Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Héo Mặt Vì Dưa Hấu

Nông Dân Héo Mặt Vì Dưa Hấu
Ngày đăng: 20/02/2014

“Trồng dưa hấu chẳng khác gì đánh bạc, may rủi lắm. Trời thương thì được mùa, được giá, còn không đặng thì phải chịu thua lỗ. Vụ này, ai cũng héo mặt vì giá thấp, còn dưa non thì rụng trái, chết nhiều”- ông Nguyễn Văn Luần (xã Xuân An, thị xã An Khê, Gia Lai) nói trong than thở.

Nếu như dịp trước và trong Tết, giá dưa hấu nằm từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg thì tính đến thời điểm này chỉ còn dao động ở mức 3.500-5.000 đồng/kg. Nhiều nông dân có ruộng dưa sắp đến kỳ thu hoạch đang đứng ngồi không yên vì giá dưa không ngừng rớt. Điều đó đồng nghĩa họ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ là rất cao.

Hơn chục năm gắn bó với dưa hấu, ông Luần đã trải qua không ít buồn vui cùng loại cây trồng này. Dù có năm giá dưa quá thấp, thương lái không muốn ngó ngàng, mọi công sức, tiền của coi như đổ sông đổ biển, thế nhưng ông vẫn quyết định bám riết với nó. Bởi lẽ theo ông, dù gì thì trồng dưa hấu vẫn lợi hơn trồng mía hay mì.

Vụ mùa này, ông Luần thuê 1,7 ha đất với giá 2 triệu đồng/sào tại làng Lá, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ để trồng dưa. Chỉ còn 10 ngày nữa là đến thời điểm thu hoạch, thế nhưng ông không khỏi lo lắng trước thực trạng giá dưa liên tục giảm.

Ông Luần chia sẻ: “Thời tiết năm nay khá bất lợi, lạnh nhiều nên dưa hấu đậu trái ít, chắc chắn là không đạt đầu tấn, cao lắm chỉ được khoảng 25-30 tấn/ha thôi (từ 55-60 tấn/ha mới gọi là được mùa-NV). Với tình hình giá cả bấp bênh thế này, huề vốn đã là mừng chứ đừng nói lời lãi”.

Cùng chung tâm trạng như ông Luần, anh Trương Văn Mai (thôn 5, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) thở dài: “Mỗi ha, trung bình cả tiền thuê đất và chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… phải mất từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Đó là chưa kể mùa này gió nhiều, phải bỏ ra một khoản chi phí nữa để mua lưới chắn gió cho dưa. Phần lớn vốn chúng tôi đều phải đi vay mượn hoặc nhận đầu tư trả sau cả. Dưa gần hái rồi mà giá cả cứ hạ hoài, rầu thúi ruột. Mong sao nó tăng lại lên 10.000 đồng/kg là khỏi phải lo”.

Không bận tâm lắm đến giá dưa trên thị trường vì thời điểm xuống giống chậm hơn, song, chủ của những ruộng dưa trồng muộn này cũng đang điêu đứng trước tình trạng dưa liên tục chết dây, rụng trái trên diện rộng.

1 ha dưa của anh Nguyễn Song Nam (xã Cư An, huyện Đak Pơ) đang trong giai đoạn nuôi trái. Thế nhưng mỗi ngày, anh Nam phải tự tay nhổ bỏ đi hơn 10 bụi dưa vì có biểu hiện chết dây, héo quả. Công việc này, theo anh, để loại bỏ bớt mầm bệnh, tránh lãng phí phân, nước cũng như tạo độ thoáng cho những cây còn lại phát triển.

“Từ khi trồng đến giờ, đám dưa của tôi chết dây hết 40%, cứ hôm nay thấy héo là mai chết, phun đủ loại thuốc mà chẳng khắc phục được, chỉ còn biết đứng nhìn thôi. Trồng 4, 5 mùa rồi, dưa cũng có chết nhưng theo luống chứ chưa thấy mùa nào chết cả loạt như năm nay”- anh Nam tâm sự.

Không riêng bệnh “chết dây”, những người trồng dưa hấu tại khu vực làng Hưnh Dờng (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) còn khốn đốn vì dưa rụng trái. “Thông thường khi trồng dưa, chúng tôi hay giữ lại nhụy hoa thứ 2 hoặc thứ 3 để nuôi trái, còn lại bỏ hết vì nhụy 1 do sát gốc, còn từ nhụy 4 trở đi thì sát ngọn, trái to nhưng rất dễ bị nứt.

Thế rồi chẳng hiểu do ảnh hưởng thời tiết lạnh lâu, sương nhiều hay sao mà dưa cứ lớn cỡ trái mận là rụng hết, chẳng thể cứu chữa. Cuối cùng bây giờ cũng đành phải giữ nhụy 4-6 mà nuôi trái dù biết khả năng được “ăn” là rất ít” - anh Mai bộc bạch.

Theo chia sẻ của người trồng, dưa hấu là loại cây khó tính, không thể trồng mãi ở một vùng đất. Thường thì sau mỗi vụ thu hoạch, phải đợi ít nhất 3 năm cho đất “nghỉ” thì mới có thể tái sản xuất và cho năng suất. Hơn nữa, đầu ra cho dưa hấu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên rất khó nắm chắc “phần thắng” trong tay khi rót vốn đầu tư vào loại quả này. Biết thế, nhưng vì “bát cơm” nhiều nông dân vẫn chọn cách “nhắm mắt đưa chân”, cầu may và hy vọng.


Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi Tìm Tiếng Nói Chung Về Trồng Và Thu Mua Mía Quảng Ngãi Tìm Tiếng Nói Chung Về Trồng Và Thu Mua Mía

Vài năm trở lại đây, nông dân ngày càng xa rời cây mía vì cho rằng Nhà máy Đường Phổ Phong (Nhà máy) ép họ trong quá trình đầu tư sản xuất cũng như thu mua. Niên vụ 2013 - 2014, Nhà máy thu mua mía nguyên liệu với giá 850.000 đồng/tấn loại 10 chữ đường (CCS), thấp hơn năm trước 50.000 đồng/tấn.

05/07/2014
Nuôi Chồn Mướp Sinh Sản Lãi Khá Nuôi Chồn Mướp Sinh Sản Lãi Khá

Cách nay hơn 4 năm, phong trào nuôi nhím trên địa bàn huyện phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, đầu ra của loài vật nuôi này rất bấp bênh. Trong khi đó, chồn mướp là vật nuôi mới lạ, cho giá trị kinh tế cao mà số lượng hộ nuôi không nhiều. Vì thế, anh Nhi dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi, cách làm chuồng...

02/12/2014
Hiệu Quả Mô Hình Vỗ Béo Bò Thịt Tại Tỉnh Vĩnh Phúc Hiệu Quả Mô Hình Vỗ Béo Bò Thịt Tại Tỉnh Vĩnh Phúc

Năm 2014, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án xây dựng mô hình trình diễn với quy mô 160 con bò, 130 lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật. Sau khi được tham gia tập huấn các hộ đã biết áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế chăn nuôi tại gia đình như: Cách tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, cho ăn thức ăn hỗn hợp kết hợp thức ăn thô xanh, cách trồng và ủ chua thức ăn xanh… nên đàn bò khỏe mạnh, lớn nhanh, tăng trọng bình quân 738,5 g/con/ngày, bình quân mỗi bò vỗ béo cho lãi từ 1,5 - 2 triệu đồng/con/tháng. Như vậy nuôi bò vỗ béo cho hiệu kinh tế cao hơn so với nuôi thông thường > 15%.

02/12/2014
Long Mỹ (Hậu Giang) Phát Triển Diện Tích Cam Xoàn Long Mỹ (Hậu Giang) Phát Triển Diện Tích Cam Xoàn

Theo các nhà vườn trồng cam xoàn trong huyện, hàng năm mỗi héc-ta cam xoàn cho năng suất từ 20-25 tấn trái/năm, có thể thu lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng. Theo dự báo của ngành nông nghiệp huyện, diện tích trồng cam xoàn ở huyện Long Mỹ sẽ còn tăng nhiều trong thời gian tới.

05/07/2014
Cam Sành, Cây Chủ Lực Cây Làm Giàu Cam Sành, Cây Chủ Lực Cây Làm Giàu

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015, tỉnh ta sẽ phát triển đạt 5.000ha cam, quýt. Và theo mục tiêu phát triển của tỉnh, từ năm 2016 – 2020, mỗi năm toàn tỉnh sẽ tiếp tục trồng mới 350ha, đầu tư thâm canh xây dựng vườn cam kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm 400ha.

05/07/2014