Nuôi bò sữa nông dân kiếm tiền tỷ

Giữa lúc ngành chăn nuôi bò sữa trong nước đang gặp nhiều khó khăn, thì những người nuôi bò ở Mộc Châu vẫn sống khỏe, nhờ các mối liên kết ngang- dọc.
Tìm hiểu về họ, chúng tôi đã được biết không ít những câu chuyện thú vị.
Ngày càng có nhiều tỷ phú
Khởi đầu với đàn bò sữa 20 con vào năm 1990, ông Lâm Thanh Trân- hiện được coi là một trong những “đại gia” lớn nhất ở Mộc Châu với 95 con, doanh thu từ bán sữa mỗi năm lên vài tỷ đồng.
Hai vợ chồng ông Đặng Văn Thắm ở khu Vườn Đào 1, thị trấn Nông Trường Mộc Châu (Sơn La) đang đưa bò đi tập thể dục để chuẩn bị tham dự cuộc thi Hoa hậu bò 2015.
Ảnh: Trần Quang
Ông Trân cho biết: “Ban đầu nuôi bò sữa ở đây cũng rất khó khăn.
Năm 2000, sau khi trả hết nợ cho ngân hàng, gia đình tôi đã quyết định mở rộng và tiếp tục nâng cấp hệ thống chuồng trại, hố ủ thức ăn chua trên 100 tấn/năm.
Ngoài ra, tôi cũng mua sắm các thiết bị, máy vắt sữa, máy cắt cỏ, máy băm thức ăn ủ chua, xe trâu kéo cỏ...”.
Theo ông Trân, để chăn nuôi quy mô lớn thì cần phải đầu tư máy móc công nghệ cao mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng sữa để có được giá bán cao.
Đặc biệt, ông Trân cho rằng, trong thời buổi làm ăn hiện nay, mỗi người nông dân phải tự biết liên kết với nhau, và giữa những nông dân lại phải biết liên kết với đơn vị cung ứng, bao tiêu đầu ra.
Với đàn bò hơn 90 con, sản lượng sữa mỗi ngày của gia đình ông Trân đạt tới 800 lít.
Toàn bộ số lượng sữa trên đều được Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu thu mua, chế biến.
Cũng là một trong những tỷ phú mới nổi nhờ mô hình liên kết chăn nuôi bò sữa, ông Đặng Văn Thắm ở khu Vườn Đào 1 chia sẻ, hiện tôi đang nuôi 45 con bò sữa với sản lượng trên 100 tấn sữa mỗi năm, thu được hơn 2 tỷ đồng.
“Ở đây, chúng tôi có thuận lợi là có vùng nguyên liệu, nhưng nếu mỗi hộ không chủ động để nâng cao chất lượng sữa, thì không thể cạnh tranh được trong thời điểm hội nhập này với nhiều các công ty sữa lớn cũng đang tham gia đầu tư vào lĩnh vực này”- ông Thắm nói.
Hiện ông Thắm cũng đã sắm cho mình các loại máy móc hiện đại như máy vắt sữa, máy làm đất, cắt cỏ, lau dọn vệ sinh...
Nhờ đó, các công đoạn chăm sóc đã nhàn hơn rất nhiều.
Ông cũng đang có dự định mở rộng thêm đàn bò sữa của mình thêm vài chục con nữa.
Ông Trương Duy Bắc – Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết, trong những năm gần đây, ở Mộc Châu đã có nhiều triệu phú, tỷ phú tỉnh nhờ chăn nuôi bò sữa với hàng trăm hộ.
Có được thành công đó là nhờ, họ đã biết tự liên kết với nhau để nuôi bò trên quy mô lớn.
Chia sẻ lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp
Trong khi một số doanh nghiệp đang hướng đến mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn, từ vài chục đến cả hàng trăm nghìn con, trong đó nông dân chỉ được tham gia vào một mắt xích, thì ở Mộc Châu, người nuôi bò và doanh nghiệp cùng tham gia vào tất cả các chuỗi và “bình đẳng” với nhau.
Ông Trần Công Chiến – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết, ngoài 3 trung tâm bò giống với với quy mô 1.000 con mỗi trung tâm, chúng tôi đang duy trì mô hình sản xuất bò sữa theo quy mô hộ với quy mô bình quân 30 con/hộ và đang hướng tới nâng quy mô lên 45-50 con/hộ; đặc biệt đã có nhiều hộ nuôi từ 80-100 con/hộ (chiếm 25-30%).
“Chúng tôi thực hiện hỗ trợ tới các hộ chăn nuôi thức ăn tinh bột và cỏ alfalfa; hỗ trợ cho vay vốn từ 50 - 70% phần vốn cho các hộ đầu tư mở rộng phát triển sản xuất quy mô lớn hơn”- ông Chiến cho biết.
Theo ông Chiến, ở Mộc Châu hiện đã có nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp TMR phục vụ chăn nuôi bò sữa; bò được chăm sóc sức khỏe và hưởng các dịch vụ thú y với chi phí được công ty hỗ trợ phần lớn, được thụ tinh với nguồn giống cao sản tốt, sữa chất lượng cao nên được thu mua với giá gần như cao nhất cả nước.
Ngoài ra, bà con nông dân vẫn đang được duy trì chính sách bảo hiểm giá sữa, nên giá cả luôn được đảm bảo ở mức ổn định.
Đặc biệt, toàn bộ các hộ chăn nuôi trong công ty đã áp dụng và được chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hàng tháng công ty cử bộ phận khuyến nông đến kiểm tra từng hộ về các điều kiện chăn nuôi, sau đó chấm điểm theo từng tiêu chí.
Hết quý, hộ nào đạt loại tốt, sữa đạt loại I sẽ được thưởng thêm 800 đồng/kg giá sữa.
Hiện tại, trên địa bàn Mộc Châu đang có 18 điểm thu mua sữa tươi với trung bình 40 hộ nuôi có một trung tâm được đặt gần trại bò của người nuôi, nên việc mua, kiểm tra chất lượng và đảm bảo sữa được tốt, chất lượng cao.
Hiện, Mộc Châu đang thực hiện thành công chính sách chăn nuôi nông hộ.
Với tổng đàn bò lên 18.000 con, sản lượng sữa đạt gần 100.000 tấn.
Theo kế hoạch đến năm 2020 đạt 35.000 đến 40.000 con, sản lượng sữa đạt 180.000 đến 200.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm

Tuy chỉ mới hình thành, nhưng Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã thí nghiệm thành công công nghệ bột sinh khối và đông trùng hạ thảo. Đây là hai công nghệ mới mà từ trước đến nay rất ít người làm được. Thành công này có từ “tiền mua kinh nghiệm” của Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Hưng.

Anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh, Bình Phước) than thở: Mùa mưa năm nay kết thúc muộn và mưa dầm kéo dài nhiều ngày, khi dứt mưa chuyển qua mùa khô không xảy ra hiện tượng mưa trái mùa như những năm khác nên nông dân khấp khởi mừng là sẽ được mùa điều.

Các diện tích đất này thuộc tiểu vùng 2, 3 của huyện Thạnh Phú - Bến Tre (gồm các xã từ Mỹ An đến Thạnh Hải) là vùng ngập mặn, từ lâu bà con chỉ chủ yếu nuôi trồng thủy sản. Vài năm gần đây, bà con tranh thủ trữ nước ngọt trong vuông tôm để trồng vụ lúa mùa. Và trong những ngày cuối năm này, họ tất bật thu hoạch về nhà chuẩn bị đón Tết. Vụ lúa này được công nhận là trúng mùa, trúng giá.

Chiều ngày 19/2, tức chiều ngày mồng 1 Tết, tại tỉnh Kon Tum bất ngờ có mưa lớn trái mùa. Trận mưa đã tưới mát cho cây trồng, đặc biệt giúp hàng nghìn hộ trồng cà phê tại địa phương bớt được một đợt tưới. Nhận lộc trời ngày đầu năm, nông dân Kon Tum hy vọng một năm mới mưa thuận, gió hòa.

Dồn điền, đổi thửa và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là những bước để tích tụ ruộng đất nhằm sản xuất hàng hóa. cấy vụ xuân năm nay, nhiều địa phương như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An)… đã tiến hành trình diễn và ứng dụng máy cấy 4 hàng, 6 hàng. Đây là một bước tiến trong giải phóng sức lao động cho nông dân. Tuy nhiên, khâu làm mạ cho máy cấy là một công đoạn đang gặp những khó khăn nhất định.