Làm Giàu Từ Đồng Đất Quê Hương
Tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Thành Đam, xã Hải Châu (Hải Hậu - Nam Định) thi vào Khoa Kế toán Trường Trung cấp Nông nghiệp Nam Định, rồi liên thông đại học của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Năm 2003, anh bàn với bố mẹ nhận đấu thầu 3 mẫu đầm nuôi tôm sú và cua.
Cứ cuối tuần được nghỉ học, anh lại về nhà phụ giúp bố mẹ làm đầm bãi. “Hải Châu quê tôi có rất nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy, hải sản. Tại sao lại không thể khởi nghiệp ngay trên chính đồng đất quê hương thay vì phải đi làm ăn xa?”.
Anh tâm sự. Thời điểm những năm 2003, anh nhận thấy nếu đầu tư nuôi tôm sú, cua sẽ có lãi hơn nuôi cá do thị trường đang có nhu cầu cao về các sản phẩm này. Đúng như nhận định của anh, vụ tôm, cua đầu tiên của gia đình anh cho thu nhập khá, sau khi trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng. Trên đà thắng lợi, gia đình anh đầu tư nuôi tiếp.
Đến năm 2010, khi một số hộ trong xã chuyển sang nuôi cá diêu hồng có lãi, qua nghiên cứu kỹ thuật, điều kiện nuôi cụ thể, anh bàn với bố mẹ chuyển hướng thả cá diêu hồng.
Ao đầm được đầu tư nhiều công sức cải tạo: bơm cạn nước, vét bùn đáy ao, bón vôi khử phèn, phơi ao để diệt khuẩn, cải tạo hệ thống cấp nước sạch cho ao qua cống có ngăn lưới nhằm tránh không cho cá tạp và cá dữ vào ao nuôi…
Bên cạnh kiến thức nuôi cá diêu hồng học được từ các hộ nuôi trong vùng, anh còn thường xuyên lên mạng in-tơ-nét tìm hiểu những kiến thức về cá diêu hồng, tìm sách kỹ thuật để đọc, xem ti vi. Nhờ vậy, anh hiểu rõ hơn những đặc điểm của loại cá này để lên kế hoạch nuôi phù hợp. Sự thận trọng, chắc chắn của anh đã cho kết quả khả quan.
Vụ cá diêu hồng năm 2010, gia đình anh thu được trên 50 triệu đồng. Năm 2011, sau khi lập gia đình anh xin với bố mẹ cho ra ở riêng. Vợ chồng anh nhận 1,5 mẫu diện tích mặt nước bắt đầu những vụ nuôi trồng mới của riêng mình. Thiếu vốn thì đi vay, thiếu kiến thức thì “tầm sư học đạo”, anh đã lặn lội đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Anh còn thường xuyên dự những lớp tập huấn ngắn hạn về khuyến nông, khuyến ngư do xã, huyện tổ chức hằng năm.
Quá trình học hỏi thường xuyên đã giúp anh có thêm kiến thức, kinh nghiệm về nuôi trồng thủy hải sản để nhận định thị hiếu tiêu dùng của thị trường, qua đó biết lựa chọn giống nuôi phù hợp. Nhờ đó, ngay từ vụ cá, cua, tôm đầu tiên của vợ chồng anh đã có thu nhập 60 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí. Tuy nhiên, quá trình nuôi thử nghiệm những loại cá mới của vợ chồng anh không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Năm 2012, nhận thấy tiềm năng của con cá rô phi, anh đã đầu tư để nuôi thêm loại cá này. Tuy nhiên, cũng năm đó, đồng loạt cá rô phi không chỉ riêng ở ao nuôi của anh mà nhiều hộ nuôi trong vùng gặp dịch bệnh chết hàng loạt.
Cũng trong năm 2012, cơn bão số 8 ập vào tỉnh ta, gây ảnh hưởng nặng nề đến các vùng nuôi thuỷ sản, đặc biệt ở các xã ven biển. Chuồng trại, ao nuôi của anh cũng bị thiệt hại nặng. Vừa động viên vợ lo dựng lại chuồng trại, thau rửa nước cho ao nuôi cá, anh vừa tìm hướng nuôi mới.
Càng lao động càng tích lũy nhiều kinh nghiệm, anh thực hiện đa dạng hóa các con nuôi. Đến nay, trên diện tích 1,5 mẫu mặt nước, anh vừa chia ra 2 ao nuôi, 1 ao thả cá rô phi, cá diêu hồng, 1 ao chuyên nuôi tôm, cua. Ao nuôi cá của anh lúc nào cũng có khoảng 12 nghìn con cá diêu hồng, cá rô phi.
Ngoài trang trại nuôi thủy sản, gia đình anh còn cấy thêm 1,5 mẫu lúa, nuôi thêm nhiều lợn, gà. Dưới ao đầm anh thả cá, nuôi tôm, trên bờ, mùa nào thức ấy, anh trồng thêm các loại lạc, củ cải, rau xanh phục vụ nhu cầu thực phẩm cho gia đình và đem bán…
Không phụ công người chịu khó, vụ thu hoạch năm 2013, anh thu 1 tấn tôm, 5 tạ cua, số lượng cá lên đến vài tấn… thu lãi gần 70 triệu đồng.
Không chỉ say mê phát triển kinh tế gia đình, Nguyễn Thành Đam còn là một cán bộ Đoàn nhiệt huyết tích cực tham gia các hoạt động Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi tại địa phương.
Là cán bộ Đoàn, với những kinh nghiệm thực tế và khát vọng làm giàu của tuổi trẻ anh thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên và bà con nông dân làm kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, Nguyễn Thành Đam là một trong những đoàn viên tiêu biểu không ngại khó khăn, tìm cho mình hướng đi đúng đắn, miệt mài lao động sáng tạo làm giàu cho bản thân và cho xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10h ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km.
Lào Cai có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển thuỷ sản như số lượng ao, hồ nhiều với tổng diện tích mặt nước khoảng 1.500 ha; các hồ chứa có nguồn nước dồi dào phù hợp với điều kiện sinh sống của nhiều loài cá nuôi, nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Nghề nuôi cá lồng mặc dù quy mô nhỏ nhưng đã sớm hình thành.
Từ năm 2012 đến nay, mô hình nuôi ốc hương kết hợp với tu hài đã được ngành chức năng chuyển giao cho nhiều hộ dân ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Mô hình này đã mang lại hiệu quả kép về kinh tế lẫn môi trường nên đang được khuyến khích nhân rộng tại các vùng ven biển của tỉnh.
Cá lóc đồng 4,2 kg vừa được anh Nguyễn Văn Vũ (ấp Long Thành, xã Long Điền B, Chợ Mới - An Giang) bắt được tại con kênh trước nhà nối vào rạch Ông Chưởng.
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.