Bảo Vệ Gà Đông Tảo Trước Dịch Cúm Gia Cầm
Gần đây, một số trang mạng điện tử phản ánh về người chăn nuôi gà Đông Tảo phát sốt vì lo, phải mang gà đi ký gửi ở các địa phương khác để tránh dịch. Để tìm hiểu thực hư về những thông tin trên, chúng tôi đã về địa phương tìm hiểu.
Thông tin thất thiệt
Xã Đông Tảo (Khoái Châu) là nơi khởi nguồn, đồng thời là địa phương nuôi gà Đông Tảo nhiều nhất của tỉnh Hưng Yên. Những năm gần đây, gà Đông Tảo “lên ngôi” do được người tiêu dùng chọn mua làm quà biếu và làm thực phẩm nên đã trở thành hàng “độc” với giá bán cao hơn nhiều lần so với giống gà khác.
Theo đó, nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh chọn nuôi giống gà quý này làm hướng đi trong phát triển kinh tế. Riêng xã Đông Tảo hiện có hơn 2000 hộ nuôi, chủ yếu nuôi gà sinh sản, chiếm trên 90% tổng số hộ dân trong xã, trong đó có hơn 200 hộ nuôi với quy mô từ 40 mái trở lên. Mỗi năm, các hộ chăn nuôi gà Đông Tảo thu lãi hơn 10 tỷ đồng. Nhiều hộ "phất lên" nhờ nuôi gà Đông Tảo.
Khi được hỏi thông tin trên một số trang mạng điện tử phản ánh về hiện tượng người nuôi gà Đông Tảo lo lắng lây dịch phải đem gà đi ký gửi ở nơi khác, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo cho biết: “Tôi và các hộ chăn nuôi gà Đông Tảo ở huyện vô cùng bức xúc trước những thông tin thất thiệt trên". Ông Thắng cũng xác nhận, trên mạng đăng tải nội dung thông tin thiếu trung thực, kể cả những nhân vật đăng trên mạng đều không có thật làm mất uy tín.
Tôi vẫn thường xuyên đến thăm và hướng dẫn các hộ chăm sóc, bảo vệ đàn gà nhưng không thấy ai kể cũng không thấy ai mang gà đi gửi. Bằng kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà Đông Tảo, tôi khẳng định không gửi đâu bằng chuồng trại của nhà bởi gà sống đâu quen môi trường ở đó; vận chuyển trong thời tiết như hiện nay là mất an toàn, chưa nói đến việc chăm sóc không bảo đảm, hơn nữa trên địa bàn huyện chưa xảy ra dịch cúm gia cầm.
Đặt giả thiết những hộ nuôi một vài con còn gửi được, chứ hộ chăn nuôi lớn thì chuyển đi đâu?”. Đồng tình với lập luận của ông Thắng, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã phủ nhận những thông tin trên mạng điện tử đã đăng tải.
Gà Đông Tảo vẫn an toàn và được giá
Do gà Đông Tảo mang lại hiệu quả kinh tế cao nên việc bảo tồn nguồn gen, chăm sóc, bảo vệ gà thương phẩm được người chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Qua ghi nhận của phóng viên, hầu hết các hộ chăn nuôi gà đều che chắn chuồng trại kín đáo, bảo đảm cho gà được ấm áp. Công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi được duy trì thường xuyên, đồng thời thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết.
Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của huyện và ngành chuyên môn, xã Đông Tảo đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Những ngày qua, trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều địa phương, trong đó có xã Đại Đồng (Văn Lâm), cán bộ chăn nuôi – thú y thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình dịch bệnh ở đàn vật nuôi. Đài truyền thanh xã tăng cường thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi (25.2 đến 25.3), xã được tỉnh cấp hơn 50 lít thuốc sát trùng, huyện cấp 4 tấn vôi bột để khử trùng tiêu độc nơi công cộng, nơi có nguy cơ dịch bệnh cao. Hiện nay công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng đang được tiến hành. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn chủ động mua vật tư, vắc xin phòng dịch bảo vệ đàn vật nuôi của mình.
Lãnh đạo xã khẳng định: Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và kinh nghiệm của người chăn nuôi, tình hình dịch bệnh ở đây vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu cẩn trọng nên gà bị chết với số lượng ít do nhiễm bệnh thông thường như bệnh viêm đường hô hấp ghép với thương hàn, bệnh tiêu chảy… Hiện tại đàn gà Đông Tảo vẫn phát triển bình thường.
Tuy hoạt động vận chuyển, mua bán có giảm so với dịp Tết Nguyên đán nhưng giá xuất bán tương đối ổn định, cụ thể gà thịt thương phẩm giá 200-220 nghìn đồng/kg, gà giống 1 ngày tuổi giá 60 – 150 nghìn đồng/con. Vì vậy, tâm lý người chăn nuôi không quá lo lắng. Huyện và ngành chức năng đang tích cực làm các thủ tục cần thiết để xây dựng thương hiệu gà Đông Tảo.
Hiện nay đang thời tiết mùa xuân, là thời điểm hay có những đợt rét kèm mưa phùn, độ ẩm không khí cao làm cho sức đề kháng của vật nuôi suy giảm.
Vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, sưởi ấm và không thả gà sớm; bổ sung đủ chất dinh dưỡng; tiêm đủ các loại vắc xin và vệ sinh sạch sẽ môi trường chăn nuôi; chỉ mua, vận chuyển, nuôi gà ở cơ sở có uy tín, đã qua kiểm dịch; các hộ chăn nuôi lớn hạn chế người ra vào tiếp xúc với vật nuôi…
Có thể bạn quan tâm
Sau một thời gian thông tin trái cây bị nhúng hóa chất cho mau chín và bảo quản được lâu tạm lắng xuống thì những ngày qua trên mạng xã hội, một loạt hình ảnh chụp cận cảnh trái sầu riêng ngâm trong thùng hóa chất màu vàng được share (chia sẻ) với tốc độ chóng mặt. Những hình ảnh này cùng với lời cảnh báo các công ty xuất khẩu trái cây của Trung Quốc đang sử dụng một loại hóa chất độc hại để làm chín các loại trái như sầu riêng, mít, chuối, xoài, táo… khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng.
Ngày 13-8, tại xã Nhơn Sơn, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học SRE&RL phòng, chống nấm mốc trên Nho giai đoạn trước và sau thu hoạch. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Khoa học& Công nghệ, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các nhóm liên kết trồng nho trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Trong hành trình xây dựng Cam Cao Phong trở thành một thương hiệu có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn, chứng nhận VietGAP được coi là cột mốc quan trọng giúp nâng tầm giá trị của thương hiệu Cam Cao Phong. Đến thời điểm này, trong hàng nghìn ha cam đang được canh tác hiệu quả trên đất Cao Phong mới chỉ có gần 50 ha được chứng nhận VietGAP.
Cây mãng cầu Xiêm được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, địa phương đang quy hoạch mở rộng vùng chuyên canh, chuyển giao kỹ thuật trồng, hình thành các tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Xiêm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu mãng cầu Xiêm Tân Phú Đông trên thị trường.
Từ kết quả ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX, mô hình canh tác sắn bền vững trên đất đồi đã được chuyển giao cho nông dân tỉnh Khánh Hòa thông qua dự án KH-CN giai đoạn 2013-2015…