Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghệ An Khắc Phục Những Trở Ngại Khi Cấy Lúa Bằng Máy

Nghệ An Khắc Phục Những Trở Ngại Khi Cấy Lúa Bằng Máy
Ngày đăng: 25/02/2015

Dồn điền, đổi thửa và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là những bước để tích tụ ruộng đất nhằm sản xuất hàng hóa. cấy vụ xuân năm nay, nhiều địa phương như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An)… đã tiến hành trình diễn và ứng dụng máy cấy 4 hàng, 6 hàng. Đây là một bước tiến trong giải phóng sức lao động cho nông dân. Tuy nhiên, khâu làm mạ cho máy cấy là một công đoạn đang gặp những khó khăn nhất định.

Anh Quốc Huệ - khối 3 thị trấn Hưng Nguyên năm nay cấy 100% diện tích bằng máy, anh chỉ việc nộp tiền cho HTX nông nghiệp thị trấn 300 ngàn đồng/sào gồm cả công làm mạ và cấy. Anh cho hay nếu thuê một sào cấy ngoài thị trường hiện nay là 350 ngàn đồng, trong khi đó mạ lại do mình làm. Bởi vậy thuê HTX làm khỏe hơn. Hơn nữa, anh và các gia đình khác cấy máy lại có thời gian đi làm thêm việc khác để kiếm tiền.

Theo khuyến cáo, cấy bằng máy đều hàng, lúa có năng suất hơn, giảm công lao động, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng bộ được tất cả các khâu cơ giới hóa trong sản xuất từ làm đất đến thu hoạch. Nếu khâu này thành công coi như trong sản xuất lúa tất cả đã có thể thực hiện bằng máy móc, từ khâu gieo mạ tới cấy, phun thuốc, gặt, tuốt liên hiệp… Nhà nông chỉ việc ra đồng đưa thóc về nhà.

Các địa phương trong tỉnh hiện đã đưa máy cấy 4 hàng và 6 hàng vào sản xuất. Năng suất cấy một ngày bằng 20 - 30 thợ cấy, tương đương 2,4 mẫu ruộng.

Cấy bằng máy cũng tiết kiệm giống hơn, đem lại tiện lợi nhiều bề cho nhà nông. Với công suất cấy của máy như vậy, việc sử dụng đối với từng nhà nông riêng lẻ hiện nay chưa áp dụng được, bởi giá trị máy lớn mà diện tích ruộng của từng gia đình chỉ từ 3 sào đến 1 mẫu.

Nếu mua máy (khoảng 120 triệu đồng/ máy) để thực hiện dịch vụ như máy cày, máy tuốt cũng không đơn giản, bởi cần có mạ mới cấy được. Mạ dùng cho máy cấy không phải gieo bình thường mà phải gieo vào khay. Bởi vậy sẽ rất khó cho từng nông hộ khi đầu tư loại máy này để sinh lãi như các loại máy nông nghiệp khác.

Vì thế nếu có máy cấy rồi, cần có tổ chức đứng ra nhận ủ giống, gieo mạ, chăm sóc mạ và thực hiện luôn dịch vụ cấy cho nông dân. Để khai thác được giá trị máy, độ đồng đều của đồng đất thì mới đủ nhân lực đảm đương được, nhất là khi thời vụ rất ngắn, khắp nơi cấy đồng loạt, ngay một lúc cần một diện tích mạ rất lớn để máy cấy liên tục.

Hơn nữa, để có được nhiều mạ như vậy, cần diện tích khá lớn, ít nhất là vài ngàn mét vuông đất để gieo mạ cho cả xóm, nhiều xóm. Mạ này cũng không gieo ngoài đồng, mà cần đất bằng, đất khô và gieo tập trung để theo dõi, chăm sóc. Khi gieo cần có những kỹ thuật riêng chứ không phải gieo thông thường. Đây cũng chính là “nút thắt” của ứng dụng máy cấy vào sản xuất mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh ta chưa làm được.

Tìm hiểu kỹ thuật gieo mạ phục vụ cho cấy máy tại một số HTX, chúng tôi được biết: Lâu nay nhà nông đã thành thạo việc ngâm ủ giống gọi là ủ mộng. Nhưng đối với cấy máy, ngoài việc tưới nước thông thường cho giống, thì giống khi có mầm dài từ 1 - 2mm đem gieo vào khay là tốt nhất. Nếu mầm phát triển ngắn quá thì mạ phát triển không đều. Nếu mầm dài quá sẽ rất khó khăn khi gieo bằng máy. Bởi vậy khâu này cũng phải tiến hành tập trung mới theo dõi được.

Khâu thứ 2 là làm giá thể. Đây là khâu khó, cần phải được tập huấn kỹ. Đất gieo mạ không phải đất ruộng mà đất đồi, đất có độ pH = 4,5 - 5,5 hơi khô đập nhỏ, lọc sạn bằng sàng có lỗ, sau đó trộn thật đều với phân vi sinh, phân lân, phân kali. Sau khi trộn với tỷ lệ phân theo quy định, đem ủ đống từ 7 - 10 ngày. Trước khi gieo 2 - 3 ngày lại tãi cho hả khí. Khay gieo mạ chuyên dụng bằng nhựa có kích thước 60 cm x 30 cm x 3,5 cm, đáy khay có lỗ nhỏ để thoát nước. Loại khay này bán kèm cùng máy cấy và cần phải có hàng trăm, hàng ngàn khay để đáp ứng mạ cấy cho nhiều gia đình.

HTX hoặc cá nhân nhận gieo mạ cần chuẩn bị đầy đủ nhà vòm chống rét ở vụ xuân (che lưới đen chống nắng ở vụ hè thu), có đủ giá thể, mống, dụng cụ … mới tiến hành gieo mạ. Quy trình gieo mạ, theo ông Hoàng Ân - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, khuyến cáo: Trước khi cấy nên tạo điều kiện cho mạ làm quen với điều kiện bên ngoài từ 1 - 2 ngày. Trước khi cấy khoảng 10 tiếng thì không nên tưới nước cho mạ để máy cấy cấy đều khóm.

Tất cả những khâu chuẩn bị cho cấy máy đòi hỏi kỹ thuật cao. Bởi vậy, chỉ có thể là các tổ hợp tác, HTX dịch vụ nông nghiệp, các công ty kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp mới đủ sức thực hiện và làm để có lãi.

Khi càng có nhiều diện tích ruộng cấy máy thì càng có lãi, ngược lại nếu cấy ít thì thời gian khấu hao máy rất lâu. Hơn nữa khâu chăm mạ rất quan trọng, trong vụ xuân vừa qua, một số HTX tại Hưng Nguyên, do khâu chăm sóc mạ chưa tốt, nên mạ bị chết, phải đổ bỏ, làm lại. Đây là điều tối kỵ bởi có thể bị chậm thời vụ.

Nếu được phổ biến kỹ thuật cụ thể, hướng dẫn cho các HTX, tổ hợp tác… thì các địa phương mới có thể khắc phục được việc ứng dụng kỹ thuật trong gieo mạ, cấy máy, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa hơn nữa vào sản xuất. Hơn nữa, hiện nay, giá máy cấy cao đang là rào cản đối với nhiều nông dân muốn đầu tư cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Các bước gieo mạ cho máy cấy

Bước 1: Cho giá thể vào khay, dùng thanh gạt có bậc để gạt phẳng lớp giá thể trong khay đạt chiều cao dài 2 cm và không bị lèn chặt.

Bước 2: Tưới nước đều vào khay.

Bước 3: Gieo mộng vào khay bằng máy gieo hạt khoảng 120g - 130g mộng cho một khay, tùy theo giống lúa và độ dài của mầm.

Bước 4: Rắc đất nhỏ đã phơi khô bằng máy phủ kín mống mạ, lớp đất đạt chiều dày 0,4 - 0,5 cm. Rắc xong dùng chổi lông quét đất trên thành khay xuống đều 2 bên.

Bước 5: Ủ khay mạ vừa gieo bằng cách xếp thành từng chồng mỗi chồng khoảng 25 khay, mỗi chồng cách nhau 10 cm, khay trên cùng không có mộng, các khay chồng khít lên nhau nhưng không đè lên mộng, mùa đông phải che phủ ni lông giữ ấm cho mộng. Sau khoảng 36 - 40 giờ thì mạ ra mầm chông (dài từ 5 - 8 mm), khi đó xếp rời các khay ra nhà vòm hay khung che lưới đen để chăm sóc.

Bước 6: Chăm sóc và tưới mạ 2 - 3 lần/ngày đạt độ ẩm để mạ phát triển (không được tưới nước pha phân đậm hay bón đạm cho mạ). Khi mạ đạt 12 - 16 ngày (vụ xuân), có từ 2,5 - 3 lá, chiều cao từ 10 - 15 cm là đủ điều kiện cho vào máy cấy.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả từ mô hình trồng chuối xiêm Hiệu quả từ mô hình trồng chuối xiêm

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân thị trấn Mỹ Luông (An Giang) đã chuyển đổi 30 ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang vườn.

29/11/2015
Tỷ phú nông dân nhờ trồng cam quýt Tỷ phú nông dân nhờ trồng cam quýt

Với gần 20 ha cam, quýt các loại như: cam lòng vàng CS1, V2, cam canh, quýt ôn châu, mỗi năm gia đình anh Bùi Việt Bách, khu 3, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong thu nhập tiền tỷ và giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương.

29/11/2015
Trồng chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân xã Vĩnh Hòa Trồng chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân xã Vĩnh Hòa

anh Nguyễn Văn Ngà, ngụ ấp Vĩnh Thạnh “A”, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã chuyển đổi thành công mô hình từ lúa sang vườn, trồng với nhiều loại cây ăn trái như: dừa, xoài, ổi đài loan, chanh không hạt.

29/11/2015
Một số kết quả bước đầu về nuôi thương phẩm cá Leo trên lồng bè tại Nghệ An Một số kết quả bước đầu về nuôi thương phẩm cá Leo trên lồng bè tại Nghệ An

Cá Leo (Wallago attu Bloch & Schneider, 1801) là cá nước ngọt có kích thước lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, thịt ngon, được nhiều người ưa thích và có giá trị thương phẩm cao đang được nghiên cứu để làm đa dạng hóa đối tượng nuôi.

30/11/2015
Sản xuất tôm sú giống hạn chế bệnh còi Sản xuất tôm sú giống hạn chế bệnh còi

Chi cục nuôi trồng thủy sản Cà Mau thực hiện dự án sản xuất tôm giống theo quy trình hạn chế nhiễm bệnh MBV (bệnh còi).

30/11/2015