đã đến với ông, đầu năm 2006, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh có mô hình thí điểm cho ND nuôi ếch thịt. Ông Trực được nhận 2.400 con ếch giống nuôi thương phẩm, sau đó nhận tiếp 10 cặp ếch giống bố mẹ.
“Khi vừa bắt tay vào nuôi ếch, tôi gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, ếch lại bệnh tật thường xuyên, tưởng chừng sẽ bỏ cuộc. May mắn là có sự giúp đỡ tận tình về quy trình kỹ thuật của các kỹ sư từ Trung tâm Khuyến ngư tỉnh nên mọi khó khăn cũng qua dần”- ông Trực chia sẻ.
Sau 7 năm lặn lộn với con ếch, với diện tích 500m2 mặt nước, ông Trực xuất bán 3 tấn ếch thịt/năm, thu nhập trên 200 triệu đồng (giá bán từ 70.000-100.000 đồng/kg). Ngoài ra, ông còn xuất bán 10.000 con ếch giống/năm cho các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình…
Theo ông Trực, ếch dễ nuôi, nguồn thức ăn dồi dào và dễ kiếm, diện tích nuôi nhỏ nhưng cho thu nhập cao, có thể tận dụng diện tích vườn nhà đào ao thả nuôi. Hiện nay ông Trực đang nuôi thêm giun quế và cá rô đầu vuông... Ông rất tin tưởng vào sự thành công vì đã học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình trang trại và tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật.
Bà con muốn học hỏi kinh nghiệm nuôi ếch, liên hệ ông Trực, ĐT: 0973414150.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2014, tổng diện tích dưa hấu trên địa bàn huyện Bát Xát khoảng 60 ha. Trong đó, dưa hấu được trồng nhiều nhất ở các xã: Phìn Ngan (30 ha), Quang Kim (20 ha), diện tích còn lại được trồng rải rác ở các xã: Bản Qua, Cốc San, Toòng Sành. Năm nay, cây dưa hấu sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 12 tấn/ha, tổng sản lượng dưa hấu toàn huyện đạt khoảng 720 tấn.
Gần 1 tuần nay, giá các loại rau ăn lá, ăn quả bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục tăng thêm từ 3-5 ngàn đồng/kg. Ngày 17-6, rau ăn lá như: cải ngọt, cải xanh bán lẻ tại chợ là 10-12 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 3-4 ngàn đồng/kg; mùng tơi, rau dền, khổ qua, dưa leo có giá từ 9-10 ngàn đồng/kg, tăng 3 ngàn đồng/kg; bầu, bí xanh 14-16 ngàn đồng/kg, tăng 5 ngàn đồng/kg so với cách đây gần 1 tuần.
Gần 1 tháng qua, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn An Giang và các tỉnh lân cận đã ngưng mua cá nguyên liệu của nông dân, làm người nuôi điêu đứng. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, do thị trường thế giới hạn chế nhập hàng; giá xuất khẩu chỉ tăng 30 cent, nhưng giá nguyên liệu lại tăng 2.500 đồng/kg, nên doanh nghiệp hạn chế sản xuất.
Nhưng do người dân chạy theo thị trường, không theo quy hoạch dẫn tới cung vượt cầu và hệ quả là điệp khúc trồng - chặt - trồng liên tục diễn ra, người nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn. Hiện nhiều người dân đã quay lưng với cây cao su, loại cây một thời làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Nhiều nông dân ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã mạnh dạn phá bỏ thế độc canh cây lúa, chuyển sang trồng xen canh rau màu mang lại hiệu quả cao.