Ông Trần Văn Cang (Tiền Giang) Làm Giàu Nhờ Trồng Dừa Xiêm Lục

Ông Trần Văn Cang, ngụ xã Tân Hội Đông (Châu Thành, Tiền Giang) được tiếng khen cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm lục mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.
Theo sự chỉ dẫn của Hội Nông dân xã Tân Hội Đông, chúng tôi ghé thăm vườn dừa xiêm lục của ông Trần Văn Cang. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là một vườn dừa bạt ngàn với gần 3 ha, có những cây mang buồng dừa sai trái nằm sát mặt đất.
Ông Cang kể: Trước đây đất của ông là đồng trũng ven sông, nhiễm phèn. Mỗi năm ông khai hoang một ít đất trồng lúa, các loại cây ăn trái nhưng hiệu quả không cao.
Năm 2005, được Hội Nông dân định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa đi tham quan, từ đó ông ra sức cải tạo lại đất và quyết định mua dừa xiêm lục về trồng trên 7 công đất của gia đình.
Thấy giống dừa này thích nghi với thổ nhưỡng ở đây và cho hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục cải tạo, khai hoang phần đất còn lại của gia đình và đồng loạt trồng dừa xiêm lục. Đến nay hơn 2/3 diện tích vườn dừa đã cho trái sai, thương lái tìm đến tận nhà thu mua dừa tươi với giá luôn cao.
Theo ông, dừa xiêm lục có ưu điểm dễ trồng, ít bị sâu bệnh, cho trái quanh năm, buồng dừa đơm trái nhiều, nước uống ngọt và có hương vị đặc trưng riêng... Bình quân 25 ngày ông thu hoạch 1 lần từ 3.000 - 3.500 trái.
Qua 10 năm trồng dừa xiêm lục, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ vườn dừa. Theo đó, mỗi năm ông bón phân cho dừa từ 3 - 4 lần gồm hỗn hợp N-P-K, mỗi lần bón từ 0,5 - 1kg/gốc; phun thuốc chống bọ dừa, đuông theo định kỳ; đồng thời tiến hành dọn rửa thân, cắt hết mo nang để hạn chế sâu, đuông, bọ làm tổ gây rụng trái và bồi bùn cho gốc 2 năm một lần; cung cấp nước đầy đủ vào mùa nắng, tránh để gốc bị khô hạn ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của trái.
Dừa thường dư nước vào mùa mưa, dẫn đến nứt và rụng trái. Vào những tháng đó, ông tăng cường bón thêm kali cho cây để cân bằng độ đạm và xẻ rãnh để thoát nước. Mùa nắng, ông dùng lá dừa đậy đất, kết hợp bón thêm phân hữu cơ cho dừa.
Theo ước tính của ông Cang, mỗi năm 1 cây dừa cho thu hoạch từ 100 - 150 trái, bán được từ 500.000 - 700.000 đồng. Qua nhiều năm so sánh với cây lúa và các loại cây trồng khác thì dừa xiêm lục đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Ông Phạm Hữu Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội Đông cho biết: Chúng tôi đánh giá cao vai trò của anh Cang trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Đây là mô hình hay được chúng tôi chọn và khuyến khích bà con nông dân nhân rộng. Hội Nông dân xã sẽ đồng hành cùng với bà con trong việc giới thiệu kỹ thuật, hướng dẫn cách thức trồng, chăm sóc cho nông dân.
Những “quả ngọt” mà ông có được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng. Ngôi nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi, các con học hành đến nơi đến chốn đó cũng là niềm mong ước của nhiều gia đình khác.
Gần 10 năm qua, ông luôn được tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và là Gia đình Văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, đáng để nhiều nông dân khác học hỏi, noi theo.
Related news

“Chăn nuôi bò công nghiệp cần 8-10 năm để chuẩn bị”. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm về phát triển ngành chăn nuôi bò ở Việt Nam do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Hiệp hội Thịt và Gia súc Australia (MLA) tổ chức ngày 9.11 tại Hà Nội.

Cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Văn Hồng, ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) đã chặt hết hồng xiêm, vải thiều, táo để trồng bưởi Diễn. Ban đầu hàng xóm cho ông là “dở người”, nhưng càng về sau càng thấy việc ông làm mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.

Có giá đến 200.000 đồng một hạt giống, trội hơn hẳn các loại cây khác trên thị trường, nhưng chuối tài lộc được nhiều nhà vườn thu mua để trồng, chờ bán dịp Tết.

Đó là đánh giá chung của nhiều đại biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 62 Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, do Bộ NNPTNT tổ chức hôm 10.11 ở TP.HCM.

Sở dĩ nông dân đồng bằng sông Cửu Long có thời gian dài chỉ chú trọng sản xuất các giống lúa chất lượng thấp, là do bị thị trường chi phối, một mặt các tỉnh cũng muốn “đua” về thành tích sản xuất lúa, nên đã không chỉ đạo quyết liệt việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao.