Nông Dân Thạnh Phú Thêm Phấn Khởi Đón Tết Vì Trúng Vụ Lúa Mùa
Các diện tích đất này thuộc tiểu vùng 2, 3 của huyện Thạnh Phú - Bến Tre (gồm các xã từ Mỹ An đến Thạnh Hải) là vùng ngập mặn, từ lâu bà con chỉ chủ yếu nuôi trồng thủy sản. Vài năm gần đây, bà con tranh thủ trữ nước ngọt trong vuông tôm để trồng vụ lúa mùa. Và trong những ngày cuối năm này, họ tất bật thu hoạch về nhà chuẩn bị đón Tết. Vụ lúa này được công nhận là trúng mùa, trúng giá.
Lúa đuổi theo tôm về giá trị
Chúng tôi qua các địa phương có diện tích đất hầu hết ngập mặn này, trong những ngày cuối năm. Điều dễ dàng gây sự chú ý hơn cả là những vuông tôm vốn trống trải nay hầu hết đã bị trùm lên bởi màu vàng óng của vụ lúa mùa. Chỉ cần nhìn từ rất xa là có thể trông thấy những thửa lúa đã “đủ tuổi” để mang về nhà.
Tuy khoảng cách giữa các thửa lúa là tương đối xa và bờ bao ngăn giữa các vuông tôm là cao, nhưng lúa còn cao hơn bờ! nên tầm mắt không thể rạch ròi khoảng cách các thửa được nữa, cứ như tấm thảm vàng óng bao la, chạy xa tít. Những cách đồng lúa chín mọng, vàng óng, nặng trĩu bông, ngã đầu vào nhau, thoảng hương thơm, từng cơn gió chướng hây hẩy làm cho cả biển lúa vàng mênh mông gợn sóng. Từng đàn chim én chao lượn báo Xuân sắp về!
Tiết lạnh đã về và đang tịnh tiến sang Xuân. Niềm phấn khởi lạc quan của bà con về vụ lúa mùa đã chắc trúng đã hiện rõ trên từng khuôn mặt. “Năm nay được gần 300 dạ/12 công đất (mỗi dạ lúa khoảng 22kg - PV) mà gia đình tôi tranh thủ cấy trong vuông tôm.
Năm nay, vợ tôi bệnh nặng, 3 đứa con còn nhỏ đi học nên chỉ có mình tôi mần, vất vả lắm! Và trời thương, năm nay lại trúng, nhưng so với năm rồi thì không bằng. Sở dĩ như vậy là do thời điểm mới cấy, nắng gắt kéo dài làm chết mạ nhiều chỗ phải dặm lại mà vẫn không thể khỏa hết được. Nhưng bù lại năm nay trúng bụi, bông dài, hạt to…” - anh Trần Văn Thanh, 46 tuổi, ấp An Thới, xã An Quibcho biết.
Nhiều bà con cho biết, trong thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các vụ tôm quảng canh có xu hướng giảm dần sản lượng. Và cũng vì thế mà họ đã tranh thủ trữ nước ngọt từ sông Băng Cung vào tháng 9 (ÂL) để trồng lúa.
Anh Trần Văn Trường, 36 tuổi, ấp 6, xã Giao Thạnh cho biết: “Tuy mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, năng suất cũng không thể so sánh với vụ Thu Đông cùng thời điểm ở vùng trên (tiểu vùng 1, khu ngọt hóa - PV ) nhưng với năng suất khoảng 20 dạ/công là điều đã thỏa mãn với chúng tôi, bởi nhiều năm về trước, lúa là không trồng được.
Giá gạo lúc này là đắt đỏ vô cùng, như gia đình tôi ngoài việc đủ gạo cả năm còn bán được ít tiền mà ăn Tết. Ngoài ra còn tận dụng lúa ngọn chăn nuôi vịt, gà để có mà tổ chức đám tiệc không phải mua… Nói chung vụ lúa có khi còn giá trị hơn vụ tôm cuối năm!”.
… còn tạo môi trường thuận lợi cho tôm
“Thường thì vụ tôm sau khi cắt lúa được thả vào những ngày giáp Tết luôn đạt hiệu quả cao hơn vụ 2. Có thể do môi trường thông thoáng bởi khi cắt lúa chúng tôi thường thuốc cá để diệt các sinh vật có hại trong nước trước khi thả tôm. Một điều phải nhìn nhận là, từ khi bắt đầu cấy lúa đến nay, các nguồn lợi từ tự nhiên như tôm thẻ, tép đất, cua biển tăng lên đáng kể, còn mau lớn nữa…” - ông Bùi Văn Phú, 53 tuổi, nông dân ở xã An Điền cho biết.
Dinh dưỡng đất dùng trong bất kỳ cây trồng vật nuôi nào cũng có thời hạn. “Nếu không trồng lúa, người dân phải thuê nhân công đào bằng len tay hay sử dụng máy để cải tạo làm mới đất, nhằm tạo dư lượng thức ăn trong môi trường nước, sẽ tốn kém không ít chi phí.
Nhưng nếu trồng lúa, sau khi gặt, việc dẫn nước mặn vào để thả tôm sẽ làm nhanh chóng phân hủy gốc rạ, tạo chất hưu cơ, vi sinh vật có lợi… sẽ đảm bảo đủ thức ăn và môi trường thuận lợi cho tôm cư trú và tăng trưởng tốt khi thả nuôi. Bên cạnh đó, thu nhập từ lúa mang lại là đáng kể cho nông dân. Đặc biệt vào thời gian cuối năm, đây là một phấn khởi rất lớn để bà con đón Tết và còn là động lực để bà con lao động.” - ông Lê Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh phân tích.
Ông Lê Văn Tài, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Phú cho biết: "Đây là vụ lúa duy nhất trong năm do điều kiện tự nhiên vùng ngập mặn quy định.
Năm nay có khoảng 5.000 héc-ta đã được tận dụng trồng lúa. Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn, cũng như khuyến cáo bà con để gieo cấy đúng mùa vụ nhằm tránh làm ảnh hưởng đến thời gian thả giống vụ tôm, đặc biệt là sử dụng hợp lý các thuốc bảo vệ thực vật vì nếu không thì hậu quả không mong muốn mà chúng mang lại cho môi trường nước là khó lường, chứ không phải chỉ đơn thuần hoàn toàn là mang lại chất hữu cơ có lợi cho ao nuôi.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp thu mua nhằm tránh rủi ro thất thoát cho bà con, bởi thương lái “lạ” nước ngoài trên thị trường hiện nay là rất nhiều. Và năm nay giá lúa tươi dao động từ 6,5 - 7 ngàn/kg, giá cả được như thế là rất đáng mừng cho bà con.
Đằm thắm nghĩa tình qua đòn bánh tét
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều thửa lúa có trồng xen thêm khoảng 1,2 công lúa nếp. Nhiều bà con cho biết, do giá nếp cuối năm luôn “nhảy múa”, nên đã tranh thủ trồng để gia đình sử dụng làm bánh tét ăn, cũng như biếu họ hàng hoặc những gia đình không có trồng. Hình ảnh này làm cho người thực hiện bài viết như hiểu thêm về phẩm chất đáng quý của người nông dân, và hơn nữa có như thế những nồi bánh tét trong dịp Tết lúc gia đình sum vầy bên nhau cái nghĩa, cái tình mới đằm thắm, mang nhiều dư vị nhất.
Có thể bạn quan tâm
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang tiếp tục hoàn thành các hạng mục của Dự án trang trại 1.600 con bò sữa tại xã Tu Tra, Đơn Dương (Lâm Đồng), dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2015. Với tổng diện tích hơn 49,3ha, trang trại được quy hoạch trồng cỏ trên 40ha; còn lại gồm diện tích đất chuyên dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đất sản xuất nông nghiệp khác.
Được đánh giá là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, hồ tiêu đang dần chinh phục ngưỡng kim ngạch xuất khẩu đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, để hạt tiêu nhỏ bé ngày càng tăng kim ngạch xuất khẩu thì rất cần một chiến lược dài hạn nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này.
Thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina (Hoàng Long Vina) đồng hành cùng chương trình thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, góp phần nâng cao năng suất lúa, mía, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Sáng 15/8, Ban quản lý Các dự án nông nghiệp (Sở NN-PTNT) phối hợp với UBND xã An Chấn (huyện Tuy An) tổ chức lễ công bố và ký kết thỏa thuận hỗ trợ thực hiện kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Chấn (thí điểm) thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững.
Hơn một năm nay, do sản phẩm gặp khó khăn về đầu ra nên nhiều hộ dân tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) phải chuyển sang canh tác rau thông thường hoặc trồng các loại hoa màu khác.