Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Ong Lấy Mật - Cải Thiện Kinh Tế Hộ Gia Đình

Nuôi Ong Lấy Mật - Cải Thiện Kinh Tế Hộ Gia Đình
Ngày đăng: 29/10/2013

Mấy năm nay, những lúc nông nhàn, ông Ngô Quang Thạo, ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy - Hải Phòng) có thêm nghề quay mật cho những hộ nuôi ong trong vùng. Cứ đến mùa thu hoạch, ông Thạo lại đạp xe rong ruổi khắp làng trên xóm dưới quay mật giúp mọi người. Ông ít khi lấy tiền công quay mật nên mọi người thường cảm ơn bằng cách gửi biếu con gà, đôi vịt, lít mật ong...

Nghề dễ làm

Thời gian gần đây, nghề nuôi ong lấy mật khá phát triển tại nhiều vùng ngoại thành. Tận dụng đất vườn thả một vài thùng ong, ít thì đủ mật “xịn” cho gia đình dùng cả năm, nhiều đem biếu hay bán cũng thu được khoản tiền kha khá thêm vào chi dùng sinh hoạt hằng ngày. Nghề nuôi ong lấy mật khá nhàn hạ và đơn giản, cái chính phải có vườn rộng và nguồn hoa ổn định cho ong hút làm mật. Một năm có 3 vụ thu hoạch mật ong, mỗi vụ gắn với một số loại hoa. Mùa xuân, ong thường đi hút mật hoa vải, hoa nhãn, chất lượng mật tốt nhất. Mùa hè, ong chủ yếu tìm về các bãi bồi ven sông, ven biển để tìm hoa sú, hoa vẹt. Còn mùa thu, hoa táo, hoa đay… là món khoái khẩu của ong. Thùng nuôi ong hình trụ, có vỏ ngoài làm bằng loại gỗ nhẹ như gỗ thông, được khơi khô để tránh ẩm mốc. Đáy thùng hình chữ nhật, cạnh có kích thước khoảng 45 x 30cm. Bên trên đậy nắp và có mái che để tránh mưa, nắng. Trong 1 thùng nuôi ong, đặt từ 4 đến 6 cầu là tốt nhất. Cầu là bộ phận để cho ong làm tổ, xây tầng. Phía trên cầu ong dùng để trữ mật, còn phía dưới chúng xây các lỗ hình ô lăng để ong chúa vào đẻ trứng.

Theo những người nuôi ong lâu năm cho biết: Ong sinh sản chủ yếu vào tháng 2, tháng 3 âm lịch. Khi này, những người mới vào nghề nên đi mua thùng ở những cơ sở nuôi, gây giống ong. Thùng gồm các cầu, có sẵn ong chúa và ong thợ với giá xấp xỉ 100 nghìn đồng/cầu. Còn những người đang nuôi, đây là mùa ong tách đàn, nên chuẩn bị thùng mới. Mỗi thùng ong chỉ có 1 con ong chúa, khi đàn có nhiều ong thợ, xuất hiện thêm ong chúa, phải tách đàn mới. Nếu đủ thức ăn, ong thợ sống được hơn 2 tháng, còn thiếu thức ăn, chúng chỉ sống được 30- 40 ngày. Riêng đối với ong chúa, có thể sống được đến 4 năm, nhưng chỉ năm đầu sinh sản tốt, những năm sau giảm dần. Vì thế, tốt nhất 1 năm thay ong chúa một lần. Có thể tạo ong chúa bằng cách làm những “mũ” nhân tạo, cho ấu trùng sống trong đó, chúng sẽ phát triển thành ong chúa phục vụ cho việc thay ong chúa hay tách đàn sau này.

Hiệu quả kinh tế cao

Hiện gia đình ông Ngô Quang Thạo nuôi gần 20 thùng ong. Ông Thạo cho biết: Thời gian mới nuôi ong, ông đặt thử 1 thùng, một năm quay 3 lần đủ mật “xịn” cho gia đình dùng cả năm. Nuôi 2 thùng, có mật biếu bạn bè, người thân. Còn nuôi từ 3 thùng trở lên, có mật đem bán. Năm nào hoa nhiều, 1 thùng quay được hàng chục lít mật. Năm ít, cũng được 7-8 lít với giá bán từ 200 đến 300 nghìn đồng/lít. Tính ra, hằng năm mỗi thùng ong đem lại nguồn thu từ 2-3 triệu đồng, bằng cấy cả mẫu ruộng.

Mặc dù nghề nuôi ong nhàn hạ, dễ làm nhưng cũng nhiều rủi ro. Người nuôi ong sợ nhất bị sâu bọ, cóc, nhái… phá tổ. Sau đó là nỗi lo ong chúa bị ốm, chết. Khi này, ong thợ sẽ phá đàn nên cần phải bổ sung ong chúa. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thay được mà phải thay trong mùa sinh sản. Vì thế, chẳng may ong chúa ốm, chết vào thời điểm khác, mất trắng cả đàn. Nếu không chăm sóc cẩn thận, đàn ong dễ bị bệnh, phổ biến nhất là bệnh thối ấu trùng, khiến năng suất và chất lượng mật bị giảm. Người nuôi ong ít bị ong đốt. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh thời điểm đàn ong trở lên dữ dằn khi hết thức ăn, bị dịch bệnh, chuẩn bị ra ong chúa mới… Đặc biệt, khi vô tình giết chết ong, cả đàn sẽ “nổi điên” vì ngửi thấy đồng loại bị chết.

Do nhàn hạ, dễ làm, hiệu quả kinh tế cao nên nghề nuôi ong ngày càng phát triển. Vì thế, mật ong không còn quý hiếm như trước, giá cả cũng có phần giảm và có thời điểm khó bán. Hơn nữa, do tâm lý “ăn xổi” của một số người nuôi, như việc tăng lượng mật, họ nấu đường không kết tinh cho ong ăn rồi bán mật với giá chỉ bằng 1/2, 1/3 so với mật “xịn”. Thậm chí, một số người bán mật rong còn bán loại mật giả được nấu bằng đường không kết tinh trộn hóa chất tạo mùi thơm. Vì thế, người mua cần đến những chỗ quen biết, cơ sở uy tín để không mua phải loại mật kém chất lượng, mật giả. Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong lâu năm, nếu là mật “xịn”, 1 lít nặng từ 1,4kg trở lên, có mùi thơm đặc trưng, để lâu không bị đóng cặn. Biết dùng đúng cách, mật ong có nhiều ích lợi cho sức khỏe của con người.


Có thể bạn quan tâm

Nắng hạn kéo dài, sản lượng thủy sản nuôi trồng giảm mạnh Nắng hạn kéo dài, sản lượng thủy sản nuôi trồng giảm mạnh

Đến hết tháng 4/2015, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Bình Thuận đạt 231,1ha, giảm 4,6ha so cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi thả bị thu hẹp do bước vào mùa nắng nóng thời tiết khô hạn làm cho nguồn nước bốc hơi nhanh, độ mặn tăng, môi trường nước biến động, độ PH thay đổi.

08/05/2015
Nhiều diện tích tôm nuôi ở Phú Lộc bị chết Nhiều diện tích tôm nuôi ở Phú Lộc bị chết

Tin từ Văn phòng UBND xã Vinh Hưng (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế), do thời tiết nắng nóng, trong một tuần nay, khoảng 20 ha ao hồ trên địa bàn xuất hiện tình trạng tôm chết tấp vào bờ, tăng khoảng 50% diện tích so với 1 tuần trước đây.

08/05/2015
Rệp sáp bột hồng lây lan nhanh gây hại gần 54ha sắn Rệp sáp bột hồng lây lan nhanh gây hại gần 54ha sắn

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện rệp sáp bột hồng lây lan nhanh gây hại gần 54ha sắn mới trồng ở các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Tuy An và TX Sông Cầu. Trong đó, huyện Đồng Xuân gần 49ha, Sông Hinh 2ha, Tuy An 2ha và TX Sông Cầu 1ha, tỉ lệ hại từ 1 đến 70% cây.

08/05/2015
Liên kết giải quyết đầu ra cho nông sản Liên kết giải quyết đầu ra cho nông sản

Những ngày qua, nhiều cơ quan, đơn vị, người dân quan tâm, chia sẻ với người nông dân về sản phẩm nông sản khó tiêu thụ. Tuy nhiên, sau những giải pháp tình thế, không ít sản phẩm nông sản vẫn đang trong vòng luẩn quẩn được mùa - rớt giá. Bởi vậy, vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì để ổn định cuộc sống, làm giàu bền vững là điều đáng quan tâm của chính quyền và người dân các địa phương.

08/05/2015
Phát triển hồ tiêu bền vững cần tăng cường quản lý sâu bệnh hại Phát triển hồ tiêu bền vững cần tăng cường quản lý sâu bệnh hại

Hiện nay, do giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao, nên nhiều hộ nông dân ở Dak Lak bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng ồ ạt chuyển sang trồng tiêu, đưa diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng lên khá nhanh. Điều này đã khiến cây tiêu đứng trước nhiều nguy cơ về dịch bệnh nếu không có quy hoạch và liên kết bài bản.

08/05/2015