Cty TNHH MTV Cà Phê Ia Grai Thắng Lợi Nhờ Cơ Chế
Trong bối cảnh cà phê cả nước năm nay bị mất mùa, sản lượng giảm 30 - 35% thì Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai (đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai, Gia Lai) lại đạt sản lượng tăng trên 10% so với năm ngoái.
Niềm vui được mùa
Anh Siu Hinh, công nhân đội 2, Nông trường Chư Prông, Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai đang thu hoạch đợt cuối trên lô cà phê nhận khoán của nông trường.
Niềm vui được mùa hiện rõ trên gương mặt rạng rỡ, trên bàn tay thoăn thoắt hái những quả cà phê đỏ ối trĩu cành. Gia đình anh nhận khoán 1 ha vườn cây, Cty giao khoán 3,8 tấn, anh thu được 17 tấn. Trừ chi phí, lãi ròng trên 80 triệu đồng.
Cũng ở đội 2, công nhân Siu Phát nhận khoán 9,7 sào cà phê. Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên thu được 19 tấn cà phê tươi, thu lãi ròng trên 80 triệu đồng. Hai vợ chồng K’Puih Quyên nhận 1 ha, thu hoạch 19 tấn, trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng…
Siu Hinh, Siu Phát, K’Puih Quyên… là những công nhân người dân tộc J’rai ở làng Siu, xã Ia Vê, huyện Chư Prông. Làng Siu có 23 hộ là công nhân, nhận khoán vườn cây của Cty.
Năm nay, nói như Siu Hinh thì dân làng Siu sẽ ăn tết to bởi cà phê vừa được mùa, vừa được giá. Tất cả những hộ dân trong làng có nhận khoán vườn cây của Cty đều đã có kế hoạch chuẩn bị cho một cái tết chu đáo bởi, hộ nào thấp nhất cũng thu lãi được trên 70 triệu đồng từ vườn cây nhận khoán.
Ông Phùng Văn Đức, đội trưởng đội 2, Nông trường Chư Prông cho biết: Vườn cây của đội có 61,34 ha, giao khoán cho 59 công nhân (trong đó có 24 công nhân là người dân tộc thiểu số). Năm nay cà phê cả nước mất mùa, nhưng vườn cây ở đây lại rất tốt nên năng suất đạt cao.
Vườn thấp nhất đạt 16 tấn quả tươi/ha. Có vườn đạt đến 28,5 tấn tươi/ha như 1,4 ha của anh Nguyễn Văn Hiếu, đội 2 thu được 40,6 tấn tươi. Năng suất bình quân toàn đội năm nay đạt 20,5 tấn tươi/ha. Trừ khoán và các chi phí khác, toàn đội mang về 777 tấn cà phê tươi, với giá hiện tại 8.600 đ/kg thì tương đương 6,6 tỷ đồng.
Theo đội trưởng Đức thì, năm nay thắng lớn là nhờ lãnh đạo Cty, Nông trường chỉ đạo sâu sát và đầu tư hợp lý, công nhân chịu khó và thời tiết thuận lợi.
Sang đội 8, Nông trường Chư Prông, không khí mùa vụ có khác hơn ở đội 2. Công nhân đội 8 hầu hết là đồng bào J’rai ở làng Ngó (xã Ia Pia, huyện Chư Prông). Cũng cùng một vùng đất, một khí hậu, một cơ chế khoán… nhưng vườn cây của 67 hộ nhận khoán ở đây lại không tốt như bên đội 2.
Công nhân Rơ Ma Doanh là một trong số ít người có vườn cây đạt năng suất tương đối cao ở làng Ngó. Gia đình anh nhận khoán 9 sào cà phê, năm nay thu được 13 tấn quả tươi, trừ khoán và chi phí còn lãi được 60 triệu đồng.
Cơ chế hợp lý, luôn động viên, chăm sóc người lao động kịp thời, quản lý và chỉ đạo chặt chẽ việc chăm sóc vườn cây… Đó là nguyên nhân chính để năng suất, sản lượng cà phê ở đây luôn đạt cao, vườn cây luôn đảm bảo chất lượng, theo đó người lao động luôn gắn bó với Cty.
Theo Rơ Ma Doanh thì: “Không phải do đất, do trời, do đầu tư mà do nhiều người ở làng Ngó này còn thích uống rượu hơn đi làm, nên vườn cây ở đây không được tốt”.
"Cơ chế là hàng đầu"
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đại Ngọc, Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai, khi nói về thắng lợi của Cty trong vụ cà phê này.
Vườn cây của Cty có trên 1.000 ha, được giao khoán cho trên 1.000 lao động (trong đó có trên 300 lao động là người dân tộc thiểu số). Theo ông Ngọc thì trong việc giao khoán vườn cây, Cty đã xây dựng phương án khoán hợp lý, hài hòa ba lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Cụ thể, đối với người lao động là người Kinh, mức khoán là 4,8 tấn sản phẩm quả tươi/ha, với người đồng bào dân tộc thiểu số thì chỉ 3,8 tấn/ha (mức khoán bình quân là 4,3 tấn/ha). Tuy nhiên trừ những diện tích đất sỏi đá, vùng nhiều gió… thì mức khoán bình quân thực tế chỉ là 3,7 tấn/ha.
Bên cạnh đó, trong việc đầu tư, Cty thực hiện phương thức đầu tư tập trung, đặc biệt chú trọng việc tưới nước, bón phân đúng thời điểm, đúng liều lượng… Nhờ vậy mà năng suất vườn cây ở đây luôn đạt cao, trong bối cảnh ngành cà phê cả nước năm nay bị sụt giảm sản lượng 30 - 35% thì vườn cây của Cty năm nay, sản lượng tăng trên 10% so với năm ngoái.
Nông trường Chư Prông được xem là đơn vị điển hình của Cty bởi trước đây, khi chưa sát nhập vào Cty, đơn vị này đã đứng bên bờ vực phá sản với con số nợ lên đến 114 tỷ đồng, đời sống của cán bộ, công nhân viên hết sức khó khăn, điện bị cắt, vật tư phân bón không có đầu tư, vườn cây xuống cấp nghiêm trọng...
Còn bây giờ, năng suất, sản lượng của đơn vị luôn dẫn đầu Cty. Giám đốc Nông trường Chư Prông, ông Nguyễn Văn Phú cho biết: "Nông trường có trên 600 công nhân (trong đó 303 công nhân là người dân tộc thiểu số), nhận khoán trên 600 ha cà phê (553 ha đã đưa vào kinh doanh).
Sản lượng năm nay ước đạt khoảng 8.400 tấn quả tươi, trừ chi phí, người lao động nhận khoán của nông trường đem về được 38 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động ở đây đạt khoảng 60 triệu đồng/ha…".
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, để duy trì diện tích đất lúa theo chủ trương của thành phố, tại hầu hết các huyện, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và mở rộng nhiều mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.
Không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò và sự cần thiết của phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, nhưng theo thời gian những mặt tiêu cực của loại phân này đối với môi trường và sức khỏe con người ngày càng bộc lộ rõ.
Nưa là một loài cây thân thảo, cho củ, được trồng ở những vùng có nhiều giồng cát. Bà con nông dân trồng nưa lấy củ chế biến thành bột để làm các loại bánh, làm miến và sử dụng trong công nghiệp làm hồ vải.
Địa bàn xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng - Nam Định) ở nơi cửa sông, giáp biển, kề bên những ao cá, đầm tôm là những đồng bãi xanh ngút ngàn màu mỡ phù sa.
Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ mía mới 2015 - 2016 trong niềm vui được mùa, được giá. Hiện thương lái thu mua mía nguyên liệu tại ruộng với giá 950 - 1.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 200 đồng/kg. Đây là mức giá đảm bảo cho người trồng mía có lãi…