Ông Trần Văn Cang (Tiền Giang) Làm Giàu Nhờ Trồng Dừa Xiêm Lục
Ông Trần Văn Cang, ngụ xã Tân Hội Đông (Châu Thành, Tiền Giang) được tiếng khen cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm lục mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.
Theo sự chỉ dẫn của Hội Nông dân xã Tân Hội Đông, chúng tôi ghé thăm vườn dừa xiêm lục của ông Trần Văn Cang. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là một vườn dừa bạt ngàn với gần 3 ha, có những cây mang buồng dừa sai trái nằm sát mặt đất.
Ông Cang kể: Trước đây đất của ông là đồng trũng ven sông, nhiễm phèn. Mỗi năm ông khai hoang một ít đất trồng lúa, các loại cây ăn trái nhưng hiệu quả không cao.
Năm 2005, được Hội Nông dân định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa đi tham quan, từ đó ông ra sức cải tạo lại đất và quyết định mua dừa xiêm lục về trồng trên 7 công đất của gia đình.
Thấy giống dừa này thích nghi với thổ nhưỡng ở đây và cho hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục cải tạo, khai hoang phần đất còn lại của gia đình và đồng loạt trồng dừa xiêm lục. Đến nay hơn 2/3 diện tích vườn dừa đã cho trái sai, thương lái tìm đến tận nhà thu mua dừa tươi với giá luôn cao.
Theo ông, dừa xiêm lục có ưu điểm dễ trồng, ít bị sâu bệnh, cho trái quanh năm, buồng dừa đơm trái nhiều, nước uống ngọt và có hương vị đặc trưng riêng... Bình quân 25 ngày ông thu hoạch 1 lần từ 3.000 - 3.500 trái.
Qua 10 năm trồng dừa xiêm lục, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ vườn dừa. Theo đó, mỗi năm ông bón phân cho dừa từ 3 - 4 lần gồm hỗn hợp N-P-K, mỗi lần bón từ 0,5 - 1kg/gốc; phun thuốc chống bọ dừa, đuông theo định kỳ; đồng thời tiến hành dọn rửa thân, cắt hết mo nang để hạn chế sâu, đuông, bọ làm tổ gây rụng trái và bồi bùn cho gốc 2 năm một lần; cung cấp nước đầy đủ vào mùa nắng, tránh để gốc bị khô hạn ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của trái.
Dừa thường dư nước vào mùa mưa, dẫn đến nứt và rụng trái. Vào những tháng đó, ông tăng cường bón thêm kali cho cây để cân bằng độ đạm và xẻ rãnh để thoát nước. Mùa nắng, ông dùng lá dừa đậy đất, kết hợp bón thêm phân hữu cơ cho dừa.
Theo ước tính của ông Cang, mỗi năm 1 cây dừa cho thu hoạch từ 100 - 150 trái, bán được từ 500.000 - 700.000 đồng. Qua nhiều năm so sánh với cây lúa và các loại cây trồng khác thì dừa xiêm lục đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Ông Phạm Hữu Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội Đông cho biết: Chúng tôi đánh giá cao vai trò của anh Cang trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Đây là mô hình hay được chúng tôi chọn và khuyến khích bà con nông dân nhân rộng. Hội Nông dân xã sẽ đồng hành cùng với bà con trong việc giới thiệu kỹ thuật, hướng dẫn cách thức trồng, chăm sóc cho nông dân.
Những “quả ngọt” mà ông có được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng. Ngôi nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi, các con học hành đến nơi đến chốn đó cũng là niềm mong ước của nhiều gia đình khác.
Gần 10 năm qua, ông luôn được tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và là Gia đình Văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, đáng để nhiều nông dân khác học hỏi, noi theo.
Có thể bạn quan tâm
Từ xuất phát điểm là một hộ gia đình khó khăn, sau hơn 10 năm phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1972, ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã sở hữu 30 cây nhãn giống mới, gần 1 mẫu ao, 150 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt được nuôi trong hệ thống “chuồng lạnh” khép kín, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nuôi bò và dê ngày càng phát triển rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước do mang lại hiệu quả kinh tế và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vùng đồng bào Xêtiêng ở khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, nuôi trâu lại là thói quen nhiều đời và góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của họ.
Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.
Với quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp với gia cầm của gia đình thương binh Phí Văn Chắc (thôn Phú Bắc, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đang cho thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm.
Sau thời gian sụt giảm, có thời điểm chỉ còn 180.000 đ/tạ- 60kg, thì hơn tuần nay giá khoai lang tím Nhật tại Bình Tân (Vĩnh Long) đã tăng trở lại với mức giá từ 400.000 - 500.000 đ/tạ.